
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngồi cạnh ông Trump trong cuộc họp nội các ngày 8/7. Ảnh: Reuters.
Trong cuộc họp nội các hôm 8/7, khi được hỏi liệu có chấp thuận việc tạm dừng chuyển giao vũ khí hay không, Tổng thống Donald Trump trả lời lấp lửng: “Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục gửi vũ khí phòng thủ cho Ukraine.” Khi bị truy vấn ai là người ra lệnh tạm dừng, ông đáp: “Tôi không biết, sao anh không nói cho tôi biết?”.
Lần thứ hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dừng cấp vũ khí cho Ukraine
Theo CNN, đây là lần thứ hai trong năm nay ông Hegseth bất ngờ dừng chuyển giao vũ khí cho Ukraine, khiến giới chức an ninh quốc gia Mỹ bất ngờ. Lần đầu xảy ra hồi tháng 2 nhưng sau đó nhanh chóng bị đảo ngược. Tương tự, lần dừng cấp vũ khí mới đây cũng bị hủy bỏ khi ông Trump chỉ đạo tiếp tục chuyển giao.
Đặc phái viên Mỹ tại Ukraine, ông Keith Kellogg và Ngoại trưởng kiêm Cố vấn An ninh quốc gia Marco Rubio cũng không được thông báo trước. Hai người chỉ biết thông tin qua truyền thông, CNN cho biết.
Bất chấp việc ông Hegseth đã hai lần tự ý hành động, phía Nhà Trắng vẫn lên tiếng bảo vệ. Nhà Trắng cho biết việc rà soát của Lầu Năm Góc nhằm đảm bảo tất cả viện trợ phù hợp với lợi ích quốc gia, đồng thời khẳng định ông Trump vẫn tin tưởng hoàn toàn vào Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth.
Hai nguồn tin cho rằng việc ông Hegseth không báo cáo trước có thể do ông thiếu đội ngũ cố vấn hoặc chánh văn phòng, khiến các quyết sách quan trọng thiếu sự phối hợp với các cơ quan liên quan, theo CNN.
Ông Trump yêu cầu tiếp tục cấp vũ khí
Sau khi biết thông tin về việc tạm dừng, ông Trump đã yêu cầu ông Hegseth nối lại ít nhất một phần lô vũ khí – đặc biệt là đạn tên lửa hệ thống phòng không Patriot, vốn đóng vai trò thiết yếu trong nỗ lực phòng không của Ukraine.
Một quan chức chính quyền cấp cao tiết lộ nhiều loại vũ khí đã được chuyển đến Ba Lan và có thể vận chuyển nhanh chóng sang Ukraine. Đây là gói viện trợ được phân bổ từ chính quyền tiền nhiệm Joe Biden và đang trong quá trình chuyển giao thì bị dừng lại.
Đầu tuần này, Lầu Năm Góc chính thức thông báo nối lại chuyển giao vũ khí theo chỉ đạo của Tổng thống, sau khi ông Trump công khai nói rằng Ukraine cần vũ khí phòng thủ để tự vệ.
Hai nguồn tin khác tiết lộ với CNN rằng ông Trump hiện không muốn tạo điều kiện cho Nga đạt được lợi thế bằng cách Mỹ dừng viện trợ. Ông Trump được cho là tỏ ra thất vọng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Ông Putin nói với chúng ta rất nhiều điều thoạt nghe thì hay, nhưng cuối cùng lại chẳng có ý nghĩa gì”, ông Trump nói trong cuộc họp nội các.
Một quan chức châu Âu tham dự hội nghị NATO tại Hà Lan tháng trước xác nhận với CNN rằng sự thất vọng của ông Trump đối với Nga là rõ ràng, đồng thời khẳng định quyết định dừng viện trợ “không xuất phát từ phía ông Trump”.
Đằng sau quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng
Theo CNN, việc tạm dừng vũ khí diễn ra sau khi ông Trump đề nghị ông Hegseth rà soát kho vũ khí của Mỹ hậu xung đột Iran – Israel. Tổng thống muốn đảm bảo quân đội Mỹ tại khu vực Trung Đông có đủ khả năng phòng vệ.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell xác nhận Bộ Quốc phòng đang tiến hành “đánh giá năng lực” nhằm đảm bảo viện trợ phù hợp với các ưu tiên phòng thủ.
3 nguồn tin nhấn mạnh ông Trump không chỉ đạo trực tiếp việc dừng viện trợ cho Ukraine. Đề xuất đó đến từ Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Elbridge Colby, người lâu nay nghi ngờ hiệu quả của viện trợ quân sự quy mô lớn cho Ukraine. “Mỹ không cần chính sách ưu tiên châu Âu trong giai đoạn nguy hiểm này. Trọng tâm phải là Trung Quốc và châu Á”, ông Colby từng nói.
Sau khi đề xuất của ông Colby được Thứ trưởng Quốc phòng Steve Feinberg đồng thuận, ông Hegseth đã ký phê duyệt, cho rằng quyết định này phù hợp với chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Quốc hội chưa được thông báo
Nhà Trắng sau đó đã chỉ đạo Lầu Năm Góc phải giải thích rõ với Quốc hội, vì các nghị sĩ cũng không được thông báo trước. Lầu Năm Góc gần đây biện hộ rằng quyết định này dựa trên nguy cơ thiếu hụt kho vũ khí, nhưng theo hai nguồn tin, chưa có bằng chứng hay báo cáo nào cho thấy kho dự trữ của Mỹ đang thiếu nghiêm trọng.
“Một khi Lầu Năm Góc trình ra bằng chứng xác đáng, Quốc hội sẵn sàng hợp tác”, một nguồn tin nói. “Nhưng đến giờ vẫn chưa có yêu cầu khẩn cấp nào từ phía Bộ Quốc phòng”.