(Kiến Thức) - Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhu cầu sử dụng điện vào lúc giao mùa các năm thường cao, kết hợp ảnh hưởng của COVID-19 vừa qua nên hóa đơn tiền điện tháng 3 có xu hướng tăng.
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đưa ra một số giải thích về việc tiền điện của khách hàng tăng trong kỳ hóa đơn tháng 3/2020.
EVN cho biết, theo quy luật thời tiết, tháng 3 hằng năm, khu vực phía Nam bắt đầu chuyển sang nắng nóng. Riêng tháng 3/2020, có một số đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài, với mức nhiệt độ trên 35 độ C. Việc sử dụng các thiết bị làm mát tiêu thụ nhiều điện năng, nhất là máy lạnh là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới lượng điện tiêu thụ tăng. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng khiến các thiết bị làm mát tiêu tốn nhiều điện hơn, do chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng.
Ngành Điện vừa duy trì tốt công tác vận hành hệ thống điện và cung cấp dịch vụ điện, vừa tuân thủ các Chỉ thị về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: EVN.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, nhất là trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng.
Mời độc giả xem video: Hóa đơn tiền điện tăng. Nguồn: Youtube.
Tập đoàn Điện lực dẫn chứng, sản lượng điện sinh hoạt toàn quốc tháng 3/2020 tăng tới 8,55% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó TP.Hà Nội tăng 17% và TP HCM tăng 13%.
Để kịp thời giải đáp thỏa đáng mọi thắc mắc, khiếu nại của khách hàng, các tổng công ty Điện lực đã tăng cường lực lượng điện thoại viên tại Trung tâm Chăm sóc khách hàng, đặc biệt trong cao điểm mùa khô/nắng nóng.
Trong vòng 24h kể từ khi tiếp nhận ý kiến của khách hàng về hóa đơn tiền điện, nhân viên điện lực sẽ phối hợp cùng khách hàng đối soát chỉ số đồng hồ, lượng điện tiêu thụ trong kỳ, hóa đơn tiền điện. Đặc biệt, với những hóa đơn có mức tăng trên 30%, các tổng công ty Điện lực sẽ tiến hành phúc tra 100% chỉ số công tơ trước khi phát hành tới khách hàng. Việc phúc tra sẽ do bộ phận độc lập thực hiện.
EVN cũng cho biết, các tổng công ty Điện lực cam kết bố trí đủ nhân lực và phương tiện để kiểm tra, phúc tra, đối soát và có giải đáp thỏa đáng cho khách hàng, kể cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội hiện nay.
Trước đó, người dân bắt đầu nhận được hóa đơn tiền điện tháng 3 với số tiền tăng vọt. Một số hộ dân cho biết chi phí tiền điện tăng tới 30-40% so với thông thường.
Trong khi đó, đề xuất giảm tiền điện trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được quyết định.
Tại Nghị quyết Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2020 (ban hành ngày 9/4/2020), Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng theo đề xuất của Bộ Công Thương tại văn bản số 22/BC-BCT ngày 01/4/2020.
Tuy nhiên, theo EVN, đến nay, chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền về việc giảm giá điện, thời gian áp dụng. Vì vậy, ngành điện phải thực hiện việc phát hành hóa đơn tiền điện theo đúng các quy định hiện hành.
Dù vậy, EVN cam kết huy động đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai ngay khi có quyết định và hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan chức năng, nhằm kịp thời giảm thiểu phần nào khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đề xuất giảm giá điện: Người dân được hưởng mức tính tiền/KWh thế nào?
(Kiến Thức) - Theo đề xuất của Bộ Công Thương, các khách hàng sinh hoạt dưới 300 kWh/tháng sẽ được hỗ trợ trên 10% tiền điện hàng tháng. Vậy theo đề xuất trên, người dân được hưởng mức tính tiền/KWh thế nào?
Mới đây, Bộ Công Thương vừa có văn bản trình Chính phủ đề xuất giảm giá bán điện với mức 10% trong 3 tháng nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đề xuất của Bộ này, tổng số tiền điện hỗ trợ cho các khách hàng sử dụng điện khoảng gần 11.000 tỷ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh khoảng 6.104 tỷ đồng; các cơ sở lưu trú du lịch là 1.840 tỷ đồng; các hộ sinh hoạt được hỗ trợ khoảng 2.930 tỷ; các cơ sở phục vụ chống dịch COVID-19 khoảng 100 tỷ đồng.
EVN thua lỗ bao nhiêu để phải điều chỉnh giá điện 2019?
(Kiến Thức) - Theo Bộ Công Thương, tổng doanh thu bán điện năm 2017 từ điện của EVN là 289.954 tỷ trong đó chi phí sản xuất là 291.278 tỷ đồng. Nếu cộng tất cả nguồn thu và chi của năm 2017 thì EVN thua lỗ 2.219 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2019, việc xây dựng kịch bản giá điện sẽ thực hiện theo Quyết định 24/QĐ-TTg và kế hoạch cung cấp điện năm 2019 do Bộ Công Thương ban hành.
Giá điện tăng bất thường: Còn độc quyền, thiếu minh bạch
Những ngày qua, dư luận không ngừng xôn xao chuyện giá điện chỉ tăng 8,36% từ 20/3 nhưng hóa đơn tiền điện lại tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.
Giá điện tăng “khủng” khiến nhiều người dân không khỏi bức xúc trước cách tính giá bất hợp lý của một đơn vị đang giữ thế độc quyền về điện.
Bất cập biểu giá bậc thang
Lý do dẫn đến sự chênh lệch kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4 so với kỳ hóa đơn tháng 3 là số ngày sử dụng điện của hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn số ngày sử dụng điện của hóa đơn tháng 3 (28 ngày) cộng với việc vào tháng Hè lượng điện tiêu thụ thường tăng cao hơn.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thông tin: “Sản lượng điện tiêu thụ những ngày đầu tháng 4/2019 tăng 11 triệu kWh/ngày so với cuối tháng 3”. Về tiền điện tại Hà Nội có trên 46% khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có mức điện năng sử dụng tháng 4/2019 tăng trên 1,5 lần so với tháng 3/2019 (tỷ lệ này tại TP Hồ Chí Minh là trên 37%).