Khi trên dưới đồng thuận tổ chức lễ khai giảng năm học mới

(Kiến Thức) - Báo chí và mạng xã hội ngập tràn những hình ảnh vui tươi, phấn khởi của lễ khai giảng năm học mới "rất mới".

Sáng mồng 5 tháng 9, các trường học bậc phổ thông trong cả nước cùng đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2015-2016.
Điểm qua các báo cũng như mạng xã hội phản ánh sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội này, đều thấy lễ khai giảng năm nay đã được hầu hết các trường thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như của Bộ GD&ĐT.
“Hân hoan, náo nức, xúc động, trang trọng và ý nghĩa…” là những từ xuất hiện nhiều nhất khi các báo đưa tin lễ khai giảng suốt từ Nam chí Bắc.
Nụ cười tươi tắn của một học sinh tham dự lễ khai giảng năm học mới 2015-2016.
 Nụ cười tươi tắn của một học sinh tham dự lễ khai giảng năm học mới 2015-2016.
Sự thay đổi được thể hiện trước hết là ở cách thức tổ chức phần lễ đơn giản, gọn nhẹ. Nhiều trường thời gian khai giảng rút ngắn lại dưới 1 tiếng đồng hồ, thậm chí chỉ 30 phút như trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Học sinh không còn phải đứng hàng giờ đồng hồ, đội nắng, xếp hàng vẫy cờ chờ đợi lãnh đạo.
Đặc biệt, hầu như trong lễ khai giảng, học sinh không còn phải nghe những bài diễn văn theo kiểu báo cáo thành tích của hiệu trưởng hay phát biểu chỉ đạo dài dòng của lãnh đạo ban, ngành…
Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) bắt đầu với lời tuyên bố khai giảng ngắn gọn của Hiệu trưởng thay cho bài diễn văn khuôn thước cũ.
Tại trường Tiểu học Nam Từ Liêm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu ngắn gọn, xúc động chỉ trong hai phút: “Chúc các cháu có lễ hội khai giảng vui vẻ, nhiều cảm xúc, đạt nhiều thành tích. Tôi mong rằng các cháu nhớ lời bác Chủ tịch nước căn dặn trong bức tâm thư mà các cháu vừa được nghe, thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, học giỏi, rèn luyện tốt.
Tôi có lời thăm hỏi sức khỏe và lời chúc mừng tới các bậc phụ huynh và thầy cô tại trường Tiểu học Nam Từ Liêm để chăm lo cho nguồn lực của đất nước.
Hi vọng và tin tưởng trong thời gian rất gần trường Tiểu học Nam Từ Liêm sẽ nằm trong vị trí top đầu của thành phố Hà Nội và cả nước chứ không chỉ ở quận Nam Từ Liêm”.
Lễ khai giảng ở trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) năm nào cũng tạo được ấn tượng đặc biệt bởi bài phát biểu rất ý nghĩa của thầy Văn Như Cương.
Tại trường Tiểu học Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội), các thầy cô còn bày bánh kẹo, cho các em nhảy Gangnam Style.
Trường Quốc tế Liên cấp Việt - Úc (Hà Nội) đón học sinh đầu cấp bằng hình ảnh con tàu, biểu tượng cho sức mạnh của tri thức, sự gắn kết và tình yêu thương.
Còn đây là ý kiến của các em học sinh được đăng tải trên các báo: "Em rất thích buổi lễ khai giảng ngày hôm nay vì chúng em không còn phải ngồi vạ vật hàng giờ dưới trời nắng nóng nữa. Chúng em có nhiều thời gian để vui đùa cùng bạn bè và chụp ảnh kỷ niệm hay nói chuyện với các thầy cô hơn. Đó mới thực sự là cái mà chúng em cần" - một học sinh trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành.
 “Năm nay khai giảng chỉ trong một tiếng, nhưng đọng lại được nhiều cảm xúc. Học sinh không phải ngồi nắng lâu, cô và trò có thêm thời gian trò chuyện, vui đùa”, một học sinh trường Quốc tế Liên cấp Việt - Úc Hà Nội nói.
Trên mạng xã hội cũng ngập tràn những hình ảnh vui tươi phấn khởi của lễ khai giảng năm học mới.
Có thể nói đây là những tín hiệu vui trước khi bước vào năm học 2015-2016 của ngành giáo dục trong cả nước.
Để cho ngày khai giảng những năm tới ý nghĩa hơn, ấn tượng hơn, đề nghị Bộ GD&ĐT không chủ trương học trước chương trình, các trường không tổ chức tập dượt lễ khai giảng.
Khi trên dưới đồng thuận, dám bứt phá vượt lên sức ì của chính mình thì giáo dục nhất định sẽ phải thay đổi vì một tương lai tốt đẹp cho các thế hệ con cháu chúng ta. Niềm tin ấy đặt lên vai các nhà quản lí giáo dục và đội ngũ thầy cô giáo trọng trách lớn để không chỉ có những lễ khai giảng đẹp mà quan trọng hơn là chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Những hình ảnh rơi nước mắt trong lễ diễu binh mừng Quốc khánh

Bên cạnh những giây phút thiêng liêng của lễ diễu binh mừng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9 là những hình ảnh bình dị, đầy xúc động.

Nhung hinh anh roi nuoc mat trong le dieu binh mung Quoc khanh
Hình ảnh đẹp và xúc động về anh Bộ đội Cụ Hồ. Người lính không ở trong đội diễu binh. Anh chỉ đứng trên phố để xem đồng đội. Khi thấy một cháu nhỏ đang chịu nắng, anh đứng đằng sau, âm thầm lấy mũ của mình che cho cháu trong suốt buổi diễu binh trên phố Tràng Tiền. (Ảnh: Phạm Mỹ). 

Oai hùng đoàn quân Việt Nam diễu binh trên phố Hà Nội

(Kiến Thức) - Sau khi tiến qua quảng trường Ba Đình, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ diễu binh trên các tuyến phố thủ đô trong tiếng reo hò, cổ vũ của nhân dân.

Oai hung doan quan Viet Nam dieu binh tren pho Ha Noi
 Tổ rước quân kỳ đi sau xe chở Trung tướng Võ Văn Tuấn dẫn đầu đội hình diễu binh, diễu hành bắt đầu tiến vào các con phố chật kín người xem.
Khối quân nhạc.
 Khối quân nhạc.

Bệnh sĩ - Gốc rễ của những lễ khai giảng năm học mới "hành xác"

(Kiến Thức) - Tại sao một lễ khai giảng năm học mới gọn nhẹ, gây ấn tượng đẹp cho học sinh lại khó thực hiện đến thế? Đó là do bệnh sĩ diện, bệnh hình thức.

Trong những năm gần đây, dường như đã thành lệ, vào đầu năm học mới, dư luận và báo chí lại bàn tán nhiều về chuyện khai giảng năm học. Có đến hàng chục, hàng trăm bài viết đăng trên các báo, trên các trang mạng xã hội bình luận về việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới rình rang, tốn công sức của hàng triệu thầy cô và học sinh trong cả nước. Sự bất bình của dư luận về những buổi lễ khai giảng bắt học trò phải đứng nắng, đội mưa đợi lãnh đạo cấp trên hay nghe những bài diễn văn, bài phát biểu dây cà ra dây muốn đã lên đến đỉnh điểm. 
Thế nhưng, dư luận kêu thì cứ việc kêu, ngành giáo dục vẫn cứ làm theo cách của mình. Phải đợi đến ngày 12/8 vừa rồi, trong một hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2014-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lên tiếng thì dư luận mới hi vọng có sự chuyển biến trong nội bộ ngành giáo dục về việc tổ chức lễ khai giảng. Nói hi vọng vì còn phải đợi đến sáng 5/9 này mới kiểm chứng được sự chuyển biến đó đến mức độ nào.