Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu và Kỹ sư Vũ Đình Thanh khẳng định, Thành Cổ Loa với hình ốc cao chót vót đã giúp nỏ thần một lần bắn giết vạn giặc là toà thành hoàn toàn khác biệt với các toà thành khác của Trung Quốc và thế giới. Điều này thêm bằng chứng rõ ràng Triệu Đà chưa bao giờ dám đặt chân vào Văn Lang Âu Lạc và hàng vạn quân Tần phải bỏ xác trước toà thành bất khả chiến bại.

Nguyên lý vũ khí vượt thời đại: Sức mạnh đến từ thành cao
Truyền thuyết về nỏ thần có nhắc đến việc xây thành Cổ Loa, xây lên rồi lại đổ và mãi khi có sự giúp sức của thần Kim Quy thì thành mới xây xong. Chắc chắn sẽ rất nhiều người trong chúng ta đặt câu hỏi, sao xây một cái thành thôi mà cũng phải có sự giúp đỡ của thần thánh? Bởi lẽ, chúng ta thường mường tượng một toà thành cao khoảng 10m như thường thấy trong các bộ phim Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành Cổ Loa xưa thời các vua Hùng hoàn toàn không phải là một tòa thành thông thường như mọi người thường nghĩ. Nếu thành Cổ Loa xưa mà còn tồn tại toàn vẹn đến ngày nay, chắc chắn phải là một kỳ quan thế giới.
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, kỹ sư Vũ Đình Thanh, chuyên gia kỹ thuật của cơ quan nghiên cứu sản xuất NPO ALMAZ, người đã phục dựng thành công nỏ thần và là chủ nhân độc quyền sáng chế “nỏ bắn nhiều tên, lực nỏ tác dụng vào ống tên, trong ống có nhiều mũi tên nhỏ”, chia sẻ, khi nhắc đến nỏ thần, ai ai cũng nghĩ ngay đến kỳ tích kỹ thuật sáng chế ra loại nỏ bắn cùng lúc nhiều mũi tên của cha ông ta. Thế nhưng, đó chỉ là một trong hai sáng chế vượt thời đại.
“Sáng chế thứ hai còn quan trọng hơn rất nhiều vì giúp nỏ thần bằng một phát bắn giết được vạn giặc. Đó là cha ông ta đã nghĩ ra cách sát thương khác biệt với toàn thế giới là sử dụng lực hút của trái đất", kỹ sư Thanh nhấn mạnh.
Theo nguyên lý này, các mũi tên đồng không giết giặc nhờ lực bắn của dây nỏ, mà nhờ sức hút của Trái Đất. Các mũi tên đồng được bắn vút lên, rồi rơi nhanh dần đều, và khi đâm vào giặc là lúc vận tốc lớn nhất, tức nỏ thần sát thương mạnh nhất ở khoảng cách xa nhất. Trong khi đó, cung nỏ của địch bắn thẳng, càng xa càng yếu. Điều này tạo ra một lợi thế chiến thuật tuyệt đối: nỏ thần giết được giặc mà giặc không làm gì được ta.
Sáng chế vĩ đại này, theo kỹ sư Thanh, gắn liền với hai công nghệ vô cùng tinh vi. Thứ nhất là kỹ thuật gia công mũi tên đồng để khi rơi nhanh dần đều, đầu nhọn luôn hướng xuống đất và mũi tên tự quay quanh trục. Bằng chứng khảo cổ học về các mũi tên đồng Cổ Loa đã xác thực điều này. Thứ hai, và cũng là yếu tố quyết định, là phải xây thành Cổ Loa thật cao để cung cấp năng lượng ban đầu cực lớn cho mũi tên.
Chi tiết này đã được nhắc đến trong truyền thuyết xây thành nhiều lần bị đổ, mãi đến khi thần Kim Quy giúp đỡ thì mới xây được. Nó cũng được mô tả rõ ràng trong nhiều cuốn sử cố như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đó là “đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành, lại có tên là thành Tư Long. Về sau này người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn, vì thành rất cao”.
Nguyên lý sử dụng lực hút Trái Đất này của người Việt cổ hiện đang được áp dụng rộng rãi trong các loại vũ khí hiện đại như pháo rải đinh, bom đinh (lazy dog) và trong Thế chiến thứ nhất là các mũi tên sắt Flechette được thả từ máy bay.
Thành Cổ Loa: Pháo đài "chọc trời" và bệ phóng vũ khí khổng lồ
Để nỏ thần phát huy sức mạnh hủy diệt, tòa thành phải được xây càng cao càng tốt. Theo miêu tả trong sử sách và ca dao, thành Cổ Loa được gọi là "tòa thành tiên xây", có hình con ốc với 9 vòng xoáy trôn ốc lên cao. Nếu mỗi vòng cao 10m, tổng chiều cao của thành có thể đạt đến 90m. Từ độ cao này, nỏ thần chỉ cần bắn các mũi tên tiếp lên khoảng 60m nữa, cùng với hiệu ứng tự xoay, vận tốc của mũi tên đồng khi chạm mục tiêu có thể lên tới 65m/s, thừa sức xuyên thủng mọi loại giáp sắt của quân Tần.


Kỹ sư Thanh cho rằng, người Việt xưa có thể xây được thành cao như vậy dù không có máy móc hiện đại là nhờ phương pháp xây thành theo hình xoắn ốc, từng vòng một nâng cao dần. Thiết diện của thành càng lên cao càng nhỏ, và toàn bộ kết cấu được xây theo kiểu quanh co, tạo nên sự ổn định và vững chắc cho công trình.
“Tôi không phải là kỹ sư xây dựng, kỹ thuật xây thành cao như vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các chuyên gia trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, là một chuyên gia về vũ khí, tôi có thể khẳng định rằng, với nguyên lý sát thương đặc biệt của nỏ thần sử dụng lực trọng trường thì thành phải xây càng cao càng tốt , càng cao thì càng tăng độ sát thương của mũi tên đồng Cổ Loa”, kỹ sư Thanh khẳng định.
Cũng từ lập luận này, kỹ sư Thanh càng thêm chắc chắn, cha ông ta chỉ sử dụng mũi tên đồng Cổ Loa. Lý do là vì, mũi tên đồng Cổ Loa với thiết kế đặc biệt, bắn từ thành cao sẽ có chuyển động nhanh dần đều, đâm vào giặc với lực rất mạnh, còn nếu là mũi tên tre gỗ bắn sẽ bị không khí cản lại, không gây nguy hiểm gì.

Kỹ sư Thanh cho hay, căn cứ vào logic kỹ thuật và nhiều cuốn sử sách xưa, có thể thấy thành Cổ Loa xưa vô cùng hoành tráng. Sách "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" ghi rõ: "đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng (tương đương 4700 mét), cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành, lại có tên là thành Tư Long. Về sau này người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn, vì thành rất cao". Việc được ví với núi Côn Lôn cho thấy sự sừng sững, vĩ đại của công trình. Hình dáng con ốc cao chót vót khiến người ta liên tưởng tới tháp Babel trong truyền thuyết.
“Nhiều công trình kiến trúc trên toàn thế giới thời cổ đại để xây cao cũng được xây theo hình con ốc. Thành Cổ Loa chính là bệ phóng cho nỏ thần để các mũi tên đồng tăng uy lực xuyên mọi giáp giặc”, kỹ sư Thanh khẳng định.
Bằng chứng thép về chủ quyền và sự thật lịch sử
Từ kinh nghiệm của bản thân khi phải đối phó với vũ khí pháo rải đinh trong kháng chiến chống Mỹ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho hay, vì thành Cổ Loa xây rất cao 9 vòng lên cao có thể tới 90m, pháo rải đinh rải các đinh nhỏ từ độ cao 30m, mũi tên đồng Cổ Loa lại to hơn nhiều so với đinh từ pháo rải đinh, vậy thì việc nỏ thần bắn một vạn tên tiêu diệt vạn giặc là điều chắc chắn đã xảy ra nhiều lần.

“Hàng vạn quân Tần chắc chắn là bị bỏ xác dưới chân thành Cổ Loa, nhân dân đã chứng kiến, đã đưa vào truyền thuyết", Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định.
Một điều đặc biệt nữa, khi lần theo nhiều cuốn sử xưa của cả ta và Trung Quốc, Thượng tướng Hiệu và Kỹ sư Thanh nhận thấy ở Trung Quốc không có thành nào xây theo hình con ốc và cao chót vót như núi Côn Lôn. Về mặt kỹ thuật quân sự, điều này hoàn toàn hợp lý. Trung Quốc và nhà Triệu dùng cung nỏ thông thường, bắn theo phương ngang, nên không thể xây thành cao chót vót, vì từ trên cao bắn xuống, mũi tên tre gỗ sẽ bị không khí cản lại và mất hết sức sát thương.
Còn thành Cổ Loa hình ốc cao chót vót gắn liền với cách bắn các mũi tên đồng đặc biệt, một công nghệ xuất hiện từ thời Hùng Vương, hoàn toàn khác biệt với cả Trung Hoa và nhà Triệu. Đây lại là thêm một bằng chứng cho thấy nguồn gốc của các vị vua trị vì trong thành Cổ Loa vẫn là con Rồng cháu Tiên, không liên quan gì đến bất kỳ triều đại nào của Trung Quốc.

Kỹ sư Thanh cũng tiết lộ, ông tìm ra nguyên lý của nỏ thần từ việc quan sát hình khắc trên trống đồng Ngọc Lũ. Ông nhận thấy một trong số sáu cung thủ có dẫm chân lên một sợi dây khi bắn tên có đầu mũi tên y hệt như mũi tên đồng Cổ Loa mà khảo cổ tìm được, một chi tiết khác biệt so với các cung thủ còn lại. Từ đó, ông đã nghiên cứu, đăng ký độc quyền sáng chế và phục chế thành công loại nỏ duy nhất có khả năng bắn cùng lúc nhiều mũi tên đồng Cổ Loa. Trống đồng Ngọc Lũ có từ thời Hùng Vương, điều đó có nghĩa là nỏ thần phải có từ thời các vua Hùng.
“Và để nỏ thần có sức mạnh huỷ diệt, thành Cổ Loa cũng chắc chắn phải có từ thời các vua Hùng”, Kỹ sư Thanh khẳng định.
Cần xem xét lại nội dung sử sách việc Triệu Đà đô hộ nước ta
Trở về từ chuyến đi tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị nhân ngày 27/7, Thượng tướng Hiệu càng thêm thấm thía, và suy ngẫm sâu sắc về lịch sử giữ nước của dân tộc. Theo ông, từ thời các vua Hùng đánh giặc Ân, đánh bại 50 vạn quân Tần, cha ông ta đã liên tiếp giành được những chiến thắng quan trọng, bảo vệ vững chắc mảnh đất cuối cùng của người Việt trước mọi mối đe dọa từ bên ngoài.
Trải qua hàng nghìn năm, lịch sử của dân tộc có lúc bị nhìn nhận khác nhau. Có những cách diễn giải chưa phản ánh đầy đủ tầm vóc và sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Vì vậy, việc nghiên cứu, làm sáng rõ các dấu mốc, sự kiện trọng đại, trong đó có vai trò của những công trình như thành Cổ Loa, hay các vũ khí như nỏ thần là điều cần thiết để tôn vinh di sản và cội nguồn văn hiến Việt Nam.
Thượng tướng Hiệu cho rằng, nỏ thần từng đặt trên thành Cổ Loa, một công trình huyền thoại với kiến trúc cao vút, có thể đã góp phần tạo nên những chiến thắng lẫy lừng trước các đạo quân hùng mạnh. Sức mạnh của nỏ thần, với nguyên lý vận dụng lực trọng trường khiến kẻ thù khiếp sợ trong nhiều thế kỷ, giống như sau thời Thánh Gióng đại thắng giặc Ân, đất nước đã được yên bình suốt hàng trăm năm.
Có những bằng chứng rõ ràng, ai cũng có thể kiểm chứng, đó là Triệu Đà không có nỏ thần, không sở hữu công nghệ vận dụng lực hút trái đất, tức không thể xây thành cao, không thể đúc được loại tên đồng đặc biệt như ở Cổ Loa. Cùng với đó là hàng loạt bằng chứng khác, như không có sử sách cùng thời nào ghi chép việc Triệu Đà xâm chiếm nước ta; nghiên cứu gene mới đây của Vingroup khẳng định bộ gene của người Việt hoàn toàn khác với người Hán; và bằng chứng hiển nhiên, tiếng nói của chúng ta khác hẳn tiếng Hán. Còn rất nhiều, rất nhiều bằng chứng khác nữa…
“Đã đến lúc chúng ta cần có nghiên cứu, đánh giá lại một cách thận trọng và khoa học những nội dung trong sử sách và giáo trình liên quan đến việc Triệu Đà chiếm được, đô hộ nước ta. Nói cho cùng, Triệu Đà được làm vua cũng chính là nhờ sức mạnh của nỏ thần bắn chết hàng vạn quân Tần khiến nhà Tần sụp đổ”, tướng Hiệu nêu quan điểm.