Hơn 66.000 tỷ đồng khép kín 3 tuyến vành đai Hà Nội

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép được áp dụng cơ chế đặc thù để lựa chọn nhà đầu tư khép kín các tuyến đường vành đai 2,5; 3,5 và 4 với tổng mức đầu tư hơn 66.000 tỷ đồng.

Một số dự án giao thông cấp thiết được UBND TP Hà Nội xin cơ chế đặc thù như đầu tư cầu, đường trên tuyến vành đai 4 (Cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà); cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh; cầu Giang Biên và đường nối 2 đầu cầu (nối cầu Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp)...
Hon 66.000 ty dong khep kin 3 tuyen vanh dai Ha Noi
Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù để đẩy nhanh khép kín các tuyến vành đai
Cần cơ chế đặc thù
Dự án vành đai 2,5 gồm các đoạn từ cuối phố Trung Kính - đường Trần Duy Hưng với chiều dài 0,57km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.152 tỷ đồng. Đoạn Ngụy Như Kom Tum - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng có chiều dài 2,53km, tổng vốn đầu tư khoảng 2.601 tỷ đồng. Đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ dài 0,72km có tổng vốn đầu tư lên tới 928 tỷ đồng. Các dự án giao thông đường vành đai 2,5 được thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công - tư), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2019.
Theo UBND TP Hà Nội, các dự án trên nếu được đầu tư sẽ hoàn thiện, khép kín đường vành đai 2,5, đảm bảo kết nối đồng bộ các tuyến đường giữa các khu đô thị lớn đã và đang xây dựng hai bên đường, góp phần giảm ùn tắc cục bộ và phát triển kinh tế xã hội khu vực, kết nối các tuyến đường hướng tâm, phân bổ lưu lượng và giảm tải áp lực giao thông cho vành đai 2 và vành đai 3.
Với dự án đường vành đai 3,5, Hà Nội đề xuất xây dựng cầu Thượng Cát (bao gồm đường hai đầu cầu) với chiều dài 4,5km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT/BOT, hoàn thành vào năm 2021; Dự án xây dựng đoạn từ cầu Thượng Cát - QL5 kéo dài với quy mô đầu tư 4km cần số tiền khoảng 1.600 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2020; Dự án xây dựng đoạn từ cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32 dài 3km, tổng vốn đầu tư khoảng 1.594 tỷ đồng, đưa vào khai thác năm 2020; Dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long bao gồm cầu vượt và đảo xoay (3 tầng) cần tới 2.555 tỷ đồng đầu tư và hoàn thành năm 2020; Dự án xây dựng đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 10,8km có tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kết nối với các tuyến đã và đang được đầu tư xây dựng, hỗ trợ và phát huy hiệu quả đầu tư như đường 5 kéo dài, tuyến Nhật Tân - Nội Bài, vành đai 3 Mai Dịch - Nội Bài - cầu Thượng Cát... Hệ thống giao thông mới sẽ hỗ trợ và giảm tải cho cầu Thăng Long; tạo hạ tầng cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực Bắc Thăng Long - Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm
Đối với đường vành đai 4, Hà Nội tính toán đầu tư xây dựng dự án cầu Mễ Sở và đường dẫn 2 đầu cầu dài 4km, tổng vốn đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2020; Dự án xây dựng cầu Hồng Hà và đường dẫn 2 đầu cầu dài 6km, vốn đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng; Dự án giao thông từ cao tốc Hà Nội - Lào Cai (km3+650) đến QL32 (km9+500), từ QL 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có quy mô đầu tư 34km, 4 nút giao khác mức liên thông cần khoảng 19.690 tỷ đồng.
Theo UBND TP Hà Nội, dự án nếu được đầu tư sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa áp lực cho đường vành đai 3 và kết nối tới QL 32, cùng với các đoạn thuộc đường vành đai 4 phía Tây Nam đang xúc tiến đầu tư để kết nối tới QL 6, đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (QL 1A), kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL 5... tạo động lực để từng bước hình thành đường vành đai 4 theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội và vùng phụ cận. Được biết, với các dự án thuộc đường vành đai 4, Hà Nội cũng đưa ra lộ trình thực hiện, đưa vào khai thác năm 2020.
Đề cập đến khả năng hút vốn vào các dự án giao thông trên, TP Hà Nội dự kiến thu xếp nguồn vốn bằng cách khai thác quỹ đất tại một số khu vực đã có chủ trương thực hiện đấu giá trên địa bàn các quận Cầu Giấy; Tây Hồ, huyện Đông Anh, Gia Lâm… hay các địa bàn lân cận nơi có dự án đi qua. Ngoài ra, đã có nhiều nhà đầu tư trong nước đủ năng lực quan tâm và đề xuất cho phép triển khai thực hiện các dự án nêu trên theo hình thức PPP, BT hoặc BOT. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đủ quỹ đất thanh toán cho các dự án đầu tư theo hình thức BT.

7 năm mới xử xong vụ tai nạn 4 người chết

Hai bị cáo bị tòa sơ thẩm phạt đến năm năm tù nhưng cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo nên đã bị VKSND Tối cao tại TP.HCM “tuýt còi”.

Ngày 14/8, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ vụ Trần Hoàng Thám và đồng phạm về tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Trong bảy năm qua vụ án đã trải qua nhiều phiên xử, đến nay mới được giải quyết xong.

Máy dỏm làm chết bốn người

Theo hồ sơ, năm 2010, Nguyễn Trọng Hiếu là kỹ sư xây dựng được công ty giao giám sát thi công một khách sạn thuộc quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Bị cáo Thám ký hợp đồng nhận thi công khoán khách sạn này.

Tháng 3/2011, để thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư lên các tầng lầu, bị cáo Thám thuê chủ cơ sở cửa sắt làm một máy vận chuyển. Nhưng làm xong, Thám và Hiếu không kiểm định chất lượng máy mà thử tải bằng phương pháp để vật tư tải trọng là 500 kg lên máy thử và sau đó sử dụng luôn. Trong quá trình bảo trì máy, chủ cơ sở cửa sắt phát hiện dây cáp bị gỉ sét, có khả năng bị đứt, đề nghị thay mới. Trước thông tin này bị cáo Nguyễn Thanh Vàng (đội trưởng xây dựng) có báo lại cho Thám nhưng bị cáo không thực hiện.

Ngày 3/10/2011, người được bị cáo Vàng giao điều khiển máy nghỉ việc nên bị cáo này phân công anh Huỳnh Văn Tâm là thợ phụ hồ đến điều khiển thay, đưa vật tư lên các tầng lầu cho công nhân thi công.

Chiều cùng ngày, khi anh Tâm đưa 232 viên gạch ống vào máy vận thăng để chuyển lên thì các ông Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Văn Mít, Nguyễn Hoàng Thái, Huỳnh Văn Sáu và Trần Minh Hoàng tự ý đến ngồi vào máy, rồi kêu Tâm đưa lên tầng lầu làm việc.

Tâm bật công tắc điện điều khiển máy đến tầng ba, cách mặt đất khoảng 17 m thì dây cáp bị đứt, năm công nhân cùng gạch rơi xuống đất. Hậu quả là bốn người thiệt mạng và một người bị thương.

Quá trình điều tra, ba bị cáo Thám, Vàng, Hiếu đã khắc phục hậu quả cho gia đình các nạn nhân hơn 400 triệu đồng.

Bị cáo Thám (trái) và Hiếu tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: CT
 Bị cáo Thám (trái) và Hiếu tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: CT

Xử án treo sai luật

Xử sơ thẩm vào tháng 9/2014, TAND TP Cần Thơ xử phạt hai bị cáo Thám, Hiếu mỗi người năm năm tù, hai bị cáo Vàng và Tâm mỗi bị cáo ba năm tù treo cùng về tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó hai bị cáo Thám, Hiếu kháng cáo kêu oan cho rằng mình không phạm tội.

TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) xử phúc thẩm vào tháng 4/2015, tuyên sửa án phạt hai bị cáo Thám và Hiếu mỗi bị cáo ba năm tù treo. Sau đó VKSND Tối cao tại TP.HCM (nay là VKSND Cấp cao tại TP.HCM) kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy án theo hướng không cho hai bị cáo này hưởng án treo. Tháng 9-2016, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên về phần hình phạt đối với hai bị cáo Thám, Hiếu, giao hồ sơ vụ án cho TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm lại.

Tại phiên tòa ngày 14/8, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng với vai trò là đại diện đơn vị thi công, bị cáo Thám tự cho thợ làm máy nâng vật tư xây dựng nhưng không qua kiểm định. Vì thế bị cáo đã vi phạm quy định Thông tư 04/2008 của Bộ LĐ-TB&XH về danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Bị cáo cũng vi phạm Điều 4 và Điều 6 Thông tư 22/2010 của Bộ Xây dựng quy định về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

Hiếu là giám sát thi công, khi nghi ngờ thiết bị không hợp lệ thì đáng lẽ phải báo chủ đầu tư nhưng bị cáo đã không làm, không nhắc nhở người lao động về nội quy sử dụng phương tiện. Hành vi của bị cáo đã vi phạm Điều 4 và Điều 7 Thông tư 22/2010 của Bộ Xây dựng nêu trên.

HĐXX cho rằng bản án sơ thẩm đã tuyên mức đối với hai bị cáo là có căn cứ vì hành vi của các bị cáo đã phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cấp sơ thẩm phạt hai bị cáo Thám, Hiếu mỗi người năm năm tù là đã mang tính khoan hồng (dưới khung hình phạt bị cáo trạng truy tố là từ tám đến 20 năm tù).

Cuối cùng tòa đã bác kháng cáo của bị cáo Thám, tuyên y án năm năm tù, bị cáo Hiếu được giảm một năm xuống còn bốn năm tù, cùng về tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.


Hà Nội thông xe “đường cong mềm mại” trước Tết Nguyên đán

Đường vành đai 2 Hà Nội, đoạn từ phố Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Vọng được ví “đường cong mềm mại” sẽ được thông xe trước Tết Nguyên đán 2016.

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ thực hiện các dự án Đường vành đai I, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái; Đường Vành đai II (đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng).