Doanh thu và lợi nhuận của chủ hãng bia Sài Gòn giảm mạnh

Mạnh tay chi tiền cho các hoạt động khuyến mại, quảng cáo, tuy nhiên cả doanh thu và lợi nhuận của chủ hãng bia Sài Gòn trong nửa đầu năm 2025 vẫn ghi nhận giảm mạnh.

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (SAB) đã công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm với doanh thu và lợi nhuận giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Theo đó, trong quý 2, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.804 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong kỳ, giá vốn bán hàng của SAB giảm mạnh 23% so với cùng kỳ về mức 4.357 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ của ông lớn này đi ngang so với cùng kỳ đạt 2.448 tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận của SAB giảm mạnh trong nửa đầu năm 2025 - Ảnh SAB

Doanh thu hoạt động tài chính của SAB giảm nhẹ từ 266 tỷ đồng còn 255 tỷ đồng, tương đương mức giảm 4%. Chi phí tài chính tăng mạnh từ 8,2 tỷ đồng lên hơn 15 tỷ đồng, tương đương mức tăng 84%.

Cùng với đó, chi phí bán hàng tăng 2%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 36%, dù phần lãi trong công ty liên kết được cải thiện tăng 21% lên hơn 33,7 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận thuần của SAB giảm 5% về mức 1.566 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí khác, SAB báo lãi trước thuế 1.562 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.251 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của chủ thương hiệu Bia Sài Gòn đạt 12.615 tỷ đồng, giảm 17%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.050 tỷ đồng, giảm gần 13%.

Tính riêng nửa đầu năm, Sabeco đã chi hơn 900 tỷ đồng phục vụ cho các chiến dịch khuyến mại và quảng cáo, tuy nhiên mức chi này vẫn giảm 13% so với cùng kỳ.

Giải trình về kết quả kinh doanh thụt lùi trong nửa đầu năm, SAB cho biết doanh thu thuần thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do sự sụt giảm sản lượng vì thời điểm Tết khác nhau (tháng 1/2025 so với tháng 2/2024), cạnh tranh gay gắt trên thị trường và tác động kế toán của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tập đoàn Bia Bình Tây kể từ ngày 3/1/2025 khi được hợp nhất như một công ty con, thay vì là công ty liên kết như trong năm 2024.

Trong nửa đầu năm, SAB đã chi hơn 900 tỷ đồng cho hoạt động khuyến mại, quảng cáo để giành thị phần - Ảnh SAB

Kết quả kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng từ việc thu nhập lãi tiền gửi giảm và chi phí tài chính tăng phát sinh từ thương vụ mua lại Tập đoàn Bia Bình Tây, cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp cao hơn, mặc dù được bù đắp một phần bởi lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết cao hơn và chi phí bán hàng giảm.

Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu 44.819 tỷ đồng doanh thu và 4.835 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với kế hoạch, công ty hoàn thành lần lượt 40% và 42% chỉ tiêu cả năm.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của SAB giảm nhẹ so với đầu năm xuống 33.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, chiếm 65% tổng tài sản là “kho tiền” khủng hơn 22.000 tỷ đồng trong đó có gần 15.683 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và gần 6.503 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.

Trong đó, chỉ riêng các khoản tiền gửi ngân hàng đã mang về cho công ty hơn 490 tỷ đồng lãi tiền gửi trong nửa năm.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả ghi nhận ở mức hơn 10.300 tỷ đồng, tăng 15%. Phần lớn nợ là các khoản thuế phải nộp Nhà nước, cổ tức phải trả. Trong khi đó, nợ vay của doanh nghiệp này chỉ hơn 350 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn gần 183 tỷ đồng và vay dài hạn gần 169 tỷ đồng.