Đàn ông có lúc thích một mình

Tiếc là không phải người vợ nào cũng hiểu điều đó, cứ tưởng chồng muốn xa lánh mình hoặc không yêu, không quan tâm đến mình nữa.

Khi chúng ta quyết định kết hôn là đồng nghĩa với việc tự nguyện chung sống với ai đó suốt phần đời còn lại của mình. Nhưng, như thế không có nghĩa là lúc nào cũng phải bên nhau.
Nếu cả hai vợ chồng đều hiểu được nhu cầu cần có những giây phút ở một mình, chắc chắn họ sẽ không có cảm giác bị tổn thương khi người kia từ chối tiếp xúc. Một người đàn ông tâm sự: “Có khi về đến nhà sau những cuộc họp tranh luận căng thẳng ở cơ quan, tôi khao khát có được một khoảng thời gian và không gian riêng cho mình. Chỉ một chút thôi cũng đủ làm tiêu tan những căng thẳng trong ngày, sau đó chắc chắn tôi sẽ cư xử dịu dàng hơn với vợ”.
Các nhà tâm lý cho rằng, nhu cầu được có một khoảng thời gian cho riêng mình là nhu cầu có thật của đàn ông nói riêng và con người nói chung; nhất là khi họ trở về nhà sau một ngày vật lộn với bao nhiêu vụ việc đâu phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nếu vừa về đến nhà, đàn ông đã phải làm ngay một việc gì đó hoặc phải nói chuyện ngay, họ sẽ mang cả tâm trạng bực dọc đó vào lời nói của mình, vô tình làm cho quan hệ vợ chồng xấu đi.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Đàn ông có gia đình luôn chuyển động trong khát vọng chung sống với nhau và cả ý thích được tách ra một mình. Trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi một mình đó, người ta thường cảm thấy tinh thần sung mãn, sức mạnh tràn trề, giống như được hồi sinh từ những mệt mỏi để có thể tiếp tục cuộc chiến đấu mới. Nhà tâm lý học người Đức, Spielberg cho rằng: “Kết hôn là chúng ta đã lựa chọn cuộc sống chung với một người khác, nhưng nếu hiến dâng tất cả cho cái chung đó thì vô tình phủ định chính mình. Cho nên, nếu người vợ yêu cầu chồng lúc nào cũng phải cặp kè bên nhau thì chẳng những đã xâm hại đến quyền tự do của họ mà còn ngăn cản sự hoàn thiện cá nhân họ nữa”.
Có hai con đường hoàn thiện bản thân:
Một là, sống chung và chịu ảnh hưởng của người khác.
Hai là, tách ra và tự hoàn thiện chính mình.
Spielberg khuyên: “Trong một số thời khắc nào đó của cuộc đời, bạn nên có những giây phút tĩnh lặng, cắt hết mọi quan hệ với người khác. Ngay trong cuộc sống gia đình hàng ngày, nếu lúc nào vợ chồng cũng cặp kè bên nhau sẽ làm cho hai bên phủ nhận nhu cầu tâm lý của nhau. Tách rời nhau ra, họ có cơ hội thăm dò chính mình, phát hiện giá trị bản thân. Nếu bạn không có thời gian đó, bạn sẽ không bao giờ hiểu được chính bạn”.
Vợ chồng giáo sư tâm lý học Richars White đã thử dùng phương pháp tạo ra những khoảng thời gian ở một mình một cách độc đáo. Vì công việc của giáo sư phần lớn làm ở nhà và liên quan đến những lý luận trừu tượng nên ông có nhu cầu tư duy một mình. Ông quy định khi nào đang suy nghĩ một vấn đề không muốn bị vợ làm gián đoạn, ông sẽ đội lên đầu một chiếc mũ nồi đen. Đó là tín hiệu: “Tôi đang suy nghĩ, lúc này hãy để tôi yên”. Vợ giáo sư cũng phát tín hiệu muốn ở một mình bằng cách quàng cái khăn màu tím. Nhờ cách đó, hai ông bà không bao giờ làm phiền nhau, luôn tôn trọng nhau và đã sống với nhau rất dễ chịu.
Vợ chồng anh Hưng, sống ở khu bờ hồ Tây Hà Nội. Cả hai đều thích tập thể dục vào buổi sáng nhưng anh Hưng thích đạp xe quanh hồ, trong khi chị Quyên - vợ anh, lại thích đi bộ. Lúc đầu chị phản đối việc chồng đạp xe, để chị đi bộ một mình. Sau anh phải nói thật là đạp xe một mình có cái thú của nó. Có lúc anh dừng xe bên ghế đá, ngồi ngắm mặt trời lên. Có lúc thả hồn phiêu du cho xe từ từ lăn bánh. Cuộc thể dục trở thành liệu pháp thư giãn tâm hồn. Chị Quyên cũng tìm được mấy người bạn gái đi cùng, vừa thể dục vừa trò chuyện vui vẻ. Hai người trở về ăn sáng cùng nhau, có bao nhiêu chuyện để nói. Thế mới biết, tách nhau ra một lúc không thiệt hại gì mà còn khiến cho cả hai cùng hài lòng.
Theo các nghiên cứu tâm lý hôn nhân, khi người đàn ông cần khoảng thời gian tách rời vợ, ngay cả sự quan tâm săn sóc chân tình cũng không có tác dụng gì mà trái lại, có thể làm cho nhau khó chịu. Nếu bạn ngại nói: “Xin đừng quấy rầy tôi” vì sợ làm tổn thương người bạn đời thì có thể quy định một tín hiệu phi ngôn ngữ. Người vợ nhạy cảm là người chỉ cần lướt qua ánh mắt chồng đã biết lúc nào anh ta không muốn nói chuyện, lúc nào có nhu cầu chia sẻ, gần gũi. Đến mức ấy mới là vợ chồng thực sự hiểu nhau và rất dễ sống bên nhau. Ở một mình không nhất thiết là phải mỗi người một phòng. Thực ra, vợ chồng cùng trong căn phòng nhưng nếu tôn trọng nhau vẫn có thể không làm phiền nhau. Có những người đàn ông hay bỏ đi ra khỏi nhà, đến một nơi nào đó, chẳng phải họ giận vợ hay muốn đi tìm “của lạ” mà có khi chỉ vì nhu cầu muốn ở một mình một lúc. Nếu chúng ta hiểu đó là nhu cầu cần thiết và chính đáng của mỗi người, chúng ta sẽ không cảm thấy bị xúc phạm khi người kia từ chối thân mật. Sự “xa cách” trong khoảnh khắc như vậy không bao giờ làm tình yêu suy giảm mà giống như những liều thuốc “tăng lực” làm cho tình cảm mặn nồng hơn.
Tôi biết có những anh, vợ đi đâu một ngày là tranh thủ gọi điện rủ bạn đến nhà chơi. Họ thích ngồi uống cà phê, nghe nhạc, xem phim cùng bạn bè hoặc đọc cho nhau nghe bài thơ mới làm, những thứ mà vợ chưa chắc đã thích, nhất là thơ tình thì thế nào chẳng có “em - anh”, vợ nghe thấy lại khó chịu hoặc làm cụt hứng. Tiếc là không phải người vợ nào cũng hiểu điều đó, cứ tưởng chồng muốn xa lánh mình hoặc không yêu, không quan tâm đến mình nữa, nên giận dỗi, nghi ngờ, ghen tuông vô cớ.
Điều trớ trêu là, đôi khi vào thời điểm mà sự thân mật giữa hai người đạt đến đỉnh cao thì trong người đàn ông, tiếng gọi độc lập lại vang lên. Điều này có khi làm chị em bối rối, chẳng hiểu mình đã làm gì khiến người-đàn-ông-của-mình lảng tránh. Họ đâu biết rằng chính anh ta cũng không chủ ý làm vậy. Nếu người vợ hiểu điều đó và chủ động tạo ra khoảng cách cần thiết, đồng thời dành thời gian cho riêng mình để đi mua sắm, đi làm đẹp, trò chuyện với bạn gái mà không cần có chồng đi kèm. Thế là sợi dây tình cảm của chồng được co vào, dãn ra nhịp nhàng. Tự nhiên, họ thấy chồng tươi tỉnh hơn, gắn bó với vợ hơn và nói chung là anh ta trở nên đáng yêu hơn nhiều.

“Tối mai mình hẹn hò em nhé!”

Đã mấy năm rồi mình quên hẹn hò chỉ vì nghĩ đó là chuyện của mấy cô cậu đang cưa cẩm, chưa thuộc về nhau.

“Tối mai mình hẹn hò em nhé!”, anh bất ngờ đề nghị. Em - mắt sáng lên - gật đầu một cách hào hứng. Đã mấy năm rồi mình quên hẹn hò chỉ vì nghĩ đó là chuyện của mấy cô cậu đang cưa cẩm, chưa thuộc về nhau.

Cách đây bảy năm, anh mất 365 ngày chịu khó đi “tán”, cuối cùng đã “cua” được em. Tình phí của những buổi hẹn hò là chè, kem, bánh lọc, bánh cuốn, bánh kẹp… Đời sinh viên thuở ấy, dù chỉ là món ăn bình dân nhưng em biết anh thắt lưng buộc bụng lắm mới đủ nuôi cái dạ dày của em. Có lần anh đùa: “Mai mốt mình giàu, anh sẽ cùng em ăn một bữa bánh lọc đã đời”.

Khi đã thuộc về nhau, mình “lơ” dần những cuộc hẹn hò. Lý do đơn giản là ngày nào cũng gặp nhau, cà phê cà pháo làm gì cho mất công tốn của. Em đã cố tạo một không khí lãng mạn cho buổi tối thứ Bảy bằng một góc quán vắng và ánh nến lung linh. Em cũng cố uốn cong thêm lọn tóc bồng, tô thêm chút son, ngồi đối diện và nhìn anh say đắm. “Mắt em sao trợn tròn đến phát khiếp! Dẫn anh ra đây có chuyện gì không?”. Anh nhìn chằm chằm vào cốc cà phê rồi chép miệng: “Giá mà nó biến thành cốc bia thì hay biết mấy!”. Ngó tới ngó lui chẳng có gì hay ho, thế là anh và em “lui quân”, nghĩ bụng sẽ không bao giờ cùng nhau vào quán cà phê nữa.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nói vậy chứ thỉnh thoảng mình cũng đi cà phê, nhưng là với… đám bạn của anh. Người nào cũng ăn nói suồng sã, bốp chát nên em phần nào bị “lây nhiễm”. Từ đó, không còn những buổi hẹn riêng.

Dần dà, cái cảm giác chờ đợi, hồi hộp, bất ngờ cũng chai sạn trong em và anh. Mình nghĩ, đã là của nhau rồi thì đó là định mệnh, không cần giữ gìn hay nuôi nấng, thêm thắt gia vị cho tình yêu nữa. Anh dành thời gian nhiều hơn cho bạn bè, em dành thời gian nhiều hơn cho chợ búa, bếp núc. Đơn giản là vì “cả đời đã dành cho nhau”. Cưới nhau hơn một năm mà “mùa xuân tình yêu” đã tàn úa bởi luôn đo đếm cơm, áo, gạo, tiền. Trước đây, em hí hửng với cà phê tối thứ Bảy là thế, nhưng giờ thì “hai ly cà phê có thể thay bằng một bữa sáng no nê cho cả gia đình”.

Rồi anh đi công tác hai tuần. Hạnh phúc của anh là đây: không cần báo cáo, không cần “hạch toán” cuối ngày để vợ hiểu mình tiết kiệm. Anh như chim sổ lồng, như cá về sông. Em cảm nhận được niềm vui tự do ấy của anh. Mà hình như em cũng có phần thoải mái. Ở nhà một mình, công việc nội trợ nhẹ hơn hẳn, em có thêm thời gian để chăm chút bản thân. Thế nên, hôm tiễn anh ở sân bay, cả hai đều tỏ ra lưu luyến nhưng miệng thì cười toe toét.

Nghĩ vậy mà không phải vậy. Mới ba ngày đã nhớ anh quay quắt. Cứ nôn nao chờ đợi như thế cho đến ngày thứ chín… Chuông điện thoại reo: “Ra mở cửa cho anh!”. “Nhà có mấy chục mét vuông, không gõ cửa mà bày đặt điện thoại”, em vừa làu bàu vừa sung sướng đến phát điên. Thì ra, “sam chồng” cũng nôn nóng muốn gặp “sam vợ” nên đã giải quyết nhanh công việc để trở về. Xa cách là rào cản nhưng cũng là chất xúc tác để hàn gắn hạnh phúc.

“Tối mai mình hẹn hò em nhé!”, anh nói, em gật. Thế là em lại loay hoay chọn váy, thoa chút phấn má hồng để sắc đẹp tái sinh cùng tình yêu. Tay trong tay, em như sống lại cảm xúc của những ngày đầu hò hẹn.

Chồng chỉ là đứa trẻ mới lớn

Tôi chỉ biết rằng, nếu cứ chịu đựng mãi như thế này, chắc là tôi phát điên lên mất.

Tôi đang trải qua những ngày tháng căng thẳng, khó khăn và vô vọng. Chúng tôi cùng mới 25 tuổi. Chồng tôi là con trai út. Nghe kể, lúc anh 13 tuổi, mẹ vẫn còn đánh răng cho anh. Ngày mới quen nhau, tôi đã biết, trong các con, mẹ thương chồng tôi nhất. Như nhiều bà mẹ quá yêu chiều con trai, dù có cố gắng, mẹ vẫn không thể nào thương nổi đứa con gái ở đẩu ở đâu xuất hiện, “cướp” mất con mình…

Chồng tôi vốn ương ngạnh, chỉ thích làm theo ý mình, từ ngày ra trường đã đổi việc nhiều nơi mà vẫn chưa ưng ý. Mẹ anh rất khó chịu về việc này. Tôi có khuyên anh yên phận kiếm cơm, nhưng anh không mấy thay đổi. Mẹ chồng tôi nặng nhẹ ra vào, cho rằng tôi “nối giáo cho chồng”, anh chỉ nghe lời vợ, mà tôi lại không biết suy nghĩ. “Cứ hối cưới, hối cưới, cố tình có bầu để phải cưới gấp. Đàn bà con gái thời nay vì sao cứ vội vàng sợ ế đến thế không biết…”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Phía chồng tôi không quá nghèo túng, nhưng có thói quen mạnh ai nấy sống, ít quan tâm nhau. Vợ chồng tôi ở chung với mẹ chồng. Chúng tôi không có bao nhiêu tiền để chi dùng. Chút vốn liếng dành dụm được hôm đám cưới đã đổ vô thuốc thang, chữa trị cho đứa con tội nghiệp. Đứa trẻ sinh non, ở trong bụng mẹ mới hơn bảy tháng đã vội chào đời, quặt quẹo khó nuôi, cứ eo éo khóc suốt ngày. Mẹ chồng thở dài, xa gần rằng tôi ky bo trùm sò, có tiền mà chẳng dám tiêu, cả đời sinh nở được mấy lần đâu mà khư khư làm khổ chồng con và cả bản thân như vậy. “Ăn vụng uống lén cái gì mà béo thế!”. Ngay lúc ấy, tôi cũng muốn trả treo, càng muốn tỉ tê kể lại với chồng những bất công khổ sở mà mình đang hàng ngày đối mặt. Nhưng cứ tối về, nhìn đôi mắt sẫm lại vì vất vả muộn phiền của anh, tôi lại không nỡ. Tôi chỉ biết rằng, nếu cứ chịu đựng mãi như thế này, chắc là tôi phát điên lên mất.

Tôi cũng biết là mình đã sai lầm, khi chưa kịp chuẩn bị gì đã phải sinh con, lập cập làm vợ, làm mẹ. Tôi cũng biết, mẹ chồng tôi nói không sai, là tôi làm hỏng tương lai của cả hai đứa. Nhưng cuối cùng, đay nghiến nhau như thế, phỏng có lợi ích gì? Đứa trẻ còi cọc kia, chẳng phải cũng là cháu nội, máu mủ ruột rà đó sao? Tôi mới sinh con hơn tháng, quanh quẩn trong nhà, mỗi ngày hứng chịu bao nhiêu lời khó nghe. Dù vậy, thâm tâm tôi cũng hiểu, tất cả chỉ là khó khăn nhất thời, cuộc sống rồi sẽ thay đổi, sẽ ổn hơn, sẽ tốt hơn. Nhưng tôi có phần thất vọng về gia đình chồng. Sao ngay lúc này, chẳng ai dành cho tôi chút cảm thông, an ủi? Tôi mỏi mệt và chỉ muốn buông xuôi. Làm một người phụ nữ, làm mẹ, hóa ra khổ nhiều đến vậy. Đêm nào tôi cũng khóc vì ân hận, tủi thân. Có khi tôi chán ghét ngay cả đứa con và cơ thể phì nộn của mình.

Mới đây, chồng tôi kiếm được một công việc ở xa, hằng ngày có xe đưa đón, tối mịt anh mới về tới nhà. Lương thì vẫn ít ỏi. Mỗi ngày đối với tôi dài dằng dặc, lặp đi lặp lại: thay tã, pha sữa, thuốc... và những lời khó nghe. Tôi cố tập nín nhịn. Tôi không muốn bị trầm cảm sau sinh. Tôi manh nha ý định bỏ đi. Tôi rắp tâm ly hôn. Tôi hận mình sai lầm ngu muội. Tôi tiếc cho tuổi trẻ của mình, vì yêu đương vớ vẩn, vì sĩ diện và vì bản năng làm mẹ đã vội vàng lập gia đình. Nhưng tôi vẫn cứ băn khoăn: mẹ là người từng trải, đã mấy lần sinh nở, nhân danh tình thương với chồng tôi để chỉ trích này nọ, vì sao cố tình không nhìn thấy sự tuyệt vọng đáng thương của con dâu mình?