Trang Axios dẫn 3 nguồn tin cho biết, trong cuộc điện đàm hôm 15/7, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và các Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Pháp, Đức đã nhất trí ấn định cuối tháng 8 là hạn chót Iran phải đạt được thỏa thuận mới với các bên về chương trình nhân nhân của nước này.
Nếu không đạt được thỏa thuận nào trước thời hạn đó, Anh, Pháp và Đức sẽ có kế hoạch kích hoạt cơ chế "phục hồi" tự động áp đặt lại tất cả lệnh trừng phạt chống Iran của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận năm 2015.

Các quan chức Mỹ và Châu Âu coi lệnh trừng phạt vừa là công cụ đàm phán để gây sức ép lên Tehran vừa là giải pháp dự phòng nếu ngoại giao thất bại.
Tuy nhiên, phía Iran cho rằng không có cơ sở pháp lý nào để áp đặt lại lệnh trừng phạt đối với nước này, đồng thời dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân để đáp trả.
Theo hai nguồn tin, châu Âu đang có kế hoạch tiếp xúc với Iran trong thời gian tới, nói rằng Iran có thể tránh được lệnh trừng phạt nếu thực hiện các bước để trấn an thế giới về chương trình hạt nhân của mình, bao gồm cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nối lại hoạt động giám sát tại nước này.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền ông Trump ủng hộ việc kích hoạt lệnh trừng phạt và coi đó là đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Iran. Ông Trump được cho là rất thất vọng vì Iran vẫn chưa quay lại bàn đàm phán.
Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đã nói rõ với phía Iran rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai đều phải diễn ra trực tiếp, thay vì thông qua bên thứ ba, để tránh hiểu lầm và đẩy nhanh tiến trình.
>>> Mời độc giả xem thêm video về cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran