Hạnh phúc khó nhọc

Dẫu biết rằng yêu anh là chấp nhận hy sinh, là nhớ thương đong đầy năm tháng nhưng vẫn có những lúc em chạnh lòng. 

Mấy chị bạn làm chung cứ nay khoe cái này, mai khoe cái kia. Họ có chồng làm kỹ sư, bác sĩ, giám đốc nên quà tặng toàn những thứ đắt tiền. Ấy vậy mà, có người còn mè nheo chê lên chê xuống, so bì với người nọ, người kia… Những lần thấy các chị như vậy, em lại bỏ ra hành lang đứng một mình. Nước mắt tự dưng cứ chảy. Em nhớ anh.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Em nhớ có lần anh bảo yêu lính là phải chấp nhận hy sinh. Người ta yêu nhau thì được đón đưa, chiều chuộng, còn em thì phải nén nỗi nhớ vào lòng. Làm việc thì thôi chứ rảnh rang thì lại nhớ. Nỗi nhớ cứ châm chích trong lòng khiến người ta quên ăn, mất ngủ. Có những khi nhớ anh quá không biết làm sao, em nhắm mắt lại, mường tượng ra gương mặt anh. Này mắt, này mũi, này môi, này hơi thở thật êm và vòng tay thật chặt… Chỉ mơ thôi mà em đã thấy thật ấm áp trong lòng.
Anh yêu, bao giờ thì anh về phép? Ngày tình yêu, người ta tặng nhau hoa hồng, sô-cô-la và những lời chúc ngọt ngào. Người ta đưa nhau đi chơi đây đó và chắc chắn họ sẽ ôm nhau thật chặt và hôn nhau. Còn em, mấy hôm nay, mỗi khi nghĩ về anh, em chỉ mong nhận được một lá thư hay một cuộc gọi. Hạnh phúc với em chỉ chừng ấy thôi mà sao vẫn khó nhọc vô cùng.
Dẫu biết rằng yêu anh là chấp nhận hy sinh, là nhớ thương đong đầy năm tháng nhưng vẫn có những lúc em chạnh lòng. Giá như bạn bè chung quanh giấu bớt đi hạnh phúc, giá như ngoài kia đường phố đừng rợp hoa hồng và dập dìu đôi lứa bên nhau… thì có lẽ em đã không khóc nhiều vì nhớ anh như thế.
Người yêu của lính thì không được yếu lòng. Dẫu đã tự nhắc mình nhiều lần như thế mà sao nước mắt vẫn cứ trôi theo niềm mong đợi. Ngày tình yêu, chỉ ước mong có được một món quà thật giản dị là được ở bên anh. Thế mà, ước muốn ấy đã nhiều năm rồi vẫn chỉ là mơ ước. Anh đừng cười khi biết rằng em đang khóc vì nhớ anh…

Hạnh phúc không tật nguyền

Đám cưới thật đặc biệt. Cô dâu, chú rể đều tật nguyền. Nhưng quan viên hai họ đều ngập tràn hạnh phúc.

Cô dâu tên Thảo, nhà ở một xã cuối huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Vừa chào đời, đôi chân Thảo đã mềm nhũn vì khi mang thai, mẹ Thảo bị tâm thần phải tiêm nhiều thuốc thần kinh. Rồi mẹ bỏ đi biệt tích, nên một tuổi, Thảo đã thiếu vòng tay yêu thương của mẹ. Bố lấy vợ hai, Thảo ở với ông bà nội từ đó.

Sao em không gọi sớm hơn?

Sau mười năm chung sống, đây là lần vợ chồng anh cãi vã nhiều nhất. Anh không kìm được nóng giận, mắng chị là “đồ vô văn hóa”. 

Chị không còn ngọt ngào “ông xã yêu” nữa mà thẳng cánh đuổi: “Ông ra khỏi nhà tôi!”.

Anh nổi nóng đùng đùng: “Ngày mai tôi sẽ đi khỏi nhà này”. Chị mỉa mai: “Vậy cám ơn anh nhiều. Khi nào đi nhớ báo giùm một tiếng”. Cưới nhau được 5 năm, anh chị chắt chiu cất được ngôi nhà nhỏ. Sở dĩ anh mang tiếng “ở rể” vì quê mãi ngoài Phú Yên, thương vợ nên theo về miền Đông lập nghiệp. Chuyện vợ chồng cãi nhau có nhiều lý do. Anh hay cằn nhằn, la mắng vợ con vì tật luộm thuộm, quần áo thay ra bạ đâu vứt đó. “Suốt ngày tôi đi theo lượm đồ cho các người, sắp thành thằng khùng rồi”. Nghe anh kêu ca, chị nói: “Chuyện nhỏ như con thỏ mà sao khó tánh quá, chắc muốn sống một mình”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Chuyện nhỏ hóa lớn, khi chị truy hỏi anh tại sao mỗi tháng không đưa đủ tiền chợ? Tiền bạc giấu đi làm chuyện gì? Anh giận dữ hỏi, chứ tiền mua máy giặt, thay xe máy mới, sắm ti vi màn hình phẳng... là ở đâu? Anh từ chối đưa vợ đi siêu thị vì bận họp cơ quan, chị gọi điện cho sếp của anh, báo anh không dự cuộc họp được, vì nhà có người dì... vừa mất. Anh chỉ mặt chị, mắng là “đồ bất hiếu, dì tôi còn sống kia, chết hồi nào?". Chiến tranh xảy ra, không còn cách gì dập tắt. Tối, chị la anh ngáy lớn quá, đuổi ra nhà ngoài. Anh nằm trên võng, vừa đập muỗi vừa gặm nhấm nỗi ấm ức dâng lên nghẹn cổ. Sáng, anh lôi chiếc ba lô ra, dọn đồ bỏ vô. Chị thản nhiên nằm ngủ. Hơn sáu giờ, anh tính bỏ đi, nhưng thấy cái sân dơ quá, nên kiếm chổi quét xoèn xoẹt. Anh chờ chị thức dậy để nói một lời cho hả giận, rồi ra đi, nhưng chị vờ ngủ, không cựa mình.

Họp tổng kết xong, anh lang thang ở nhà mấy người bạn. Họ ngạc nhiên thấy anh kéo chiếc va ly to đùng theo. “Bộ vợ đuổi sao ông?”. Anh chỉ cười buồn. Tối đó, không còn ai “chứa chấp”, anh tìm một nhà nghỉ, thuê phòng. Trong lòng, anh chờ đợi biết bao một tiếng chuông điện thoại. Trước đây, giờ này chị đã gọi hỏi “ông xã yêu chừng nào về nhà?”. Giờ chiếc điện thoại nằm im lìm trên chiếc giường xa lạ. Anh đã tự nhủ lòng, không thể chấp nhận được cuộc hôn nhân này. Anh bị vợ coi thường quá rồi. Anh sẽ về quê, rồi tìm cơ hội chuyển công tác sau. Chỉ thương thằng con mới hai tuổi. Anh không thể mang con theo và cũng không có quyền ấy. Trộm con mang đi là phạm pháp. Nhưng anh yêu nó vô cùng. Nghĩ đến cảnh thằng Còi mỗi chiều chờ ba ngoài ngõ, miệng hỏi tía lia: “Ba âu? Ba âu?”, anh chảy nước mắt.

Suốt đêm trằn trọc không ngủ được, sáng sớm anh còn lần khân chưa muốn ra bến xe trước nhà nghỉ. Anh chờ chị gọi điện. Chí ít thì chị cũng hỏi anh đang ở đâu. Cả ngày và đêm qua làm gì? Có mấy cuộc gọi đi cà phê, đi thăm bạn bệnh, nhưng không thấy tiếng chuông riêng của vợ. Anh buồn rầu, lên xe. Tự nhiên anh muốn xuống xe, chạy về hôn thằng Còi một miếng, nói với nó rằng con ngoan nha, ba về quê nội đây. Xe đã chạy khá xa. Giờ này vợ đã dậy và chuẩn bị cho con ăn sáng. Sao vợ không gọi điện cho anh? Nếu bây giờ vợ gọi điện, chỉ cần nói thằng Còi nhớ ba lắm, là anh xuống xe quay về liền.

Về quê được hai ngày, anh mới nghe tiếng chuông điện thoại quen thuộc. Chị hỏi giờ anh ở đâu? Có về đưa hai mẹ con đi siêu thị được không? Anh thở dài. Muộn rồi em ơi, anh đang ở ngoài quê nội, cách xa mẹ con em mấy trăm cây số. Sao em không gọi sớm hơn?

Khoảng trống hậu ly hôn

Những nhọc nhằn của hậu ly hôn đã đánh gục cái tôi phiến diện. Tự dưng chị thèm… mùi mồ hôi của anh.

Vậy là sau hai phiên hòa giải không thành, nguyện vọng ly hôn của chị đã được tòa chấp thuận. Chị hoàn toàn tự do. Nhưng bây giờ chị lại thấy sự tự do ấy chỉ là một khoảng trống.

“Tội” của anh có đáng bị “trừng trị” như thế không, dù rằng ngày quyết định nộp đơn, chị cho rằng anh đáng phải “bị vợ bỏ” từ lâu? Mà “tội” của anh là gì khi hàng ngày anh chăm chỉ đi làm, hàng tuần đều đặn “cống nộp” tiền lương cho vợ. Nhậu nhẹt chút đỉnh, đôi khi nói năng một phút tới trời, nhưng anh vẫn phụ chị đưa rước con cái và nhất là làm nghề tài xế nhưng anh không bồ bịch gì.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Rồi chị lại tranh luận với chính mình. “Tội” của anh đáng bị vợ bỏ lắm. Đàn ông gì mà tám năm trời không lo được cái nhà cho vợ con. Hai đứa trẻ ra đời mà cứ sống bám nhà cha mẹ vợ. Đàn ông gì mà gia trưởng, cổ lỗ sĩ vô cùng. Bây giờ là thời đại nào rồi mà cứ bắt vợ ở nhà chăm sóc con cái, nhà cửa chứ không cho ra đường mua bán, làm lụng... Tính áp dụng chính sách “ngu vợ” để dễ bề ăn hiếp à? Ấy là chưa kể, điều tế nhị nhưng khiến chị “sợ muốn chết” là hễ đi thì thôi, về là anh kéo chị vô phòng “đòi hỏi” bất cứ lúc nào. Chị cằn nhằn, anh bảo tại vì nhớ vợ quá, yêu vợ quá, xe đi “tua” xuyên Việt, cả tuần mới được về nhà hai ba ngày. Anh cố “giữ mình” để chỉ có mình vợ, sao vợ lại chối từ? Chuyện anh bắt vợ ở nhà chăm con là vì anh thấy lương mình đủ nuôi vợ con, vợ ra đường cũng là buôn bán nhỏ lẻ, mệt nhoài với đắt ế rồi sinh lo lắng, cáu bẳn. Hoặc đi làm công nhân, lương hướng không ra gì, rồi vài bữa ngộ độc thức ăn, ít hôm ngất xỉu vì hạ canxi như mấy cô hàng xóm.

Chị bảo, vợ chồng gì cả tuần không nói với nhau câu nào, không có một thái độ, cử chỉ yêu thương. Vậy mà cứ về là "hùng hục" như… trâu cày buổi sáng. "Em quên rồi sao. Xe qua tỉnh nào anh cũng gọi về hỏi em có thích đặc sản của tỉnh đó, dăm ba bữa lại hỏi em còn tiền xài không, lên chủ xe ứng tạm". "Em không cần quà cáp, đặc sản cũng không, tiền cũng không là thứ quan trọng. Em cần vợ chồng yêu thương khắng khít bên nhau". "Dễ ợt, anh a lô một tiếng, nói chủ cho nghỉ làm, vợ chồng như chim liền cánh rồi nhé, nhưng con chim sâu khờ khạo của anh ơi, em có thể không ăn mà sống được không em?". Chị ậm ừ.

Chịu hết xiết. Chị xin ly hôn với lý do “không hợp nhau”. Hai phen anh xin đoàn tụ không được, đành chấp nhận. Chị nuôi hai con, anh cấp dưỡng. Anh bước ra khỏi nhà với chiếc ba lô nhẹ tênh. Chị bắt đầu chuỗi ngày “tự do” của một công nhân cạo mủ cao su. Phải dậy từ hai giờ sáng, cạo tới tám giờ. Mười giờ trưa, xoay qua trút mủ. Về nghỉ ngơi ăn cơm tí rồi hai giờ chiều đi lượm mủ đất. Thu nhập khá nhưng mới hai tháng đã phờ phạc dung nhan. Cái dung nhan mà tám năm qua anh gìn giữ cho chị không thua gì thời con gái, chỉ có dáng vóc là đầy đặn lên chút ít. Bây giờ da mặt khô sần, tóc tai rối bù, mắt sâu hoắm, môi không thể nở nụ cười. Chị đi làm từ sáng, cách nhà mươi cây số, hai con khi thì bà ngoại đưa, lúc lại hàng xóm rước.

Đêm thăm thẳm trằn trọc. Cơn gió lạnh nào thổi quanh chiếc giường quen thuộc. Con bé tuổi mẫu giáo của chị ngủ mơ gọi ba khóc mếu:“Ba của em mà… ba của em… sao ba ẵm anh Hai mà bỏ con vậy?”. Những nhọc nhằn của hậu ly hôn đã đánh gục cái tôi phiến diện. Tự dưng chị thèm… mùi mồ hôi của anh.