
Các thành phần của hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất. Ảnh: Army Recognition.
Theo trang tin quân sự Army Recognition, cuộc thử nghiệm được cho là có sự tham gia của một tổ hợp S-400 hoàn chỉnh, bao gồm radar trinh sát 91N6E Big Bird, radar điều khiển hỏa lực 92N6E Grave Stone, trung tâm chỉ huy – điều khiển, cùng nhiều xe phóng 5P85TE2. Tổ hợp này được cho là trang bị tên lửa phòng không tầm xa 48N6E3 và có thể cả 40N6 – loại đạn có khả năng đánh chặn nhiều mối đe dọa từ trên không ở tầm xa và độ cao lớn.
Một số nguồn tin tại Isfahan cho biết, họ nhận thấy hoạt động radar và xe quân sự gia tăng trong những tuần gần đây. Iran dường như đã tổ chức một cuộc diễn tập quân sự quy mô. Dù chưa có tuyên bố chính thức hay hình ảnh xác nhận từ giới chức Iran, các chuyên gia khu vực đều đánh giá đây là lần đầu Tehran triển khai tổ hợp S-400 trong điều kiện thực tế.
Không rõ Iran có thể đã sở hữu tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất vào thời điểm nào. Trong vài năm gần đây, Nga đã bàn giao hệ thống S-400 cho Belarus và Ấn Độ, nhưng đơn hàng cung cấp theo hợp đồng với New Delhi đến nay vẫn chưa hoàn tất do sức ép từ phương Tây và cuộc xung đột ở Ukraine.
Iran bắt đầu quan tâm tới hệ thống S-400 của Nga kể từ sau xung đột kéo dài 12 ngày với Israel vào tháng trước. Các hệ thống phòng không nội địa của Iran như Bavar-373 và Khordad 15 bộc lộ hạn chế trong việc ngăn chặn các chiến đấu cơ tối tân như F-15 và F-35 của Israel.
Hệ thống phòng không S-400 do tập đoàn Almaz-Antey của Nga phát triển, được xem là một trong những hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất hiện nay. Tổ hợp có thể phát hiện và tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau như máy bay, tên lửa hành trình, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo ở tầm xa lên tới 400 km và độ cao tối đa 30 km. Với radar mảng pha đa chức năng, S-400 có thể theo dõi cùng lúc 80 mục tiêu và khai hỏa vào 36 trong số đó. Các loại đạn tên lửa phòng không như 48N6E3 và 40N6 cho phép tổ hợp tạo nên mạng phòng thủ nhiều lớp, có độ chính xác cao và khả năng chống gây nhiễu mạnh.
Việc Iran triển khai S-400, nếu được xác nhận, sẽ đánh dấu sự thay đổi lớn trong học thuyết phòng không của nước này. Iran sẽ gia nhập nhóm ít quốc gia trên thế giới sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến nhất do Nga xuất khẩu. Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá Iran vẫn rất dễ bị tổn thương do nước này thiếu các chiến đấu cơ hiện đại và máy bay cảnh báo sớm trên không để phối hợp chiến đấu cùng các tổ hợp phòng không dưới mặt đất.