Mẹ chồng phải “nể” con dâu

Ngày trước, nàng dâu sợ mẹ chồng một phép; ngày nay, nhiều mẹ chồng phải “nể” con dâu vì rất nhiều lý do.

“Nhìn mẹ chồng chị về chuyến này ốm hẳn, chị xót xa lắm, càng giận em dâu mà không dám nói vì sợ bà không hiểu lại cho rằng chị ganh tị với em dâu” - chị Minh Hà, nhà ở đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP HCM, kể.
Sợ con trai mất vợ
Chị Hà kể chị về làm dâu được vài năm thì 2 đứa em chồng lấy chồng, lấy vợ. Vợ chồng chị phải dọn ra ngoài ở riêng, nhường chỗ cho vợ chồng cậu em út. Trong khi gia đình chị vất vả thuê trọ rồi tích góp mua được nhà thì vợ chồng người em trai vẫn sống bám vào ba mẹ chồng chị. Khi vợ chồng Luân, em chồng chị, sinh con thì gánh nặng càng đè lên vai mẹ chồng. Tiền sữa, tiền tã, tiền ăn, tiền quần áo..., con dâu đều réo “Mẹ ơi...”. Cô con gái giữa lấy chồng người Singapore nên làm thẻ cho bà được lưu trú dài hạn bên đó nhưng bà không sang chơi, nghỉ ngơi mà phụ giúp ở một cửa hàng rau quả của người Việt. Số tiền tích góp được, bà mua thức ăn, sữa, đóng học phí cho con cậu con út. “Trong khi đó, em dâu chị ra đường phải xe xịn, quần áo hàng hiệu vì biết có mẹ chồng lo. Khi chị đem những bức xúc này nói với mẹ chồng, bà than: Vợ chồng con tự lo được, mẹ không lo nữa. Mẹ còn sống ngày nào thì cố gắng lo cho vợ chồng thằng Luân ngày ấy vì mẹ sợ vợ nó không chịu được cực khổ, bỏ chồng mất. Đến mức này thì chị đành chịu” - chị Hà ấm ức.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cũng có tư tưởng như mẹ chồng chị Minh Hà, bà Lai - nhà ở đường Trần Não, quận 2, TP HCM - cũng nhất quyết bắt con dâu nghỉ việc vì sợ con dâu ra ngoài, gặp người giỏi giang hơn sẽ bỏ con trai bà. Trước đây, chồng bà Lai làm giám đốc của một công ty nhà nước nên gia đình có của ăn, của để. Con trai bà ăn chơi, lêu lổng, nghỉ học sớm, chẳng làm được gì ngoài việc cưới được một cô vợ có nhan sắc. “Đằng nào tôi cũng phải nuôi vợ chồng, con cái nó. Con dâu nghỉ ở nhà để lo nhắc nhở chồng, chăm con không phải tốt hơn ra đường kiếm mấy đồng bạc lẻ” - bà Lai cho biết.
Con dâu cao tay
Bà con ở phường 13, quận Tân Bình, TP HCM vô cùng tức giận trước thái độ trịch thượng của con dâu bà Năm đối với bà. Bà Ngọ, hàng xóm của bà Năm, kể: “Sáng sớm, nó đưa con đi học rồi dừng xe trước cửa nhà bóp kèn inh ỏi. Bà Năm chạy ra lấy gói xôi con dâu đưa rồi vào nhà. Tuyệt nhiên, không có tiếng chào hoặc hỏi thăm. Thấy gai mắt quá, tôi hỏi bà ấy sao để con dâu làm thế, không cho nó một bài học thì bà Năm tâm sự bị con dâu đối đãi thế này là do lỗi của bà ấy”. Trước đây, bà Năm không chấp nhận cô con dâu của mình vì cho rằng gia đình con dâu nghèo, không xứng với gia đình bà. Ngờ đâu, con dâu để trong lòng và quyết “trả đòn” mẹ chồng bằng thái độ lạnh nhạt, khinh khỉnh.
Có những nàng dâu từ đầu không gây ấn tượng với nhà chồng nhưng bằng sự khôn khéo, thật lòng của mình, họ đã chinh phục được mẹ chồng. Trong 3 nàng dâu, Luyến - nhà ở đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP HCM - “lép vế” hơn về nhan sắc, xuất thân. Biết được điểm yếu của mình, Luyến luôn tìm cách lấy lòng mẹ chồng bằng những món quà nho nhỏ, đúng sở thích của bà. Thỉnh thoảng, cô hỏi ý kiến mẹ chồng về chuyện này, chuyện kia rồi khen bà có cách giải quyết khéo. Ngày nghỉ, cuối tuần, cô cùng mẹ chồng đi chợ, nấu ăn trong khi các nàng dâu kia bận ngủ nướng hoặc đi chơi cùng bạn bè. “Tôi tin tưởng nếu mình chân thành thì mẹ chồng cũng đối xử tốt với mình” - Luyến tâm sự.

Càng yêu càng hận

Không hiểu sao anh đối xử tồi tệ như thế nhưng tôi lại không thể quên anh được?

Năm 18 tuổi, tôi lên thành phố làm công nhân, ở trọ gần phòng anh. Thấy anh là người có ý chí, vừa học, vừa làm nên tôi đem lòng yêu thương. Trai đơn gái chiếc, có tình cảm, lại sống gần nhau nên chỉ sau một thời gian ngắn là chúng tôi nhanh chóng góp gạo thổi cơm chung.

Thấy anh đi học vất vả, tôi tình nguyện cơm nước, giặt giũ, lo lắng, chăm sóc anh. Để anh có điều kiện học hành, tôi không tiếc tiền bạc, công sức. Biết anh học ngành xây dựng, cần có cái máy tính, tôi đã phải chạy xe hàng trăm cây số về quê, xin cái máy tính cũ của người anh họ đem lên cho anh. Những khi anh trễ học phí, tôi lấy tiền lương của mình ra đóng. Thời gian thấm thoắt, ngày anh làm luận văn tốt nghiệp cũng đến. Tôi khấp khởi hy vọng, chờ đợi anh sẽ ngỏ lời cưới tôi như đã hứa. Nhưng, trái với những gì tôi mong đợi, anh ngày càng lạnh nhạt, thậm chí kiếm chuyện xa lánh tôi.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Để tách khỏi tôi, đầu tiên anh lấy cớ dọn sang nhà một người bạn để tiện trao đổi bài vở làm luận văn. Vì yêu, tôi gần như mù quáng, tìm mọi lý do để được ở bên anh. Tôi vứt bỏ cả lòng tự ái, danh dự của một người con gái, dọn sang ở chung nhà trọ với bạn anh. Bạn anh bực bội ra mặt, phải ngăn phòng làm đôi để cho tôi với anh ở. Anh cũng tỏ rõ sự khó chịu, mặt nặng mày nhẹ, thường xuyên kiếm chuyện nhiếc mắng, sỉ nhục tôi.

Trong thời gian anh hắt hủi, tôi chỉ biết khóc thầm, không thể tâm sự với ai. Một người bạn nam làm chung công ty, thấy tôi rầu rĩ đã thường xuyên an ủi, động viên. Trong lúc buồn bã, mất phương hướng, tôi nhắm mắt đưa chân, nhận lời cầu hôn của anh bạn. Tôi đi chụp hình cưới mà gương mặt cô dâu cười như khóc. Tôi không có chút cảm xúc nào với anh bạn ấy nhưng khờ khạo nghĩ, việc lấy chồng rồi sẽ khỏa lấp hình bóng người yêu cũ. Tôi còn nghĩ, tôi lấy chồng sẽ khiến anh phải ray rứt, ân hận. Nhưng, dù ở bên chồng, tôi vẫn không quên được anh. Tôi nhiều lần lén chồng, nhắn tin liên lạc với người yêu cũ.

Những dịp đặc biệt, anh hẹn tôi đi chơi. Chúng tôi thường thuê khách sạn, chăn gối với nhau. Việc gì đến cũng đến, do không ngừa trước, tôi lỡ có thai với anh.

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra. Bố mẹ chồng mắng chửi tôi rồi đuổi mẹ con tôi khỏi nhà. Đau khổ tận cùng, tôi điện thoại cầu mong anh giúp đỡ. Đáp lại những lời năn nỉ của tôi, anh lạnh lùng: “Con của cô thì cô tự lo. Tôi không có trách nhiệm gì với nó cả. Đừng làm phiền tôi”.

Những khi con gái ốm đau, mình tôi ôm con đi bệnh viện, gọi cho anh tôi luôn nhận được những lời chửi rủa. Không hiểu sao anh đối xử tồi tệ như thế nhưng tôi lại không thể quên anh được? Tôi phải làm sao khi nỗi đau giữa yêu và hận cứ ngày một lớn dần trong lòng? Không lẽ tôi cứ sống câm lặng, để con gái mình chịu thiệt thòi vì không bao giờ có được tình yêu, sự quan tâm của cha ruột?

Đâu rồi những lời yêu thương!

Anh thắc mắc sao mỗi khi anh nói chuyện điện thoại thì em lại nghiêng tai lắng nghe. Em chỉ cười mà không trả lời. Lần sau, em vẫn thế...

Chẳng phải em nghi ngờ anh hoặc tò mò, hóng chuyện. Nếu em không nói thì sẽ chẳng bao giờ anh biết được em thèm được làm người ở phía bên kia đầu dây biết mấy. Em chẳng biết người ấy bao nhiêu tuổi, già hay trẻ, đẹp hay xấu, có chồng hay chưa… nhưng giờ khi nói chuyện với họ, anh rất dịu dàng. Nụ cười cũng túc trực trên môi anh, những câu nói đùa thật dễ thương, thật cởi mở. Em thấy anh cứ như một người khác chứ không phải là người chồng lúc nào cũng nói năng cụt ngủn với vợ con. Chính vì vậy mà em cứ thích nghe, thích nhìn mỗi khi anh nói chuyện điện thoại với ai đó.

Không phải một lần mà trăm ngàn lần em ước ao mình được làm người ở phía bên kia chiếc điện thoại. Em thích được nghe chồng mình nói “em ngủ ngon nhé”, “đi đường cẩn thận nghe chưa”, “nhớ mang áo mưa, hình như trời sắp mưa rồi đấy”, “chừng nào xong việc, anh sẽ gọi cho em…”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Ôi, những lời nói ngọt ngào của chồng em nhưng sao chỉ dành cho người khác? Em cũng cần được chúc ngủ ngon, cần được dặn dò chuyện đi đứng để thấy mình được quan tâm; cần được cảm ơn, xin lỗi để thấy mình được trân trọng…

Thế nhưng, chẳng có gì cả. Những câu nói tốt đẹp nhất có lẽ anh đã dành cho người ngoài nên về nhà với em, anh chỉ có những lời cộc cằn, không đầu không cuối. Có lẽ anh sẽ bảo đã là vợ chồng thì cần gì phải khách sáo; phải lựa lời, phải này nọ… Nhưng em cần như thế và thèm được như thế.

Chúng mình còn phải sống với nhau rất nhiều ngày tháng nữa, em muốn chúng ta cùng chung tay vun đắp cho tổ ấm của mình. Một câu nói yêu thương, một nụ cười ấm áp, một tiếng cảm ơn… chính là những viên gạch để xây ngôi nhà hạnh phúc của chúng mình ngày càng bền chặt...