Hành trình để được… chết của nhà khoa học 104 tuổi

Ngày 10/5, ông David Goodall, nhà khoa học Australia, 104 tuổi, người nhiều năm kêu gọi hợp pháp hóa quyền được chết của con người, đã toại nguyện được… chết tại một bệnh viện ở Thụy Sỹ - nơi hiếm hoi trên thế giới cho phép con người được quyền… chết.

Nhóm ủng hộ cái chết không đau đớn Exit International cho biết, ngày 10/5, David Goodall - một nhà thực vật học, sinh thái học nổi tiếng thế giới - đã chết tại Bệnh viện Life Circle ở Basel, Thụy Sỹ, sau khi uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sỹ. Ông nhẹ nhàng ra đi khi nghe bản nhạc Ode to Joy của Beethoven.
Ông David Goodall tại phòng khách sạn ở Basel, hai ngày trước khi chết.
Ông David Goodall tại phòng khách sạn ở Basel, hai ngày trước khi chết. 
Đầu tháng này, David Goodall đã nhận được hơn 20.000 đô-la Australia từ thiện của công chúng để hỗ trợ ông trang trải cho hành trình từ Perth (Australia) sang châu Âu để được chết một cách hợp pháp.
Ngày 8/5, tức 2 ngày trước khi chết, ông David Goodall cho phóng viên hãng truyền thông CNN biết, cuộc sống của ông đã trở nên vô vị từ 5 - 10 năm trước, một phần vì ông mất khả năng di chuyển và mắt kém.
“Cuộc sống của tôi đã bị đẩy ra khỏi môi trường mà tôi từng làm việc. Tôi khao khát có thể đi bộ ra vườn cây và nhìn xung quanh”, ông David Goodall nói.
Goodall nói với phóng viên CNN rằng, ông muốn chết từ khi ông bị tước bằng lái xe năm 1998 và việc bị mất sự độc lập ở tuổi 84 là thời khắc lớn trong đời ông.
“Ở tuổi này, tôi dậy vào buổi sáng. Tôi ăn sáng. Rồi ngồi cho đến bữa trưa. Sau đó, tôi ăn trưa một chút và rồi lại ngồi. Vậy thì có tích sự gì?”, ông David Goodall giãi bày.
Việc tìm đến cái chết không đau đớn hiện tại là bất hợp pháp tại Australia. Bang Victoria có kế hoạch cho phép việc này từ giữa năm 2019, nhưng bang quê nhà của ông David Goodall lại còn tranh cãi liệu có cho thực hiện hay không.
Không thể chờ đợi lâu hơn, ông David Goodall đã quyết định chết theo cách của mình. Ông hy vọng, câu chuyện về hành trình để được… chết của ông sẽ đẩy nhanh việc hợp pháp hóa “cái chết không đau đớn”.
“Cái tôi muốn là các nước khác làm theo Thụy Sỹ”, ông David Goodall nói.
Thực tế, một số bang của Mỹ và các nước Nhật Bản, Bỉ, Thụy Sỹ đã cho phép việc tự sát với sự trợ giúp của bác sỹ.
Ông David Goodall sinh năm 1914 tại Luân Đôn (Anh), chỉ vài tháng trước khi xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Ông và gia đình chuyển sang Australia sinh sống từ khi ông còn nhỏ.
Ông là nhà thực vật học và sinh thái học nổi tiếng thế giới. Sau khi nghỉ hưu năm 1979, ông đã biên tập 30 tập của bộ sách “Các hệ sinh thái của thế giới” (Ecosystems of the World) – được viết bởi hơn 500 tác giả.

Số phận những nhà khoa học phát xít sống sót sau chiến tranh

Vỏ ngoài, Tiến sĩ Kurt Blome là Giám đốc nghiên cứu ung thư của Hitler, nhưng trên thực tế, nhân vật này chính là người phải chịu trách nhiệm về việc phát triển khả năng chiến tranh sinh học của phát xít Đức.

Tiến sĩ Kurt Blome

Chiến tranh Israel - Iran sẽ bùng phát tại Syria?

Với căng thẳng leo thang ở Syria như hiện tại nhiều nhà phân tích cho rằng, một cuộc chiến giữa Israel - Iran sẽ là điều không thể tranh khỏi khi giới hạn chịu đựng của các bên đã tới giới hạn.

Quân đội Israel hôm 10/5 cáo buộc Iran bắn rốc-két vào các vị trí đóng quân của nước này ở cao nguyên Golan, buộc Tel-Aviv không kích trả đũa. Cụ thể, theo báo Jerusalem Post, lực lượng Iran tại Syria đã bắn 20 rốc-két vào Israel nhưng 4 quả bị bắn hạ trong khi 16 quả rơi xuống lãnh thổ Syria.
Khoe chiến tích
Đây là lần đầu tiên Israel trực tiếp cáo buộc Iran tấn công mình từ lãnh thổ Syria kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011, theo đài al Jazeera.
Sau đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã đáp trả bằng cách không kích xuống khoảng 50 mục tiêu quân sự của Iran ở khắp Syria, trong đó có các cơ sở huấn luyện, thu thập thông tin tình báo và hậu cần, vị trí bắn rốc-két, kho chứa vũ khí… Phát ngôn viên quân đội Israel, trung tá Jonathan Conricus, cho biết đây là một trong những cuộc không kích lớn nhất của Israel trong mấy năm qua và Tehran cần nhiều thời gian để khôi phục khả năng quân sự ở Syria.
Tên lửa Israel bắn vào Syria rạng sáng 10/5. Ảnh: AP
Tên lửa Israel bắn vào Syria rạng sáng 10/5. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman cũng khoe các cuộc không kích đánh trúng hầu hết các cơ sở hạ tầng của Iran ở Syria. Ông nói thêm vụ tấn công trên không gây bất kỳ thiệt hại gì cho Israel. Theo bộ trưởng này, Iran đã tiêu phí 13 tỉ USD trong cuộc nội chiến Syria và tiếp tục chi tiêu 2 tỉ USD/năm tại nước này.

Cuộc đụng độ trên cũng khiến Lebanon lo ngại sau khi quân đội nước này cáo buộc chiến đấu cơ Israel xâm phạm không phận của họ. Israel không ít lần cáo buộc chính phủ Syria đang dọn đường để Iran và phong trào Hezbollah ở Lebanon duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở cao nguyên Golan, giáp biên giới với Israel. Theo kênh al Jazeera, bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Israel và Iran đều có thể khiến Hezbollah có phản ứng, đẩy cả khu vực vào tình thế bất ổn hơn khi các trận chiến khác nhau xảy ra cùng lúc.

Trong nỗ lực ngăn chặn kịch bản tồi tệ này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 10-5 cùng lên tiếng kêu gọi xuống thang căng thẳng trong khu vực Trung Đông.

Mỹ, Israel khiêu khích?

Cuộc không kích mới nhất của Israel kể trên đã khiến ít nhất 5 binh sĩ Syria và 18 tay súng thiệt mạng, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR). Trong khi đó, quân đội Syria cho biết có 3 người chết, 2 người bị thương. Cả 2 nguồn tin không nói rõ trong số thương vong có công dân Iran hay không.

Israel triển khai lực lượng ở cao nguyên Golan hôm 9-5 Ảnh: REUTERS
Israel triển khai lực lượng ở cao nguyên Golan hôm 9-5 Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, cả quân đội Syria và phía Nga đều khẳng định các hệ thống phòng không của Syria đã chặn đứng "phần lớn" tên lửa Israel. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 28 chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Israel đã phóng khoảng 60 tên lửa không đối đất suốt 2 giờ rạng sáng 10-5 (giờ địa phương), cộng thêm 10 tên lửa đất đối đất chiến thuật. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số đó bị hệ thống phòng không Syria bắn hạ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga Leonid Slutsky gắn kết cuộc không kích của Israel nhằm vào các vị trí quân sự của Iran ở Syria với sự kiện Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trước đó 2 ngày. Ông Slutsky nhận định đó là hành động được hoạch định ngay sau khi tuyên bố của Mỹ, là mắt xích tiếp theo trong chuỗi hành động khiêu khích của Mỹ và Israel chống lại Iran. Theo ông, với cuộc không kích này, Tel Aviv gia tăng đe dọa đối đầu quân sự với Tehran.
Ngay trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ý định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 8-5, IDF cho biết đã phát hiện "những hoạt động bất thường của lực lượng Iran ở Syria" nên mở cửa các hầm trú bom ở Golan. Ngoài ra, lực lượng này còn triển khai các hệ thống phòng thủ và đặt binh sĩ trong tình trạng báo động cao. Theo đó, IDF đã chuẩn bị nhiều phương án và cảnh báo bất kỳ sự gây hấn nào chống lại Israel đều sẽ bị đáp trả dữ dội.
Vài giờ sau thông báo của ông Trump, truyền thông Syria đưa tin hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 2 tên lửa Israel. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (trụ sở ở Anh) cho biết 15 người thiệt mạng trong vụ tấn công trên, trong đó có 8 người Iran. Trong khi đó, Israel không bình luận về vụ không kích.

Vì sao Singapore được chọn đăng cai Thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Sau nhiều địa điểm được lựa chọn, Singapore cuối cùng đã được chọn làm địa điểm diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.

Đặt "một chân" ở phương Đông và "một chân" ở phương Tây, lại là xã hội siêu hiện đại, an ninh, đôi khi bị châm chọc là “hơi khù khờ” chính trị, Singapore cuối cùng đã được chọn làm địa điểm diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, vượt qua nhiều lựa chọn khác.
Một trong những vấn đề quan tâm nhất trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là nơi diễn ra Hội nghị đã được chốt.
 Một trong những vấn đề quan tâm nhất trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là nơi diễn ra Hội nghị đã được chốt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 đã xác nhận Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm với nhà lãnh đạo Triều Tiên, sẽ diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore.
“Chúng tôi đều cố gắng biến đây trở thành một khoảnh khắc vô cùng đặc biệt cho hoà bình thế giới!”, ông Trump đăng dòng tweet trên trang Twitter cá nhân.
Thông báo này được đưa ra sau chuyến thăm thứ hai của tân ngoại trưởng Mỹ Pompeo tới Triều Tiên hôm 9/5 nhằm trao đổi các bước chuẩn bị cho Hội nghị và đón 3 tù nhân người Mỹ vừa được Bình Nhưỡng trả tự do về nước.
Theo các nhà quan sát, trung tâm tài chính Singapore được chọn làm nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều nhờ quan điểm chính trị trung lập, những ưu điểm về an ninh được chứng minh qua nhiều lần tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quốc tế.
Đảo quốc sư tử cũng là nơi áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt với giới truyền thông và hoạt động tụ tập công cộng - những yếu tố cho phép một môi trường có kiểm soát và dễ được Triều Tiên ưa thích hơn.
Những địa điểm cụ thể được lựa chọn tổ chức Hội nghị tại Singapore bao gồm Khách sạn Marina Bay (ảnh), Shangri-La và Sentosa. Ảnh: Straittimes.
Những địa điểm cụ thể được lựa chọn tổ chức Hội nghị tại Singapore bao gồm Khách sạn Marina Bay (ảnh), Shangri-La và Sentosa. Ảnh: Straittimes. 
Ngoài ra, Singapore cũng ở vị trí hiếm có duy trì được mối quan hệ thân thiện với cả Washington và Bình Nhưỡng. Họ coi Mỹ là đối tác thân cận, trong khi Triều Tiên vẫn duy trì một đại sứ quán đầy đủ chức năng tại nước này.
Singapore và Triều Tiên có lịch sử hợp tác lâu dài – công ty luật đầu tiên và nhà hàng thức ăn nhanh đầu tiên tại Bình Nhưỡng đều do người Singapore tổ chức.
Nhìn rộng ra hơn thì Singapore cũng là lựa chọn dễ chấp nhận với Trung Quốc, đồng minh quan trọng duy nhất của Triều Tiên. “Là một quốc gia trung lập, khách quan, với những nguyên tắc ngoại giao được kính nể, và là một nước nhỏ không có tham vọng hay năng lực gây tổn hại tới lợi ích của các quốc khác, Singapore đáp ứng tốt tiêu chuẩn”, chuyên gia Lim Tai Wei, làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Á, thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Với việc đồng ý gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một địa điểm cách xa Bình Nhưỡng 3.000km, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phải di chuyển một quãng đường dài khỏi khu vực truyền thống của ông – chuyên gia Graham Ong-Webb, tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) bình luận.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đi máy bay tới Đại Liên, Trung Quốc gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 7/5 vừa qua.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đi máy bay tới Đại Liên, Trung Quốc gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 7/5 vừa qua. 
Kể từ khi lên nắm quyền tại Triều Tiên, ông Kim Jong-un hiếm khi rời khỏi đất nước và mới chỉ chính thức công du nước ngoài trong năm nay, với hai chuyến thăm đều tới Trung Quốc. Chuyến đi gần nhất của ông là bay bằng chuyên cơ tới thành phố Đại Liên, ở đông bắc Trung Quốc đầu tháng 5 này.
Ông Kim Jong-un cũng là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc trong vòng 65 năm qua tại cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử liên Triều với Tổng thống Moon Jae-in ngày 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom.
Trước khi đưa ra lựa chọn Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đề xuất tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng tại làng đình chiến Panmunjom, thuộc khu phi quân sự liên Triều (DMZ).
Quốc gia láng giềng của Triều Tiên là Mông Cổ cũng từng lọt vào danh sách các lựa chọn đăng cai hội nghị, bởi đây cũng là một quốc gia trung lập và gần gũi về địa lý với Triều Tiên.
Khách sạn Shang-ri La, nơi diễn ra Đối thoại thường niên Shang-ri La. Ảnh: Straittimes.
Khách sạn Shang-ri La, nơi diễn ra Đối thoại thường niên Shang-ri La. Ảnh: Straittimes.