Lộ quốc gia viện trợ Ukraine cùng lúc 14 trực thăng Mi-8
14 chiếc trực thăng Mi-8 các loại dự kiến sẽ được Croatia viện trợ cho Ukraine trong thời gian sắp tới.
Ukraine sẽ sớm nhận thêm 14 trực thăng Mi-8 và Mi-8MTV-1 từ Croatia – thông tin trên được đưa ra bởi trang Military và đã được tờ Jutarnji xác nhận. Được biết, quyết định chuyển giao số trực thăng trên được đưa ra bởi Bộ Quốc phòng, sau đó sẽ cần được phê duyệt bởi chính phủ Croatia.
Mi-8MVT-1 của Croatia. Ảnh: Heinz Berger
Theo bài báo từ Jutarnji, Croatia từng dự định thay thế mẫu trực thăng Mi-8 bằng trực thăng Black Hawk từ Mỹ, tuy nhiên sau đó đã bác bỏ kế hoạch này. Hiện tại, Croatia cũng đang trong quá trình thương thảo với Mỹ để nhập khẩu trực thăng Black Hawk, quốc gia này cũng chuẩn bị sẵn sàng chuyển giao 10 trực thăng Mi-8 tới Ukraine, nếu hợp đồng mua Black Hawk từ Mỹ được ký kết.
Quyết định viện trợ số trực thăng trên tới Ukraine được coi là “hợp lý và sáng suốt” bởi, thứ nhất, các nguồn linh kiện bảo dưỡng số trực thăng này trong kho của Croatia sẽ cạn kiệt vào năm tới, và, thứ hai, mẫu trực thăng Mi-8 không sở hữu các trang thiết bị đồng bộ với hệ thống khí tài tiêu chuẩn NATO.
Croatia dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn các trực thăng do Soviet sản xuất và nâng cấp phi đội trực thăng của mình vào năm 2026. Theo thông tin từ Military Balance, tính tới năm 2021, Croatia đang sở hữu 11 trực thăng Mi-8MTB, cùng 4 trực thăng Mi-8T và 10 chiếc Mi-171.
Ngoài ra, Jutarnji cũng xác nhận Ukraine đã nhận 12 pháo M-46 130mm từ Croatia, vốn được gửi từ đầu tháng 8. Được biết, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã thử nghiệm loại pháo trên ở tầm bắn 27km, với tầm bắn tối đa là 40km.
Ba Lan lên tiếng về nguồn gốc tên lửa gây nổ làng biên giới gần Ukraine
Các lãnh đạo Ba Lan cho biết, quả tên lửa rơi xuống một ngôi làng biên giới của nước này, khiến 2 dân thường thiệt mạng nhiều khả năng từ hệ thống phòng không của Ukraine.
Báo Guardian dẫn lời Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 16/11 rằng, quả tên lửa rơi xuống làng Przewodow, cách biên giới với Ukraine khoảng 6km, lúc 15h40 giờ địa phương hôm 15/11 “có thể là một tai nạn đáng tiếc”.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda. Ảnh: BBC
Theo ông Duda, khả năng cao là tên lửa gây sự cố đã được hệ thống phòng không Ukraine sử dụng để ngăn chặn các tên lửa tập kích của Nga và bay lạc sang lãnh thổ Ba Lan gây chết người.
Tổng thống Ba Lan lưu ý, hiện không có căn cứ để tin sự cố là một cuộc tấn công có chủ ý hoặc phía Nga đã bắn tên lửa.
Hiện trường vụ rơi tên lửa ở làng Przewodow thuộc Ba Lan ngày 15/11 khiến 2 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, cũng tại cuộc họp báo, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông tin, Warsaw vẫn đang phân tích khả năng viện dẫn điều 4 của Hiệp ước NATO để triệu tập các nước thành viên thuộc liên minh quân sự này để tham vấn an ninh sau vụ nổ tên lửa ở Przewodow. Song, ông Morawiecki cho hay, Chính phủ Ba Lan hiện dường như không cần phải sử dụng biện pháp đó nữa.
Ảnh chụp một mảnh vỡ tên lửa bị nổ sau khi rơi xuống Przewodow, Ba Lan. Ảnh: Twitter
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố cho biết, những hình ảnh chụp mảnh vỡ được phát hiện ở Ba Lan phản ánh đây là tên lửa phòng không S-300 của quân đội Ukraine. Nhà chức trách Nga quả quyết, các lực lượng Moscow hôm 15/11 chỉ nhắm bắn các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, cách biên giới Ba Lan ít nhất 35km.
“Vụ rơi tên lửa ở Ba Lan là hành động cố ý khiêu khích nhằm leo thang tình hình", trích tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tái khẳng định Nga vô can trong sự cố, đồng thời chỉ trích một số quốc gia đã đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ”.
Tên lửa lảng vảng - vũ khí của chiến trường tương lai
Từ các cuộc xung đột Nagorno-Karabakh và Ukraine đã cho thấy hiệu quả của các loại tên lửa lảng vảng trên chiến trường và hứa hẹn sẽ là vũ khí tấn công của tương lai.
Tên lửa lảng vảng (TLLV) là sản phẩm của sự kết hợp giữa công nghệ tên lửa tiên tiến và công nghệ UAV, có thể nhanh chóng tiếp cận khu vực mục tiêu và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau như bay tuần tra, trinh sát và giám sát, đánh giá thiệt hại và không kích.
Sở trường đặc biệt của sư đoàn dù Mỹ triển khai cạnh Ukraine
Hôm 21/10, khoảng 4.700 binh sĩ thuộc Sư đoàn dù 101 Mỹ đã triển khai ở Romania, tại căn cứ ngay cạnh Ukraine.
Là một trong 4 sư đoàn chủ lực của Quân đoàn 18 đổ bộ đường không (cùng với Sư đoàn 82 đổ bộ đường không, Sư đoàn 3 bộ binh cơ giới và Sư đoàn 10 sơn cước), Sư đoàn 101 đột kích đường không được thành lập tháng 11/1918 và trở thành một đơn vị đổ bộ đường không vào năm 1942. Năm 1968, sư đoàn được tái tổ chức thành sư đoàn không vận, năm 1974 chuyển thành sư đoàn đột kích đường không (ĐKĐK).
Với biểu tượng là đầu đại bàng há mỏ và phương châm hành động “Mọi lúc, mọi nơi và chiến đấu”, Sư đoàn 101 đóng sở chỉ huy tại Fort Campbell, bang Kentuky. Từng tham gia chiến tranh Thế giới thứ 2, và cho đến nay, với biên chế hơn 17.000 binh sĩ cùng nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại, Sư đoàn 101 vẫn được xem là một trong những đơn vị cấp sư đoàn mạnh nhất thế giới, được nhận biệt danh là "Đại bàng gào thét".
Lính Sư đoàn dù 101 Mỹ tham chiến ở Afghanistan. Ảnh: Wikipedia
Nhiệm vụ chủ yếu của sư đoàn là nhanh chóng khuyếch trương chiến quả, đặc biệt khi chiến đấu trong điều kiện địa hình phức tạp; đánh đòn tập kích để cầm chân và ngăn cản lực lượng dự bị đối phương tham chiến; nhanh chóng tiêu diệt lực lượng dù đối phương; yểm trợ, bảo vệ đội hình chính và hậu phương quân đoàn...
Cơ động chủ yếu bằng máy bay trực thăng, mức độ sẵn sàng chiến đấu và khả năng chiến đấu cao, Sư đoàn 101 thường được giao thực hiện các trọng trách tại những khu vực quan trọng. Trong huấn luyện, sư đoàn dành nhiều thời gian cho các bài tập chiến đấu trong điều kiện phức tạp về khí hậu thời tiết và địa hình, rèn luyện chiến thuật phối hợp chiến đấu với lực lượng tác chiến đặc biệt.
Về cơ cấu tổ chức, Sư đoàn 101 gồm: 3 lữ đoàn; 9 tiểu đoàn bộ binh cơ động đường không; 2 lữ đoàn không quân 101 và 159 khi cần có thể được tăng cường bằng các phi đội máy bay trực thăng của trung đoàn không quân 131 và 244 của lực lượng cận vệ lục quân; 3 tiểu đoàn pháo mặt đất; các tiểu đoàn phòng không, trinh sát điện tử, thông tin, công binh, quân y; đại đội quân cảnh... Quân số của sư đoàn là 17.000 người.
Trang bị vũ khí chủ yếu có: 144 khẩu pháo và súng cối; 400 tổ hợp tên lửa chống tăng; 390 máy bay trực thăng, trong đó có 72 máy bay chiến đấu... Trong trường hợp cần thiết, sư đoàn được tăng cường 2 tiểu đoàn pháo 155mm M 198 (mỗi tiểu đoàn 18 khẩu).
Để cơ động hết đội hình, sư đoàn cần 858 máy bay C-141B Starlifter (tải trọng 42,8 tấn; có thể chở 160 binh sĩ có đầy đủ vũ khí trang bị hoặc 123 lính dù, hoặc 13 xe tải, hoặc 3 xe chiến đấu) và 76 máy bay C-5A Galaxy (tải trọng 118 tấn; có thể chở 345 binh sĩ hoặc 2 xe tăng M-60, hoặc 6 máy bay trực thăng UH-60 hay AH-64, hoặc 5 xe chiến đấu). Chuyển 1 lữ đoàn cần 188 chiếc C-141B và 12 chiếc C-5A; chuyển 1 tiểu đoàn cần 30 chiếc C-141B.
Sư đoàn có thể thực hiện các cuộc đổ bộ bằng dù hay đổ bộ thẳng đứng vào sâu trong lãnh thổ đối phương 150km (tính từ chiến tuyến). Tốc độ hành quân theo đường không của sư đoàn cao gấp 8-10 lần so với đường bộ; một đợt bay có thể chuyên chở 380 tấn hàng và 3 trong số 9 tiểu đoàn bộ binh cơ động đường không. Sau khi tiếp đất, các tiểu đoàn này có thể chiến đấu như một đơn vị bộ binh thông thường.
Sở trường của Sư đoàn 101 là tiến hành các hành động tác chiến phòng ngự, tiến công hay phản công (độc lập hay phối hợp); chặn đường rút lui của đối phương; thâm nhập vào tung thâm và tiến công các đơn vị dự bị cùng các mục tiêu quan trọng của đối phương; thực hiện những đòn tiến công bất ngờ vào đối phương từ mọi hướng.
Những điểm yếu làm giảm khả năng độc lập tác chiến của Sư đoàn 101 là dễ bị tổn thương cả từ phía trên không và mặt đất, khả năng phòng không kém, đội ngũ máy bay trực thăng tiêu hao nhiều nhiên liệu và vật tư...
Với sức mạnh của mình, Sư đoàn 101 ĐKĐK là thành tố quan trọng làm cho Quân đoàn 18 đổ bộ đường không trở thành lực lượng có khả năng sẵn sàng chiến đấu và khả năng cơ động lớn nhất của lục quân Mỹ.