Em dâu làm cách mạng thay đổi nhà chồng

Chị thật ngạc nhiên và khâm phục em, vì chỉ trong thời gian ngắn, em đã mạnh dạn thay đổi rất nhiều thứ.

Ngày thằng Út dắt bạn gái về ra mắt, chị chưng hửng nhìn cô em dâu tương lai. Cô gái thành thị tóc nhuộm vàng hoe, da trắng như bông, móng tay móng chân sơn nửa trắng nửa đen… Nhìn em, chị thở dài, chắc thằng Út sau này sẽ khổ. Lúc em vào bếp phụ chị nấu cơm, chị hỏi thẳng: “Nhà này chỉ có mỗi thằng Út là trai, nó cưới vợ là phải về quê để phụng dưỡng ba má, em nhắm trụ nổi không?”. Chị ngạc nhiên khi nghe em cười hiền: "Ở đây coi bộ buồn quá, nhưng em đã chuẩn bị sẵn tinh thần rồi, em sẽ ráng".
Sau ngày cưới của hai em, người ráng là má chứ không phải em dâu. Lâu lâu, chị lại nghe má điện lên, than thở: “Con nhỏ này xài sang lắm con ơi. Mớ chén bát má dùng đã chục năm, nó chê sờn mẻ, đem bỏ hết trơn. Còn nữa, Chủ nhật nào nó cũng nấu bánh canh, bún riêu… Ngon thì có ngon nhưng tốn kém quá trời. Xài kiểu này thì núi cũng phải lở. Má cằn nhằn thì nó nói làm cực thì phải bồi dưỡng sức khỏe. Ba má già rồi mà ăn đạm bạc thì không đủ dinh dưỡng, để đau ốm còn tốn tiền nhiều hơn… Thằng Út thì thản nhiên cười he he, nói vợ con nói đúng đó má. Ôi trời, má chướng mắt quá nhưng vẫn phải… ráng nhịn”. Có bữa chị vừa bắt máy, đã nghe giọng má bức xúc: “Con rảnh thì về ngay đi, má chịu hết nổi rồi”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị về, trong bụng lo ngay ngáy, không biết lại xảy ra chuyện gì. Vừa bước vào cửa, chị chưng hửng khi thấy nhà cửa trang hoàng thật mới mẻ. Chiếc ghế tràng kỷ thường ngày vẫn đặt tựa vách phòng khách, giờ nằm ngoài hiên. Bộ ghế thẻ thì nằm một bên, giữa nhà là bộ sa lon mới tinh. Các cửa sổ đều có rèm che mới, bàn thờ cũng được trang trí lại rất đẹp. Má lật đật đi ra, xổ một hơi: “Đó, đó, con thấy nó lộng hành chưa, bày đặt dời cái này, dẹp cái kia, làm lộn tùng phèo hết trơn”. Má kéo chị vào bếp. Kho đồ cũ của má trống trơn. “Từ cái bình xịt nước, tới cái máy may cũ, cây vợt muỗi, chiếc radio… đều bị nó bán ve chai ráo trọi”. Má bỗng giận lây cả chị khi thấy chị cứ cười tủm tỉm, gật gù không nói. Chị thật ngạc nhiên và khâm phục em, vì chỉ trong thời gian ngắn, em đã mạnh dạn thay đổi rất nhiều thứ, điều mà bấy lâu chị rất muốn làm nhưng cứ bị má cản.
Má kéo chị vào phòng ngủ, chỉ tấm nệm mới và chiếc máy mát-xa. Má nói: “Cái máy này, nó chỉ cho má cách xài mà má đâu có dám rớ”… Chị ở lại ngủ với má một đêm, giải thích cho má hiểu em dâu chỉ có ý tốt, muốn chăm sóc má, thay đổi những thứ cũ kỹ, vừa không hợp thời lẫn không hợp vệ sinh. Chỉ tại em không hỏi qua ý kiến má, không làm "công tác tư tưởng" trước nên má mới sốc. Em còn trẻ dại, má nên thông cảm với em. Con dâu rộng rãi, quan tâm tới nhà chồng như vậy, đốt đuốc cũng khó tìm đó má ơi.
Chị cảm ơn em đã thổi luồng gió mới vào nhà mình, để mọi thứ đều tinh tươm và tràn đầy sinh khí. Rồi má sẽ hiểu và thương em hơn. Vì chị biết, em làm mọi thứ đều xuất phát từ tình thương và trách nhiệm đối với gia đình.

Chị dâu tốt bụng lộ mặt xấu xa

Với sự tin tưởng tuyệt đối dành cho chị dâu là thế nên khi tận tai nghe chị dâu bôi xấu mình với hàng xóm, chị Thanh mới ngã ngửa.

Chị Thanh (Ba Đình – Hà Nội) vốn là con dâu thứ trong nhà. Hiện gia đình nhỏ của chị đang sống cùng bố mẹ chồng và gia đình anh trai đầu của chồng. Theo chị Thanh, trong suốt quãng thời gian về làm dâu cho đến khi chị sinh con được 4 tháng và trước khi trở lại đi làm, thì mọi chuyện trong nhà rất tốt đẹp. Chị Lan - chị dâu của chị, luôn tỏ ra niềm nở, vui vẻ và nhiệt tình giúp đỡ chị mà không nề hà gì.

Hai điều vợ gửi bồ nhí của chồng

Lẽ ra không có lá thư này, nhưng sau những hành động của em buộc chị phải lên tiếng. Đầu tiên chị chân thành cảm ơn em vì hai điều.

Điều thứ 1. Cảm ơn em vì từ khi có em xuất hiện trong cuộc đời chồng chị, anh ta trở nên dịu dàng, và tử tế khi gọi chị là em, xưng anh rất chi là ngọt ngào, đã lâu lắm rồi hình như cách đây cả thế kỷ ấy chị mới được nghe lại. Anh ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì chị nhờ, thậm chí có những việc chị chẳng cần mở miệng anh cũng tự giác làm. Chuyện này chắc trước đây chỉ xuất hiện trong những giấc mơ không bao giờ có thật của chị. Chị đi hết từ bất ngờ ngày qua bất ngờ khác. Dần dà hiểu được vì sao anh ta lại làm như vậy, tâm lý thôi mà, tâm lý của một kẻ mắc tội.

Điều thứ 2. Chị cảm ơn em vì em đã nhiệt tình giúp chị dọn dẹp nhà cửa, thanh lý đi những thứ rác rưởi bẩn thỉu và ô nhiễm, trả lại môi trường trong sạch, hài hòa và thoải mái đến tuyệt vời trong căn nhà của mẹ con chị. Chị không còn phải cảm thấy khó chịu vì mùi khói thuốc, tàn thuốc vứt khắp nơi, chấm dứt những ngày tháng chịu đựng mùi bia, mùi rượu, mùi hôi bốc lên nồng nặc từ anh ta. Chị cũng không còn phải tốn hơi tốn sức gào lên hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng thậm chí là hàng năm để than phiền ca cẩm về chồng. Giờ đây thay vì hàng ngày phải vắt óc suy nghĩ đi chợ nấu món gì cho ngon, cuối tuần phải bỏ ra cả đống thời gian để ủi mớ quần áo cho chồng thì chị có thời gian để chăm sóc sắc đẹp của mình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Chị cũng muốn tâm sự, chia sẻ với em một vài điều nhỏ như sau.

Điều thứ 1. Chắc trong những ngày tháng qua em thắc mắc tại sao chị lại không tìm đến em, không làm ầm mọi chuyện lên như những người phụ nữ khác khi có chồng ngoại tình và công khai ăn ở với người tình. Chị không làm điều đó vì đơn giản em không phải là kẻ thù của chị, nếu không muốn nói em chính là ân nhân của cuộc đời chị. Em chính là người đã giúp chị hiểu rõ về một con người và giúp chị biết yêu thương mình hơn, biết chăm sóc mình hơn và trở nên xinh đẹp hơn. Vì thế, chị sẽ không làm bất cứ điều gì tổn hại đến em, chị là người rõ ràng, sòng phẳng. Vậy nên em đừng làm những trò ngốc nghếch như lập ra hàng mớ face book để phá chị như vậy. Đó là trò trẻ con, chị không thèm chấp đâu.

Điều thứ 2. Chị rất lấy làm phiền lòng khi em mở miệng nói con trai chị gọi em là mẹ. Em ạ, có lẽ em chưa có con nên em chưa thể hiểu nỗi lòng của một người mẹ là như thế nào. Mà thôi, không cần phải đến khi có con em mới hiểu, đơn giản như thế này đi, bây giờ trong gia đình em, bỗng nhiên có một người phụ nữ xuất hiện vào bảo em là gọi bà ta là mẹ đi, liệu em có làm được điều đó không?

Bố mẹ em mang nặng đẻ đau, nuôi em lớn đến chừng đó họ chỉ mong mỏi có một điều duy nhất đó là em được hạnh phúc, hạnh phúc của em chính là hạnh phúc của cả cuộc đời họ. Vậy mà em đã sống như thế nào? Em chung sống với một người đàn ông đã có vợ có con. Liệu bố mẹ em biết được họ có vui nổi không? Hàng xóm láng giềng và người thân quen sẽ nhìn họ với con mắt như thế nào? Có thể chị suy nghĩ quá cổ hủ và lạc hậu so với em, nhưng chị nghĩ bất cứ người làm cha làm mẹ nào cũng mong con mình có một cuộc sống bình thường như bao con người khác, một gia đình trọn vẹn, được nhìn thẳng vào mắt người khác khi nói về gia đình riêng của mình. Em hy vọng gì vào người đàn ông này?

Một người đàn ông tử tế, đàng hoàng thì sẽ không bao giờ phản bội vợ con. Em tin chắc rằng em sẽ là người đàn bà cuối cùng của cuộc đời anh ta? Đó là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm đấy em. Đàn ông họ tham lam lắm, họ chỉ muốn thêm mà không bao giờ muốn bớt. Chị chứng minh cho em một cách hết sức đơn giản nhé. Nếu anh ta có tình yêu trong sáng và nghiêm túc với em thì khi nhận lời yêu em, dọn về chung sống với em thì anh ta đã li dị chị, nhưng anh ta không hề làm điều đó. Vị trí của em trong anh ta chỉ là một góc nhỏ, một chỗ cơi nới, chỉ vậy thôi.

Điều thứ 3. Em ạ đừng bao giờ nghĩ tới việc ràng buộc người đàn ông bằng một đứa trẻ. Điều này là sai lầm trầm trọng hơn sai lầm em tự biến mình thành tình yêu bé nhỏ của anh ta. Nếu là một người cha tốt thì anh ta đã không bao giờ phản bội lại con mình. Chắc em chưa biết anh ta đã đối xử với đứa con mà anh ta đã mong mỏi có được như thế nào nhỉ? Con ốm anh ta không hề biết, từ khi nó sinh ra và lớn đến bây giờ số lần anh ta chơi với nó được đếm trên đầu ngón tay… và nhiều nhiều chuyện khác chị không muốn kể ra vì lại mang tiếng nói xấu chồng. Với một đứa trẻ đã được anh ta mong mỏi, trông chờ sự ra đời của nó mà anh ta còn đối xử như vậy thì đừng bao giờ mong đứa con mà anh ta không mong muốn xuất hiện lại được anh ta yêu thương, chăm sóc hơn. Em đã làm cuộc đời em đau khổ thì đừng kéo theo đứa trẻ vô tội vào vòng đau khổ, bất hạnh này.

“Tối mai mình hẹn hò em nhé!”

Đã mấy năm rồi mình quên hẹn hò chỉ vì nghĩ đó là chuyện của mấy cô cậu đang cưa cẩm, chưa thuộc về nhau.

“Tối mai mình hẹn hò em nhé!”, anh bất ngờ đề nghị. Em - mắt sáng lên - gật đầu một cách hào hứng. Đã mấy năm rồi mình quên hẹn hò chỉ vì nghĩ đó là chuyện của mấy cô cậu đang cưa cẩm, chưa thuộc về nhau.

Cách đây bảy năm, anh mất 365 ngày chịu khó đi “tán”, cuối cùng đã “cua” được em. Tình phí của những buổi hẹn hò là chè, kem, bánh lọc, bánh cuốn, bánh kẹp… Đời sinh viên thuở ấy, dù chỉ là món ăn bình dân nhưng em biết anh thắt lưng buộc bụng lắm mới đủ nuôi cái dạ dày của em. Có lần anh đùa: “Mai mốt mình giàu, anh sẽ cùng em ăn một bữa bánh lọc đã đời”.

Khi đã thuộc về nhau, mình “lơ” dần những cuộc hẹn hò. Lý do đơn giản là ngày nào cũng gặp nhau, cà phê cà pháo làm gì cho mất công tốn của. Em đã cố tạo một không khí lãng mạn cho buổi tối thứ Bảy bằng một góc quán vắng và ánh nến lung linh. Em cũng cố uốn cong thêm lọn tóc bồng, tô thêm chút son, ngồi đối diện và nhìn anh say đắm. “Mắt em sao trợn tròn đến phát khiếp! Dẫn anh ra đây có chuyện gì không?”. Anh nhìn chằm chằm vào cốc cà phê rồi chép miệng: “Giá mà nó biến thành cốc bia thì hay biết mấy!”. Ngó tới ngó lui chẳng có gì hay ho, thế là anh và em “lui quân”, nghĩ bụng sẽ không bao giờ cùng nhau vào quán cà phê nữa.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nói vậy chứ thỉnh thoảng mình cũng đi cà phê, nhưng là với… đám bạn của anh. Người nào cũng ăn nói suồng sã, bốp chát nên em phần nào bị “lây nhiễm”. Từ đó, không còn những buổi hẹn riêng.

Dần dà, cái cảm giác chờ đợi, hồi hộp, bất ngờ cũng chai sạn trong em và anh. Mình nghĩ, đã là của nhau rồi thì đó là định mệnh, không cần giữ gìn hay nuôi nấng, thêm thắt gia vị cho tình yêu nữa. Anh dành thời gian nhiều hơn cho bạn bè, em dành thời gian nhiều hơn cho chợ búa, bếp núc. Đơn giản là vì “cả đời đã dành cho nhau”. Cưới nhau hơn một năm mà “mùa xuân tình yêu” đã tàn úa bởi luôn đo đếm cơm, áo, gạo, tiền. Trước đây, em hí hửng với cà phê tối thứ Bảy là thế, nhưng giờ thì “hai ly cà phê có thể thay bằng một bữa sáng no nê cho cả gia đình”.

Rồi anh đi công tác hai tuần. Hạnh phúc của anh là đây: không cần báo cáo, không cần “hạch toán” cuối ngày để vợ hiểu mình tiết kiệm. Anh như chim sổ lồng, như cá về sông. Em cảm nhận được niềm vui tự do ấy của anh. Mà hình như em cũng có phần thoải mái. Ở nhà một mình, công việc nội trợ nhẹ hơn hẳn, em có thêm thời gian để chăm chút bản thân. Thế nên, hôm tiễn anh ở sân bay, cả hai đều tỏ ra lưu luyến nhưng miệng thì cười toe toét.

Nghĩ vậy mà không phải vậy. Mới ba ngày đã nhớ anh quay quắt. Cứ nôn nao chờ đợi như thế cho đến ngày thứ chín… Chuông điện thoại reo: “Ra mở cửa cho anh!”. “Nhà có mấy chục mét vuông, không gõ cửa mà bày đặt điện thoại”, em vừa làu bàu vừa sung sướng đến phát điên. Thì ra, “sam chồng” cũng nôn nóng muốn gặp “sam vợ” nên đã giải quyết nhanh công việc để trở về. Xa cách là rào cản nhưng cũng là chất xúc tác để hàn gắn hạnh phúc.

“Tối mai mình hẹn hò em nhé!”, anh nói, em gật. Thế là em lại loay hoay chọn váy, thoa chút phấn má hồng để sắc đẹp tái sinh cùng tình yêu. Tay trong tay, em như sống lại cảm xúc của những ngày đầu hò hẹn.