Làm vợ hay chồng cũng giống như làm một nghề

Làm vợ hay chồng cũng giống như làm một nghề, cần học mới có kiến thức, kỹ năng, giải pháp... để giải quyết những vấn đề mà nó đặt ra. 

Thủy, bạn tôi, là giảng viên đại học. Cô ấy lập gia đình cách đây 6 năm và đã có một cậu con trai 4 tuổi. Ban đầu vợ chồng Thủy sống rất hạnh phúc, nhưng dần dà chồng cô ấy xuất hiện nhiều tật xấu mà anh ta không muốn quyết tâm từ bỏ (rượu chè, cá cược, bida…), anh ta luôn nhậu nhẹt về muộn, rồi toàn nói dối là “đi ngoại giao, quan hệ công việc, đi với sếp…”. Anh ta nói dối ngày càng nhiều hơn và còn lập “quỹ đen” để tiêu riêng và lún sâu vào nợ nần.
Thủy tâm sự với tôi, có lần chồng cô ấy bảo vợ rút tiền tiết kiệm đưa anh để “đi làm sổ đỏ”, nhưng rồi mất tiêu luôn; lần khác là “mua laptop”, rút cục anh ta không trả tiền, cửa hàng đến nhà đòi Thủy lại phải đưa tiền thêm lần nữa. Nhiều tháng anh ta không đóng góp tiền nuôi con, bảo công ty đang thua lỗ, nợ lương… Thủy quá yêu và tin chồng, cho dù anh ta mắc lỗi gì, chỉ cần nói ngon ngọt, hứa hẹn sửa chữa là cô sẵn sàng cho qua, rồi anh ta lại chứng nào tật nấy. Nhưng điều khiến cô ấy phát điên chính là sự không chung thủy của chồng.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trước đây Thủy khẳng định chồng mình có nhiều tính xấu, nhưng không bao giờ nghĩ anh ta có thể phản bội, bởi cho rằng mình luôn quan tâm chăm sóc, yêu thương chồng như thế thì có lý gì anh ta lại phản bội? Cách đây 3 tháng, người tình của chồng Thủy đã đến tận nhà trách cứ anh ta “tại sao hẹn hò mà không đến?”. Cô ta còn ngang ngược gọi điện cho Thủy: “Chị nên xem lại chồng mình, khuyên anh ta bỏ kiểu yêu đương tay ba ấy đi...”, vậy mà chồng Thủy vẫn cãi cố là mình “trong sạch”. Anh ta giải thích rằng, anh nợ tiền cô ta và hẹn sẽ trả, nhưng không trả được nên cô ta tới đòi và nói về chuyện hẹn hò... Thủy biết anh nói dối, nhưng vẫn cố tin. Sau đó chồng Thủy và cô gái kia vẫn gọi điện cho nhau, có hôm nửa đêm họ còn tâm sự, Thủy giật điện thoại của chồng chửi cho cô ta một trận.
Cách đây vài hôm cô kia lại gọi điện cho chồng Thủy. Chồng Thủy giả vờ quát tháo rồi tắt máy. Thủy lấy điện thoại của chồng gọi lại, cô ta không biết nên nhõng nhẹo hỏi: “Sao tối nay anh không đến với em?”. Thủy không đủ bình tĩnh nữa và quát tháo cô ta một trận, thế là cô ta đề nghị gặp trực tiếp để “ba mặt một lời”. Thủy đồng ý. Trên đường đi cô ấy vẫn hy vọng là mình… nhầm. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Thủy quá sốc và đau khổ khi nghe cô ta thú nhận là rất yêu chồng Thủy và muốn sống với anh, họ đã quen nhau và quan hệ như vợ chồng gần hai năm nay, cô ta đã phá thai một lần và bây giờ lại có thai lần thứ hai, cô ta xin chồng Thủy cho đứa bé mang họ anh.
Thủy không gào thét, không chửi bới mà cũng không khóc nổi. Rồi Thủy hỏi cô ta: “Chồng tôi có hứa hẹn với cô điều gì không?”. Cô ta bảo anh không hứa hẹn gì và cũng nói sẽ không bao giờ bỏ vợ... Mấy hôm nay Thủy giữ thái độ im lặng, còn chồng cô lại xin tha thứ, lại hứa hẹn...
Thủy đặt ra hàng chục câu hỏi rối bời: Có phải cô ấy đã quá đơn giản, nhẹ dạ khi xử lý những vấn đề của vợ chồng? Liệu cô ấy có nên tiếp tục tin và tha thứ cho chồng? Nếu tha thứ, liệu anh ta có tiếp tục phản bội? Liệu cô gái kia có thai với chồng mình thật không?...
Thú thực, tôi không thể trả lời chính xác những câu hỏi của Thủy, cũng không thể đưa ra lời khuyên về một “lối thoát”, tôi chỉ có thể chia sẻ với cô ấy những suy nghĩ của mình về tình trạng “chồng chẳng ra chồng, vợ chẳng ra vợ” trong nhiều gia đình trẻ thời nay. Dường như họ là những người đàn ông, đàn bà không bao giờ trưởng thành. Tôi thật sự ái ngại, không biết chuyện vợ chồng Thủy rồi sẽ đi đến đâu, chỉ thấy rõ một điều, họ có thể đều là người học hành, thành đạt, nhưng lại thiếu kỹ năng ứng xử trong hôn nhân, họ không biết làm chồng, làm vợ thì phải như thế nào, quyền lợi và trách nhiệm ra sao...
Tôi cho rằng, làm vợ hay làm chồng cũng giống như làm một nghề, cần phải học mới có kiến thức, kỹ năng, giải pháp... để giải quyết những vấn đề mà nó đặt ra. Còn cuộc sống cũng luôn là một bài toán đa nghiệm, nếu ngay từ khi đọc đề bài mà bạn đã không hiểu thì làm sao có thể tìm ra cách giải nó được?

Cơn gió mát lành

Chị cười mà nước mắt như mưa. Dễ gì chị nhận được phần của cha chồng, nhưng câu nói ghi nhận ân tình lại như một cơn gió mát lành. 

Nhà chồng chị rất nghèo, gọi là nhà nhưng chỉ là một túp lều, diện tích đủ kê một cái giường đơn cho người cha phải nằm một chỗ sau tai biến, và một cái giường đôi cho hai anh em ngủ chung. Trường học cách nhà chục cây số, hai anh em sáng sớm nhịn đói chở nhau trên chiếc xe đạp đi học, trưa về vội cất sách vở chạy từ đầu làng đến cuối xóm tìm việc xin làm thuê.

Chồng chị không được thông minh như em trai nên học xong chương trình phổ thông ở mức trung bình thì anh đi làm thuê, tự nguyện gánh vác việc kiếm tiền và chăm sóc cha cho em trai học hành. Chị quen anh trong một mùa thu hoạch cà phê, khi hai người cùng hái thuê cho một chủ rẫy. Nghe anh tâm sự chuyện nhà và ước mong kiếm tiền thay túp lều 20m2 bằng tường gạch để trời mưa bão không sợ bị gió thổi bay, chị thương.

20m2 tường gạch mọc lên trước ngày cưới gần như hoàn toàn là công sức của chị, vì tiền anh làm ra phải chi tiêu cho bệnh tật của cha.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hai đứa con lần lượt ra đời, làm thuê theo ngày chẳng dành dụm được gì, anh theo bạn bè đi làm thợ công trình, cơm chủ nuôi, lương cuối tháng lãnh một cục. Anh tính toán, cuối năm dư được chừng này, chịu khó vài ba năm thì được chừng này... Cũng đáng với cái giá phải xa vợ con. Chỉ tội cho chị phải gồng gánh mọi chi tiêu hàng ngày và cũng vì vậy mà em trai dở dang giấc mộng giảng đường, phải ở nhà chăm sóc cha.

Nhưng, cuộc sống xa nhà còn có những cái giá khác mà chỉ người trong cuộc mới thấm. Tiền lương của anh tan biến dần theo những cuộc vui quán xá mà những lúc tỉnh ra, sự nuối tiếc đã khiến anh lao vào cờ bạc để gỡ gạc. Càng gỡ càng thua, càng thua càng sinh đủ chuyện…

Vợ chồng đang trong cơn khủng hoảng trầm trọng thì tin đứa em trai sau ba năm nghỉ học vì cảnh nhà nay đã thi đậu trường y như một cơn gió mát lành. Cần có người chăm sóc cha cho em đi học, một lý do quá chính đáng để chị kéo anh về.

Anh từ bỏ cuộc sống công trình nay đây mai đó, bắt đầu lại như xưa là đi làm thuê theo thời vụ, chị thì vẫn tận dụng đất trống quanh túp lều để trồng rau, nuôi gà, mua bán lặt vặt quanh xóm. Chị tằn tiện, chắt bóp… Rồi, chị khóc ngất khi cái lon đựng tiền chỉ hai vợ chồng biết chỗ cất giấu không cánh mà bay. Anh lại lao vào cờ bạc để mau có tiền, hậu quả là thua sạch.

Giữa lúc thấy đời mình thật mịt mù thì thư em chồng gửi về một lần nữa lại như làn gió mát lành. Em chồng được cấp học bổng, sau đó còn có thêm tài trợ của một doanh nghiệp, em tính toán: tiết kiệm mỗi tháng được 500.000đ gửi về phụ chị chăm sóc cha. Em chồng biết anh mình hư nên cẩn thận dặn dò số tiền đó chị đừng nói cho anh biết.

Sự tin cậy của em chồng giúp chị vượt qua nỗi buồn tủi. Chị lau nước mắt, nhất định không phụ lòng tin của chú nó. Đến bữa, chị nấu riêng đĩa thức ăn ngon cho cha chồng, nhìn cháu thèm thuồng, ông nội chỉ khều khều vài miếng rồi bảo con dâu gắp hết vào chén của mấy đứa cháu. Thấy ông nhường cho cháu nội mà chị vui đến chảy nước mắt. Lại thấy cuộc đời không đến nỗi nào, lại thấy như được phục hồi sức lực để tiếp tục bươn chải. Tối, chồng nhậu say về lè nhè gây sự với vợ, hỗn láo với cha, chị thầm thì dạy con “mai mốt lớn lên đừng bắt chước cha, hãy noi gương chú”. Cha chồng bất lực chỉ biết ngồi lặng nghe con trai nhiếc móc mà chẳng thể làm được gì. Chị an ủi ông bằng cách biết tờ báo nào có bài viết khen ngợi em chồng hiếu học vượt khó là tìm mua đem về cho cha chồng đọc, rồi xếp lại thẳng thớm đặt dưới gối của ông. Những khi thấy chị cực quá, ông lại an ủi chị là trời có mắt, bây đừng buồn nhiều, khi nào em học thành tài, thế nào cũng bù đắp cho bây và mấy đứa nhỏ.

Chị kể cho các con nghe về chú như chuyện cổ tích về chàng trai nghèo ham học và hiếu thảo. Chị truyền cho hai đứa con niềm nể phục của mình đối với em chồng và cả niềm hy vọng thầm kín về tương lai con mình sẽ được người chú thành đạt dìu dắt.

Bảy năm trôi qua, em chồng tốt nghiệp loại giỏi, được một bệnh viện tư ở thành phố mời làm việc. Chàng trai nhà quê ngày nào đã trở thành người đàn ông chững chạc khác xa lời kể chuyện hàng đêm của mẹ, khiến hai đứa con của chị hít hà ngạc nhiên trước người chú thần tượng. Hàng xóm trầm trồ khen ngợi, chị thì rất tự hào được là chị dâu của một bác sĩ.

Em chồng nói sẽ cưới vợ ở thành phố, mua căn hộ chung cư trả góp để đón cha về. Làng xóm khen người cha có phước, bệnh tật mà được có con là bác sĩ chăm sóc thì còn gì bằng. Chị thì phập phồng chờ đợi em chồng bàn chuyện chia thừa kế sau khi đưa cha đi. Mảnh đất bèo bọt đã trở nên có giá nhờ con đường mới mở phóng ngang qua. Bảy năm làm dâu, ngày thì cơm bưng nước rót, lau rửa mọi điều; nửa đêm thức dậy bưng bô… Em chồng hiểu biết chắc sẽ ghi nhận công lao đó, phần chia cho vợ chồng chị nhỉnh hơn. Lần này chị sẽ quyết giữ, không để chồng nướng vào cờ bạc. Sẽ mua một cái rẫy để vợ chồng làm ăn căn cơ, còn lại thì gửi mấy đứa con ra phố trọ học…

Cuộc phân chia khác xa chị tưởng. Em chồng vừa xếp áo quần của cha vào va ly vừa nhỏ nhẹ đề nghị chia bốn - một cho anh, một cho em và hai phần cho cha vì tuổi càng cao thì càng tốn kém thuốc men.

Chị hụt hẫng nhận ra em chồng đã rất khác. Mà, chồng chị thì vẫn như xưa, chỉ biết nổi nóng mỗi khi không vừa lòng chứ không biết lý lẽ. Mà lý lẽ sao được, em nói vậy mà mình phản đối thì hóa ra mình tranh giành phần của cha sao? Chồng chị không nói thành lời được nên đá thúng đụng nia rồi bỏ đi uống rượu.

Chị buồn, rồi lại thấy thương cha chồng. Cái cách ông sai mấy đứa cháu lấy xấp báo cũ dưới gối vứt đi là cay đắng ghê lắm. Bệnh tật khiến ông không những chẳng có quyền lực của một người cha mà còn trở nên nhỏ bé trước con của mình. Đứa con thành đạt mà ông đặt biết bao kỳ vọng hóa ra chỉ là một kẻ tham lam khôn khéo, sự chăm sóc cha là một cái cớ đẹp đẽ.

- Cha coi như chẳng có đứa con trai nào - cha chồng chị nói, trong nước mắt - Nếu con không sợ khổ thì cha ở lại đây, con như là con gái của cha. Chia cho cha mấy phần thì cha cũng cho con hết.

Chị cười mà nước mắt như mưa. Dễ gì chị nhận được phần của cha chồng, nhưng câu nói ghi nhận ân tình đó lại như một cơn gió mát lành. Chị lại thấy đời cũng không đến nỗi...

Chuyện lạ, mai mối cho tình cũ

Chính em đã đưa người con gái ấy đến với anh. Một câu chuyện tưởng chỉ có trong thơ ca, cổ tích. 

“Thằng đó cái gì cũng được, chỉ tội rượu chè bê tha quá, lấy nó về sau này con sẽ khổ”. Khi nghe em thuật lại lời nói của cha, anh rất tự ái.

Lúc đó anh nghĩ, đó chẳng qua chỉ là một sự từ chối khéo chứ cái chuyện rượu chè thì thằng đàn ông nào chẳng mắc phải? Hơn nữa, anh chỉ xỉn có 2 lần khi đến nhà em chứ có nhiều lắm đâu mà bảo bê tha?

Nhớ hồi đó khi anh nói chia tay, em đã khóc rất nhiều. Em bảo rằng anh không thương em, cha nói vậy chớ đâu có cấm cản hai đứa tiếp tục yêu thương, tìm hiểu. Nếu thật lòng với em, anh có thể sửa đổi, thậm chí chỉ cần anh không xỉn khi đến nhà em, còn những lúc khác thì sao cũng được. Thế nhưng, anh không nghe vì lòng anh đã quyết.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Xa em, anh mới thấy cuộc sống của mình thật vô nghĩa. Chẳng còn ai mong ngóng, nhắn tin, gọi điện, chúc anh ngủ ngon... Chẳng còn ai tươi cười xuất hiện đúng lúc anh đang đói khát, mệt lả vì công việc đến nỗi không dứt ra được để kiếm cái gì bỏ bụng. Không có em, cuộc sống với anh như ngừng lại. Và anh lại chìm trong rượu khi biết tin em đã lấy một người khác.

Cho đến ngày có một cô gái khác đột ngột xuất hiện trước anh. Người đó đã mang lại cho anh sinh khí mới, đã vực anh dậy từ vũng lầy bê tha rượu chè, đã thật lòng yêu anh và cảm hóa con người anh. Người ấy đã mang hạnh phúc đến cho anh như em đã từng.

Tưởng như vậy thì cuộc sống cũng đã có hậu lắm rồi. Vậy mà giờ đây, anh tình cờ biết được một điều diệu kỳ khác của tình yêu, tình người. Chính em đã đưa người con gái ấy đến với anh. Một câu chuyện tưởng chỉ có trong thơ ca, cổ tích. Cảm ơn em, người đã “mai mối” cho nhân duyên, hạnh phúc của anh bây giờ. Thế mới biết có những tình yêu vẫn sống mãi ngay cả khi người ta không còn đi chung một con đường. Một lần nữa, cảm ơn em...

Hôn nhân may rủi

Tôi hạnh phúc với hiện tại, với người đàn ông mình đã liều lĩnh chọn, chấp nhận may rủi, vì quá cách biệt tuổi tác.

Sau lần thứ hai chia tài sản, ông chồng lười biếng và mê gái của tôi mới chịu gật đầu bỏ vợ. Tôi gần như trắng tay để đổi lại tự do cho mình.

Bị lừa dối quá nhiều, tôi nghĩ mình chẳng còn đủ can đảm để tin yêu ai được nữa. Hoặc, nếu lại tiếp tục yêu thì liệu người đàn ông đó có đủ bao dung để chấp nhận cảnh một mẹ một con như tôi? Nghĩ thế nên tôi chỉ sống yên phận, không dám mơ tưởng gì đến một bờ vai để nương tựa những lúc khó khăn.

Đời tôi có lẽ đã không thay đổi nếu như cô bé giúp việc không quá tham lam. Thường ngày, cô nàng hay vờ vịt giấu diếm một ít tiền của khách nhưng vì không quá nhiều nên tôi im lặng bỏ qua. Một hôm, cô ta đột ngột biến mất, cùng lúc là một khách quen gắt gỏng điện hỏi, sao đã đưa trước hơn chục triệu mà chưa thấy giao thịt tới? Tôi chới với vì biết mình bị mất tiền, nhưng lại không thể bỏ sạp thịt chạy đi giao hàng để khỏi mất thêm cả khách.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Trong lúc cấp bách, chị sạp cá bên cạnh đã tìm giúp tôi một người đang cần việc. “Anh” xuất hiện trong bộ quần áo cũ xỉn đen, nhưng bù lại, “anh” có nụ cười rất tươi, giọng nói ấm áp và thái độ làm việc rất nhiệt tình. Sau lần “cứu nguy” đó, “anh” vui vẻ gật đầu làm chân giao thịt cho tôi. Mọi chuyện đều ổn, duy chỉ một điều là anh dứt khoát xưng tên, không chịu gọi tôi bằng chị: “Nếu tui không nói tuổi thì Ngân cũng đâu biết tui nhỏ hơn. Nhìn Ngân trẻ măng à, xưng tên cho dễ nói chuyện!”.

Ban đầu, anh làm hết việc rồi về, chủ tớ rạch ròi. Lâu dần thành thân, anh ở lại trễ hơn, ban đầu chỉ là nói những câu chuyện không đầu không cuối kéo dài bất tận, sau là lấy lý do phụ tôi dọn hàng. Rồi không biết từ lúc nào anh trở thành tài xế đưa đón tôi sớm tối. Đã quen với sự có mặt của anh, mỗi khi không có anh bên cạnh, tôi lại thấy trống vắng, nhớ anh. Nhớ tiếng nói trầm ấm của anh. Nhớ ánh mắt nồng nàn mà có lẽ anh chỉ dành riêng cho tôi.

Có thể yêu thêm lần nữa, có thể mở rộng tâm hồn mình để đón nhận một người khác? Tôi nghĩ mà vừa mừng, vừa lo. Thật ra tôi lo nhiều hơn vì những đau đớn, tổn thương của cuộc hôn nhân trước vẫn chưa thôi ám ảnh tôi. Phần nữa, tôi tự dằn vặt vì khoảng cách tuổi tác giữa tôi và anh quá lớn. Mười ba năm cách biệt chắc chắn sẽ có những suy nghĩ rất khác khi cả hai bước vào đời sống vợ chồng.

Bao trăn trở khiến tôi trở nên bực bội, cáu gắt. Vô tình anh trở thành tấm thớt cho tôi “chặt chém”. Tôi liên tục kiếm chuyện, la mắng anh chậm chạp, còn vu oan anh đưa thiếu tiền. Thay vì phản ứng lại, anh chỉ ôn tồn nói tiền thiếu cứ trừ vào lương hằng tháng của anh, ngoài ra anh chẳng tranh cãi gì thêm, chỉ im lặng chịu đựng. Một buổi chiều, tôi có việc về gấp, nhờ anh ở lại trông sạp. Tôi đi hơn ba tiếng mới sực nhớ tiền bạc bỏ hết trong ngăn tủ chưa khóa lại. Cuống cuồng quay về chợ, tôi thấy sạp trống trơn. Một cảm giác gai người chạy dọc xương sống. Vậy là tôi lại bị lừa lần nữa!

Về đến nhà, con gái tôi chạy ra kể: “Chú Chín mới vừa dọn hàng về. Chú đưa cho con cọc tiền, kêu bỏ vô tủ khóa lại thật kỹ, mẹ về thì đưa lại.” Tôi lật đật kêu con gái đưa tiền, ngồi đếm. Không thiếu một xu. Anh còn cẩn thận gói riêng tiền mới vừa bán thịt lúc nãy. Đem chuyện này kể lại với mẹ, tôi khóc òa như một đứa con gái mới lớn. Dù nhiều tuổi đời nhưng trong chuyện này sao tôi thấy mình quá non nớt. Mẹ tôi nghe xong chỉ im lặng, rồi kết luận: “Chồng trước của con ban đầu cứ tưởng đứa tử tế hóa ra lại là thằng tệ bạc. Con người thật khó đánh giá hay nói trước qua vẻ bề ngoài. Con cứ làm theo những gì mình cho là đúng. Người ta nói gì mặc kệ. Mẹ ủng hộ con”.

Sau đó, tôi đã đến nhà gặp anh, xin lỗi về những hành động kỳ quặc gần đây của mình. Anh không trách câu nào, chỉ cười hiền và nắm chặt tay tôi. Năm tháng sau, một đám cưới đủ lễ được tổ chức. Cuộc hôn nhân thứ hai của tôi đến giờ đã được mười năm, chúng tôi đã có thêm cô công chúa. Quan trọng nhất là anh vẫn như thuở ban đầu tôi yêu, không chút thay đổi. Tôi hạnh phúc với hiện tại, với người đàn ông mình đã liều lĩnh chọn, chấp nhận may rủi, vì quá cách biệt tuổi tác.