 |
Tượng Quan Thánh. |
Miếu được xây để thờ Quan Vũ – một trong Ngũ Hổ tướng Thục Hán thời Tam Quốc (còn được gọi là Võ Miếu, Võ Thánh miếu, Hiệp Thiên cung, Ân Chúa Công miếu…) kể từ sau khi hoàng đế nhà Minh sắc phong Quan Vũ làm “Quan Thánh Đế quân”. Quan Đế miếu còn có ở khắp các nước xung quanh bị ảnh hưởng bởi “Văn hóa chữ Hán” như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Singapore và một số nước Đông Nam Á khác.
Rất nhiều người tôn thờ Quan Vũ bắt nguồn bởi những điều La Quán Trung viết về ông trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, khắc họa ông thành một vị anh hùng giỏi giang tài ba, trung nghĩa gan dạ với những tình tiết ly kỳ như “chém Hoa Hùng chén rượu hãy còn nóng”, “qua 5 cửa ải chém 6 tướng”, “đơn đao phó hội”, “vì nghĩa tha Tào Tháo”…
Hình tượng nhân nghĩa từ “Tam Quốc”
Quan Vũ từ người biến thành thần trước hết bởi những phẩm chất của ông; nhưng việc 3 tôn giáo lớn Nho, Phật, Đạo tranh giành ông của cũng đã nâng cao địa vị của ông và đưa ông lên bệ thần. Quan Vũ là người thích đọc “Xuân Thu”, mà bộ “Xuân Thu” do Khổng Tử viết chủ yếu nhằm khuyên bảo mọi người biết giữ bổn phận, không nên làm những điều vượt khuôn khổ.
Sống vào cuối thời kỳ Đông Hán, từ nhỏ Quan Vũ đã được hun đúc bởi tư tưởng Nho giáo chính thống. Trong quá trình giúp đại ca Lưu Bị xây dựng thiên hạ nhà Thục Hán, những biểu hiện trung nghĩa của Quan Vũ đã khiến hình tượng của ông khắc sâu trong lòng dân chúng.
Một số biểu hiện phẩm chất trung nghĩa của Quan Vũ được mô tả trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, như: Trong trận Hạ Bì, do thế lực hai bên chênh lệch quá lớn, Quan Vũ bị bại trận. Để bảo vệ vợ con Lưu Bị. Quan Vũ buộc phải đầu hàng Tào Tháo. Tào Tháo rất thích tài năng của ông nên phong làm “Hán Thọ Đình hầu” và hậu đãi “3 ngày một tiệc nhỏ, 5 ngày một tiệc lớn” lại còn thỉnh thoảng tặng vàng thưởng bạc; nhưng Quan Vũ lòng không chút dao động.
Quan Vũ “Thân tại Tào doanh, tâm tại Hán”, đã giao hẹn ba điều với Tào Tháo: Một, chỉ hàng Hán, không hàng Tào; hai: phải dùng lễ đối đãi tử tế với hai chị dâu; ba: nếu khi nào biết Lưu Bị ở đâu sẽ lập tức tìm đến. Tuy điều kiện rất hà khắc, nhưng là người biết trọng nhân tài nên Tào Tháo vẫn đáp ứng với hy vọng ngày nào đó Quan Vũ sẽ nghĩ lại vì cảm kích trước tình cảm của mình.
Đại ca bỏ chạy bất chấp an nguy của vợ con và ông, trong khi Tào Tháo lại có ơn cứu mạng; mặc dù vậy trong lòng Quan Vũ vẫn chỉ coi Lưu Bị là chủ, điều này khiến người đời kính phục sự trung nghĩa của ông. Về sau, khi nghe được tin về Lưu Bị, Quan Vũ đã kiên quyết bỏ lại vàng bạc, châu báu, dẫn theo 2 chị dâu qua 5 cửa ải chém 6 tướng, trèo đèo vượt suối đi gặp đại ca của mình.
Trong trận Xích Bích, Tào Tháo bại trận phải chạy trốn theo đường Hoa Dung, Quan Vũ tuy trước khi xuất phát đi trấn giữ Hoa Dung đã lập bản cam kết sẽ giết Tào Tháo, nhưng khi gặp Tào Tháo bại trận chạy đến, bất giác nghĩ lại những điều đối đãi tốt đẹp của Tháo với mình khi trước, nên bất chấp nguy cơ bị chém đầu vì vi phạm quân lệnh, vẫn thả cho Tào Tháo đi qua để trả lại ơn nghĩa cưu mang.
Chuyện “có ơn tất báo” chỉ là chuyện nhỏ trong vô số hành vi “nghĩa” của Quan Vũ, nhưng đã phản chiếu hình tượng lớn lao của ông. Chính vì sự trung nghĩa như thế, Quan Vũ đã chiếm được tình cảm yêu mến, kính phục của dân chúng.
Bi kịch từ tính tình ngạo mạn, cố chấp
Xuất thân trong gia đình nhà nông làm nghề rèn ở Sơn Tây, nhưng Quan Vũ thích đọc “Xuân Thu” lại ham luyện võ. Năm 18 tuổi, cha mẹ cưới vợ cho, sau 1 năm đã sinh hạ con trai Quan Bình. Quan Vũ yên ổn, hài lòng với việc giúp cha rèn đồ và trông coi cửa hàng bán đồ sắt. Năm ông 20 tuổi, một hôm có tên ác bá họ Lã tìm đến đòi nộp tiền bảo kê. Thấy một kẻ ngang ngược đến vô cớ đòi nộp tiền, Quan Vũ rất tức.
Tuổi trẻ đang hăng, không chịu thua kẻ bạo ngược, Quan Vũ tuyên bố nhà mình không cần ai bảo vệ, từ chối nộp tiền. Kẻ ác bá xông vào đánh, vốn tinh thông võ nghệ, Quan Vũ đâu dễ chịu để bị bắt nạt, liền đấm cho hắn một cú, nào ngờ chỉ một cú đấm đã đưa hắn đi chầu Diêm Vương.
“Sát nhân đền mạng, vay nợ trả tiền”, để giữ tính mạng con, cha mẹ Quan Vũ phải để ông bỏ nhà đi lánh nạn. Trên đường bỏ trốn, Quan Vũ gặp được Lưu Bị và Trương Phi – những người anh em tri kỷ gắn bó cả đời. Ba người mới gặp đã như thân quen từ trước, đến Đào Viên kết nghĩa anh em, đồng tâm hiệp lực cùng nhau mở ra sự nghiệp. Sau quá trình Nam chinh Bắc chiến, Tây nhập Hán Xuyên, họ lập ra được nước Thục đối kháng với Tào Ngụy.
Con người ta có khi mọi chuyện quá thuận lợi, dễ sinh ra ngạo mạn, cố chấp. Quan Vũ là người như thế. Sau khi chém Nhan Lương giải vây thành Bạch Mã, qua 5 cửa ải chém 6 tướng, một mình băng ngàn dặm, mượn nước dìm 7 đạo quân…Quan Vũ trở nên như đại anh hùng được thần tiên phò trợ.
 |
Tranh thờ Quan Công. |