Khu ẩm thực Bình Xuyên rộng 25.000m2 xin tồn tại đến khi hết quy hoạch 'treo'

(Vietnamdaily) - Chủ Khu ẩm thực Bình Xuyên và 1 số hộ dân cho thuê đất đã có đơn gửi cơ quan chức năng xin tồn tại các khu chức năng trong nhà hàng đến khi thực hiện quy hoạch.

Trong đơn, ông Trần Duy Nhã, chủ hộ kinh doanh khu ẩm thực Bình Xuyên cho biết, quán ăn Bình Xuyên được ông thuê của 4 hộ dân trên diện tích 25.000 m2, với hiện trạng xây dựng đã có sẵn từ năm 2003 gồm nhà trọ, vườn kiểng, ao nuôi cá, chuồng vịt, chuồng bò, sân banh. Sau đó, ông cải tạo lại bằng những vật liệu nhẹ như: cây tre, cây đước, lá dừa nước, và kết hợp với cây xanh để trở thành quán ăn sinh thái.

Hiện quán đang giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, phần lớn là những người địa phương có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, vào làm các công việc như: bảo vệ, tạp vụ, chăm sóc cây cảnh, làm bếp... Mỗi năm, quán đóng thuế nộp ngân sách nhà nước đầy đủ, được nhiều giấy khen từ địa phương đến thành phố và Trung ương.

“Khu ẩm thực Bình Xuyên được hình thành và hoạt động trên khu đất quy hoạch treo 28 năm. Trong thời gian dài để đất trống không sử dụng gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Vì vậy, tôi xin các cơ quan chức năng xem xét về lý và tình cho phép nhà hàng được tồn tại đến khi thực hiện dự án. Chung tôi sẽ tự tháo dỡ không yêu cầu bồi thường theo cam kết trong giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh UBND huyện Bình Chánh cấp năm 2010”, ông Nhã kiến nghị.

Khu am thuc Binh Xuyen rong 25.000m2 xin ton tai den khi het quy hoach 'treo'
 Khu ẩm thực Bình Xuyên (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Ảnh Soha.

Ông Võ Văn On, chủ đất trong khu vực khu ẩm thực Bình Xuyên cho biết, gia đình ông có miếng đất diện tích 8.000 m2 gồm đất nông thôn, đất nông nghiệp tại địa chỉ C3/18, ấp 4 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (Khu ẩm thực Bình Xuyên). Năm 1992, Nhà nước thông báo khu đất thuộc quy hoạch do công ty Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đã 28 năm qua, đây vẫn là dự án “treo”, gia đình ông chưa nhận được thông báo thỏa thuận đền bù. Gia đình ông vốn chỉ dựa vào nghề làm nông, nhưng hiện nay xung quanh khu đất bị đô thị hóa với hàng trăm căn nhà mọc lên nên không thể làm vườn, làm lúa được. Do đó, ông đã đem khu đất trên cho ông Nhã thuê kinh doanh để có thu nhập sinh sống, chờ dự án triển khai.

“Đất chúng tôi không như những người khác phân lô bán nền. Gia đình tôi luôn tuân thủ quy định của Nhà nước chờ được đền bù, để làm các dự án có lợi cho xã hội, cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn là quy hoạch treo, dự án chưa được triển khai, đất chưa được đền bù nên kính mong các vị lãnh đạo xem xét và giúp đỡ gia đình chúng tôi cho công trình được tồn tại đến khi thực hiện dự án”, ông On nêu trong đơn.

Khu am thuc Binh Xuyen rong 25.000m2 xin ton tai den khi het quy hoach 'treo'-Hinh-2
 Sai phạm của Khu ẩm thực Bình Xuyên có tính chất phức tạp.

Trước đó, theo Thanh tra TP HCM, vị trí lô đất xây Khu ẩm thực Bình Xuyên vốn là đất nông nghiệp, đất ao, đất rạch. Chủ sở hữu khu ẩm thực này chưa được cơ quan Nhà nước giao đất để đầu tư thương mại.

Song, nhiều hạng mục sai phép ngang nhiên “mọc” lên tại đây gồm: bãi giữ ôtô diện tích trên 2.200 m2, bãi giữ xe máy trên 2.300 m2, khu vực phòng VIP rộng 460 m2, khu dành cho thực khách 3.688 m2, khu bếp hơn 1.300 m2, cùng hơn 1.300 m2 khu nhà kho, khu vui chơi trẻ em và khu vệ sinh.

Thanh tra TP HCM nêu rõ, các công trình xây dựng trái phép kéo dài suốt 17 năm, qua nhiều thời kỳ, tính từ năm 2003.

Kết luận thanh tra chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền huyện Bình Chánh khi để Khu ẩm thực Bình Xuyên tồn tại trên đất nông nghiệp trong thời gian dài, qua nhiều thời kỳ.

Thanh tra nhận định sai phạm của Khu ẩm thực Bình Xuyên là một trong những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng có tính chất phức tạp.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM đã kỷ luật khiển trách với ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh. Ban chấp hành đảng bộ TP cũng phê bình đối với ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên bí thư Huyện ủy Bình Chánh. Ban thường vụ huyện ủy Bình Chánh nhiệm kỳ 2015-2020 bị Ban Thường vụ Thành ủy phê bình.

Đồng thời, các tổ chức đảng thuộc Đảng bộ huyện Bình Chánh đang tiến hành kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với 7 tổ chức Đảng và 55 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng.

'Vạch' nhiều sai phạm về đất đai ở huyện Bình Chánh

(Vietnamdaily) - Thanh tra TP HCM vừa có thông báo kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2020 và phát hiện nhiều sai phạm.

Qua kiểm tra hồ sơ và hiện trạng, thực tế có tình trạng việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất với diện tích lớn trên 1.000 m2 đã được UBND huyện Bình Chánh giải quyết tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật có hiện trạng đất trống chưa có công trình xây dựng trên đất chiếm 80% và có tình trạng 1 hộ đứng tên nhiều diện tích đất xin tách thửa.

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Bình Chánh ghi nhận giao thông, hạ tầng kỹ thuật để làm cơ sở duyệt nội nghiệp và tách thửa cho trường hợp chủ sử dụng thửa đất số 557, tờ bản đồ số 5 xin tách thành 9 thửa đất ở, trên giấy chứng nhận ghi có đường bê tông nhựa.

Lập tổ công tác xử lý các công trình vi phạm nghiêm trọng ở Bình Chánh

(Vietnamdaily) - UBND TPHCM vừa chỉ đạo UBND huyện Bình Chánh phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập Tổ công tác để xử lý, cưỡng chế các công trình vi phạm về đất đai, xây dựng có tính chất phức tạp trên địa bàn huyện này.

UBND TP cũng chỉ đạo xây dựng quy trình phối hợp xử lý công trình vi phạm; xây dựng các tình huống, kịch bản có thể xảy ra trong quá trình cưỡng chế; xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ nay đến cuối năm.

Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước cũng như áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý nhanh đối với công trình vi phạm về đất đai, xây dựng.

Huyện Bình Chánh, TPHCM: Đất chính chủ bị người khác ngang nhiên phân lô bán nền!

Dù khu đất của cha ông để lại và đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận chủ quyền (sổ đỏ), nhưng hết nhóm người này đến nhóm đối tượng khác ngang nhiên kéo đến tự ý phân lô lừa bán nền như chốn "vô chủ”. Để bảo vệ tài sản, chủ đất phải dựng lều, căng băng-rôn và phát loa cảnh báo thì bị các đối tượng này dùng hung khí đòi truy sát.

Chính chủ thành... khổ chủ!