Khi nào đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành?

(Kiến Thức) - 13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đã được chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam đang tập kết ở khu depot Hà Đông. Dự kiến đến tháng 12/2018, các đoàn tàu sẽ được đưa vào vận hành, khai thác thương mại.

Sáng nay (9/3), trao đổi với PV, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thiện được hơn 95% khối lượng công việc, 80% thiết bị đã được nhập về để lắp đặt, hoàn thiện các nhà ga. Đặc biệt, về nhân sự cũng đã cơ bản hoàn thành việc đào tạo để đảm bảo thực hiện vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Theo Thứ trưởng Đông, hiện 13 đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông đã được chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam đang tập kết ở khu depot Hà Đông (Hà Nội), và đến tháng 12/2018, đoàn tàu sẽ được đưa vào vận hành, khai thác thương mại.
Tàu Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
 Tàu Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội).
Trong khi đó, ông Vũ Hồng Phương - Phó giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, trước đó, dự án bị chậm tiến độ trong một thời gian là do chậm được cấp nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD.  Tuy nhiên, từ tháng 12/2017, các thủ tục đã được tháo gỡ xong, ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung trên.
Hiện Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cũng đang yêu cầu các đơn vị nhà thầu tiếp tục triển khai và thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008, được khởi công vào năm 2011, gồm 13 km đường sắt đi trên cao, 1,7 km ra vào khu depot, 12 nhà ga...
Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD (gồm 169 triệu USD vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250 triệu USD vay ưu đãi bên mua 4%), vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD (tăng 250,62 triệu USD), vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD (tăng 64,56 triệu USD).
Dự kiến dự án này hoàn thành năm 2016 nhưng lại bị chậm tiến độ vì nhiều lý do trong đó về nguồn vốn giải ngân, chỉ chạy thử nghiệm vào cuối năm 2017 và khai trương vào quý 2/2018.

HS Đoàn Thị Điểm Ecopark nghi ngộ độc: Cục ATTP quyết điều tra nguyên nhân

(Kiến Thức) - Cục An toàn thực phẩm yêu cầu điều tra, xác định rõ nguyên nhân học sinh Đoàn Thị Điểm Ecopark nghi ngộ độc thực phẩm. Trong khi đó, hiệu trưởng trường này lại "vội vã" cho rằng nguyên nhân có thể là do... dịch bệnh.

Liên quan đến sự việc học sinh Đoàn Thị Điểm Ecopark nghi ngộ độc thực phẩm, trên website của Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân và Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai cấp cứu và điều trị tích cực, đảm bảo hồi phục sức khỏe cho các học sinh.
Cục An toàn thực phẩm yêu cầu, tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm của bếp ăn trường học, chú ý xác định và xử lý triệt để nguồn lây nhiễm để ngăn ngừa lây lan. Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và công khai kết quả điều tra để cảnh báo cho cộng đồng.

Dân Hà Nội kêu trời khỉ hoang “đại náo” từ mùng 3 Tết tới nay

(Kiến Thức) - Con khỉ hoang có trọng lượng khoảng 5kg, liên tục “đại náo” khu dân cư phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) suốt từ mùng 3 Tết tới nay khiến nhiều gia đình sống trong cảnh thấp thỏm lo âu.

Trao đổi với PV Kiến Thức, một lãnh đạo Công an phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) xác nhận thông tin, trên địa bàn phường này hiện đang xuất hiện một con khỉ hoang nặng khoảng 5 kg thường xuyên quậy phá nhà người dân.
Theo lãnh đạo Công an phường Phúc Tân: Con khỉ xuất hiện trên địa bàn phường Phúc Tân từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.