Kinh hoàng thịt lợn bệnh, mắc tả lợn châu Phi ra chợ ở Hà Nội mỗi đêm, đây là cách để nhận biết

Đường dây tuồn thịt lợn bệnh vào chợ, nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội vừa bị phát hiện. Người tiêu dùng cần nắm rõ các dấu hiện nhận biết thịt lợn bệnh để đảm bảo an toàn cho cả nhà.

Đường dây buôn bán thịt lợn chết giá ban đầu chỉ 20 nghìn đồng/kg

Mới đây Phòng Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với Đội QLTT số 17, Phòng 3 Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội và Chi cục Chăn nuôi – Thủy sản và Thú y TP Hà Nội phát hiện hoạt động giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh tại thôn Đan Nhiễm, xã Thường Tín; thôn Dư Xá và thôn Đặng Giang, xã Hòa Xá; chợ Phùng Khoang, phường Đại Mỗ.

Qua theo dõi, các lò mổ chỉ hoạt động vào ban đêm, quy trình tổ chức khép kín, cảnh giới chặt chẽ. Đối với việc kinh doanh thịt lợn tại chợ Phùng Khoang, nhóm này không chuyển lợn ra ki ốt chợ bằng đường chính mà qua các đường thôn, lối nhỏ và để lẫn thịt lợn chết với lợn tươi để đánh lừa người tiêu dùng.

Ngày 30/6 và 1/7, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ do Lê Văn Tươi (SN 1994) và Nguyễn Thị Thư (SN 1998) điều hành, đồng thời kiểm tra ki ốt của Dư Đình Hợi (SN 1983), Nguyễn Viết Chiếm (SN 1987), Trương Mạnh Kiên (SN 1979) Nguyễn Đình Thao (SN 1975).

Công an TP Hà Nội phát hiện một đường dây thu mua, giết mổ và phân phối thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi ra thị trường.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện: Tại cơ sở giết mổ của Tươi - Thư có 45 con lợn sống có biểu hiện nhiễm bệnh, 1.050kg thịt lợn nguyên con đã giết mổ, 450kg nội tạng. Tổng số hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ là 4.300kg, trị giá hơn 318 triệu đồng.

Tại ki ốt của Hợi, Chiếm, Kiên, Thao, tổng số hàng hóa vi phạm bị phát hiện, thu giữ là 977kg. Toàn bộ hàng không có giấy tờ kiểm dịch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Tại các lò mổ, các đối tượng khai nhận từ năm 2023 bắt đầu mua gom lợn ốm yếu từ các đầu nậu, trong đó có Đặng Văn Huy – người thu mua lợn bệnh tại huyện Ba Vì (cũ), rồi tổ chức giết mổ tại khuôn viên nhà ở. Trung bình mỗi ngày giết mổ hơn 50 con lợn.

Đáng chú ý, các tiểu thương đến trực tiếp lò mổ của Tươi – Thư để chọn lợn; sau giết mổ, thịt được bán ngay cho các quầy tại các chợ đầu mối như Phía Nam, Minh Khai… Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ vào các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội.

Tại chợ Phùng Khoang, các đối tượng khai nhận mua lợn chết của các đối tượng tại khu vực huyện Ứng Hòa, huyện Mỹ Đức (cũ), TP Hà Nội hoặc tỉnh Hòa Bình (cũ), nay là tỉnh Phú Thọ với giá khoảng 20.000 đồng/kg rồi mang về tập kết tại nhà riêng. Thịt lợn sau đó được mổ phanh  rồi vận chuyển ra khu vực ki ốt tại chợ Phùng Khoang để tiêu thụ.

Tại ki ốt, thịt lợn được mổ thành từng bộ phận riêng rồi trực tiếp bán cho khách hàng, trong đó chủ yếu bán cho những người có ki ốt bán thịt lợn khác tại chợ Phùng Khoang, sau đó lại tiếp tục được bán cho khách hàng cá nhân và các cửa hàng ăn, quán cơm bình dân, cơm văn phòng trên địa bàn Hà Nội.

Kết quả xét nghiệm cho thấy các mẫu thịt và nội tạng dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi (ASF) – một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, sản phẩm từ lợn mắc bệnh không được phép sử dụng làm thực phẩm và buộc phải tiêu hủy theo quy định pháp luật.

Những dấu hiệu thịt lợn bệnh, không an toàn

Để chọn thịt lợn an toàn, người dân cần biết cách nhận biết thịt nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi sẽ có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt. Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh.

Khi mổ ra, lợn tả có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu.

Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả bằng mắt thường. Nếu thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết, tai lợn bị tím, khi chạm tay thấy chảy nhớt, rỉ nước... thì là thịt ôi hoặc thịt lợn mắc bệnh.

Thịt lợn khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường, ngón tay ấn vào không bị lõm, dính, rỉ nước.

Nếu lợn nhiễm dịch tả mà các chủ cơ sở vẫn giết mổ lợn bệnh, sau đó sơ chế, tẩm ướp hóa chất, bán cho người tiêu dùng thì người dân có thể phân biệt qua một số dấu hiệu như thịt bị ướp hóa chất tẩm màu đỏ thường trông đỏ tươi nhưng thịt bị cứng, không có độ đàn hồi. Khi cắt miếng thịt lợn được ướp hoá chất sẽ nhũn, chảy dịch, phía trong màu hơi thâm và có mùi.

Loại thịt đã bị tẩm ướp hoá chất khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.

Để tránh mua phải thịt lợn bệnh, người tiêu dùng nên mua thịt ở những địa chỉ uy tín như siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp thịt sạch. Không nên vì giá rẻ mà chọn mua thịt lợn tại địa điểm bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi nhiều khói bụi, ruồi nhặng, không có biện pháp che chắn.