Giảm hơn 10.000 tỷ đồng chi phí mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Đơn vị tư vấn trong nước đề xuất phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất với chi phí thấp hơn Tư vấn Pháp (ADPi) khoảng 10.700 tỷ đồng.

Tại cuộc họp ngày 9/5, ông Nguyễn Bách Tùng - Giám đốc Công ty tư vấn và thiết kế công trình hàng không (ADCC), cho biết phương án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do Tư vấn Pháp ADPi lập đã được Thủ tướng thông qua. Hiện nay đơn vị đang triển khai quy hoạch chi tiết có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tổng số tiền mà ADCC dự kiến để triển khai quy hoạch dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 25.000 tỷ đồng. Con số này thấp hơn tổng chi phí dự kiến theo phương án của ADPi (Pháp) trước đó, khoảng hơn 35.700 tỷ đồng.
Phương án mở rông sân bay Tân Sơn Nhất đang được tư vấn giảm chi phí. Ảnh: Lê Quân.
Phương án mở rông sân bay Tân Sơn Nhất đang được tư vấn giảm chi phí. Ảnh: Lê Quân. 
Số tiền đầu tư này được phân bổ gồm nhà ga hơn 7.600 tỷ đồng, sân đường máy bay hơn 5.200 tỷ đồng, nhà ga hàng hoá hơn 3.000 tỷ đồng, còn lại là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm
Về tổng thể, tại khu phía Bắc, ADCC cơ bản giữ toàn bộ quy hoạch của ADPi trên khu vực sân golf, có điều chỉnh lại một số diện tích đất quốc phòng. Ngoài ra, ở phía Bắc do toàn bộ là sân golf, mặt cỏ và nhiều hồ nên khả năng thoát nước tốt, thay vì bê tông hóa (sẽ giảm khả năng thoát nước), ông Tùng đề nghị xây công viên và hồ điều hòa.
Tại khu vực phía Nam, ông Tùng đề nghị điều chỉnh quy mô nhà ga T3, chỉ xây dựng trên diện tích 120.000 m2 thay vì 200.000 m2 như phương án của ADPi, song vẫn đảm bảo năng lực khai thác 20 triệu khách/năm.
Cùng đó, Giám đốc ADCC cũng đề xuất quy hoạch lại sân đỗ theo hướng tuyến tính, để tiết kiệm diện tích đất mà không giảm số vị trí đỗ so với phương án của ADPi, đồng thời cơ bản giữ phương án đầu tư đường lăn như của ADPi.
Về hệ thống giao thông tiếp cận, Đồ án quy hoạch cơ bản thống nhất với ADPi, cũng như dự án của TP.HCM, đồng thời đề xuất xây dựng thêm cầu vượt từ đường Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, qua đường Thăng Long xuống đường Phan Thúc Diện và cầu vượt từ đường C12 theo quy hoạch qua đường Cộng Hoà, Trường Chinh sang đường Lê Trọng Tấn.
Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng đồng tình với đề xuất về việc xây nhà ga T3 trên diện tích 120.000 m2, nguyên tắc là đảm bảo 20 triệu khách/năm. Ông Thắng cũng cho rằng, mục tiêu làm quy hoạch phải bám tối đa theo phương án ADPi đã đề xuất.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng Thủ tướng đã kết luận sân bay Tân Sơn Nhất luôn tồn tại song song với sân bay Long Thành. Do đó, Đồ án quy hoạch phải thực hiện hiệu quả khai thác cao nhất, ít ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng, người dân cũng như các cơ quan đơn vị, thể hiện tính bền vững cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Trước đó, cuối tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định sẽ thực hiện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của Công ty Tư vấn độc lập của Pháp ADPi.
Với phương án của ADPi, tổng chi phí khoảng 35.700 tỷ đồng sẽ xây dựng thêm một nhà ga hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất với diện tích sàn 200.000 m2, để có thể phục vụ 20 triệu hành khách/năm ở phía Nam, tức phía nhà ga hiện hữu.
Diện tích đất phía Bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý, sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ nay đến năm 2025.

1.000 tỷ đồng/km đường ở Thủ Thiêm: Chủ tịch Đại Quang Minh nói gì?

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Đại Quang Minh, trả lời về việc đầu tư 4 tuyến đường đầu tư ở Thủ Thiêm với chi phí khoảng 1.000 tỷ đồng/km được cho là quá cao.

4 tuyến đường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được TP.HCM giao cho Công ty cổ phần Bất động sản Đại Quang Minh, doanh nghiệp đó tập đoàn Thaco giữ 90% cổ phần, đầu tư xây dựng bằng hợp đồng BT được cho là có chi phí đầu tư xây dựng "đắt khủng khiếp" khoảng 1.000 tỷ đồng/km - gấp 5 lần cao tốc Bắc - Nam (khoảng 180 tỷ đồng/km) và 4 lần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khoảng 250 tỷ đồng/km).

Rà soát đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

Chính phủ yêu cầu đánh giá hiện trạng sử dụng đất cho quốc phòng như sân golf, các đơn vị quân sự..., đề xuất phương án sử dụng đất ở cả phía bắc và phía nam để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Sân bay nhìn từ phía sân golf Tân Sơn Nhất - Ảnh: HỮU KHOA
Sân bay nhìn từ phía sân golf Tân Sơn Nhất - Ảnh: HỮU KHOA 

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc rà soát quy hoạch, xây dựng phương án mở rộng và lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch cảng hàng không, các quy hoạch liên quan tại khu vực cảng hàng không - sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Công ty tư vấn ADP-I tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhấn mạnh mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là để giảm ùn tắc và đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không.

Phó thủ tướng yêu cầu phương án nâng cấp mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải đảm bảo có tính khả thi cao, có thể hoàn thành nhanh nhất trong vòng 1 đến 2 năm, đảm bảo hài hòa, đồng bộ với các cảng hàng không khu vực phía Nam, đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác sử dụng sau năm 2025.

Với việc nâng công suất lên 70 triệu hành khách/năm, Phó thủ tướng yêu cầu quy hoạch đề xuất phương án sử dụng đất ở cả phía bắc và phía nam để phục vụ cho phát triển sân bay Tân Sơn Nhất.

Đặc biệt, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất cho quốc phòng như sân golf, các đơn vị quân sự hiện hữu và đất cho ngành hàng không trong việc lập quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Quy hoạch cũng phải xem xét các vấn đề môi trường, tiếng ồn, đặt trong bối cảnh tương lai tại đô thị TP.HCM.

Cuối cùng, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ quy hoạch này để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước ngày 15-1-2018.