
Các nhà quan sát phương Tây đã chú ý đến các tài liệu được công bố trực tuyến, theo ý kiến của họ, cho thấy Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS) đã sử dụng tên lửa không đối không R-77M trong chiến đấu và đây thực sự là mối đe dọa nguy hiểm cho chiến đấu cơ Ukraine và cả phương Tây.

“Rõ ràng, Nga đang sử dụng một loại tên lửa mới trong cuộc chiến với Ukraine”, trang quân sự The War Zone của Mỹ cho biết và khẳng định, R-77M là phiên bản hiện đại hóa sâu sắc của tên lửa không đối không tầm xa R-77, được phát triển từ thời Liên Xô.

Các nhà phân tích phương Tây trước đây đã cảnh báo rằng việc Nga đầu tư vào các loại vũ khí tiên tiến như R-77M nhằm mục đích giành ưu thế trên không trong các cuộc giao tranh tương lai, đặc biệt trước đối thủ được trang bị vũ khí tàng hình và cảm biến tầm xa.

The War Zone cho biết, bức ảnh mới xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy một máy bay chiến đấu đa năng Su-35S, với hai tên lửa R-77M trên các giá treo nằm dưới các cửa hút gió. Đồng thời vẫn có tên lửa R-77-1 tiêu chuẩn, được gắn vào các móc treo trung tâm cánh chính.

Ngoài ra, chiếc Su-35S cũng được trang bị một tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại tầm gần R-73/74, nằm dưới móc treo của cánh trái; cũng như các cụm tác chiến điện tử trên đầu cánh. Tên lửa này dùng để chiến đấu trong tầm nhìn.

Về mặt hình dáng, tên lửa R-77M không giống như R-77, vì có 4 cánh lái ở đuôi hình chữ thập nhỏ hơn, thay vì cánh dạng lưới; 4 cánh nâng cũng nhỏ hơn và dài hơn. Tên lửa R-77M có một số cải tiến đáng kể so với R-77, giúp nó tương đương trình độ phát triển của tên lửa Mỹ; The War Zone đánh giá. (Ảnh tên lửa R-77).

Như đã đề cập, tên lửa R-77 cơ bản sử dụng phương pháp dẫn đường radar chủ động đã khá cũ. Việc phát triển nó bắt đầu từ thời Liên Xô, vào đầu thập niên 1980, với mục đích là chế tạo như một phiên bản tên lửa không đối không tương tự như tên lửa AIM-120 AMRAAM của Mỹ.

Nhưng do những khó khăn về kỹ thuật và kinh tế, tên lửa R-77 mãi tới năm 1994 mới được đưa vào biên chế. Trong chiến tranh Syria, lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã nhận được phiên bản cải tiến của R-77 là R-77-1, với khả năng chống nhiễu tốt hơn, đầu dò nhạy hơn. Tuy nhiên tính năng khí động học hạn chế.

Phiên bản R-77-1 được xem là bản nâng cấp tạm thời, trong khi R-77M, hay "Izdelie 180 (Sản phẩm 180)", được kỳ vọng sẽ mang lại những cải tiến đáng kể hơn nhiều. Sự hiện diện của các cánh ổn định cải tiến, giúp tên lửa R-77M có thể được đặt bên trong khoang vũ khí của máy bay chiến đấu tàng hình mới nhất của Nga là Su-57.

Đồng thời, các cánh lái tên lửa R-77M đã được nâng cấp lớn, giúp giảm lực cản khí động học và độ phản xạ radar của tên lửa. Những thay đổi khác được bao gồm đầu dò radar cải tiến, có chế độ bán chủ động bên cạnh chế độ dẫn đường chủ động. Điều này có thể nhằm mục đích phát hiện mục tiêu bằng các nguồn radar bên ngoài.

Đặc biệt cải tiến về động cơ chế kép thế hệ mới, cũng là một cải tiến đáng kể của tên lửa R-77M, nó cung cấp lực đẩy liên tục trong suốt hành trình bay của tên lửa, giúp cải thiện khả năng cơ động ở độ cao lớn, tăng tầm bắn và cải thiện hiệu quả chiến đấu với những mục tiêu có khả năng cơ động tốt.

Theo thông tin chưa được xác nhận, tầm bay của R-77M xa gấp đôi so với phiên bản R-77, tức là có thể đạt tới 190 km. Mặc dù trên thực tế, tầm bay này phụ thuộc vào nhiều yếu tố (tốc độ và độ cao của máy bay phóng tên lửa, quỹ đạo mục tiêu, v.v.).

Hiện các loại tên lửa không đối không của Ukraine đều có tính năng dưới R-77M một bậc. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí phương Tây trước khi hy sinh vào năm 2023, một phi công lái chiến đấu cơ MiG-29 của Ukraine với biệt danh "Djus", cho biết tên lửa R-37M trang bị trên MiG-29 của Ukraine, đã "hạn chế khả năng thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi", vì phi công phải cơ động tránh xa mối đe dọa, điều này không cho phép thực hiện một cuộc không kích.

Loại tên lửa không đối không tầm xa nhất được Ukraine sử dụng là AIM-120C AMRAAM do Mỹ viện trợ, với tầm bắn tối đa khoảng 74 km. Do vậy khi thực hiện không chiến, nếu phi công Ukraine không phát hiện kịp thời tên lửa R-77M được phóng đi, họ coi như kết thúc sự nghiệp. (nguồn ảnh The War Zone, TASS, Wikipedia).
Tên lửa không đối không R-77M của Nga. Nguồn Military Review