Thổ Nhĩ Kỳ nói thẳng với Mỹ điều kiện để duyệt cho Thụy Điển vào NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gần đây nói việc phê chuẩn cho Thụy Điển gia nhập NATO hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của Mỹ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngồi trong chuyên cơ được chiến đấu cơ F-16 hộ tống.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nêu điều kiện rõ ràng để Quốc hội nước này phê duyệt tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Đó là chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden duyệt thương vụ bán chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

"Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển,” ông Erdogan nói với các phóng viên trên máy bay khi trở về từ Azerbaijan. "Nếu Washington giữ lời hứa, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ làm điều tương tự".

Năm 2019, Mỹ gạt Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi danh sách các quốc gia chờ mua tiêm kích tàng hình F-35 vì Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang đặt mua 40 chiến đấu cơ F-16 do hãng Lockheed Martin sản xuất và 80 bộ kit nâng cấp các máy bay F-16 đời cũ. Tổng giá trị thương vụ lên tới 20 tỷ USD và hiện chưa được Mỹ phê duyệt.

Tháng 7/2023, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ thúc đẩy thương vụ nhưng một số nghị sĩ có ảnh hưởng ở Mỹ đã cảnh báo sẽ phủ quyết.

“Một trong những vướng mắc hiện nay liên quan đến thương vụ F-16 là sự phản đối của thượng nghị sĩ Mỹ Bob Menendez", ông Erdogan nói.

Tháng 9/2023, thượng nghị sĩ Menendez bị truy tố về tội tham nhũng và bị cáo buộc cung cấp thông tin nhạy cảm cho chính phủ Ai Cập. Ông Menendez đã từ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhưng từ chối từ chức thượng nghị sĩ và phủ nhận mọi cáo buộc chống lại mình.

Việc ông Menendez không còn giữ chức vụ lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ là một lợi thế cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vấn đề F-16 không chỉ phụ thuộc vào ông ấy, ông Erdogan nói thêm.

Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022, cùng thời điềm với Phần Lan. Trong khi Phần Lan đã được kết nạp thì Thụy Điển vẫn chưa biết bao giờ có thể gia nhập NATO.

Tháng 6/2023, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ ký bản ghi nhớ trong đó Thụy Điển cam kết không ủng hộ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) hoặc mạng lưới của giáo sĩ Fethullah Gulen ở tại Mỹ. Thụy Điển cũng đồng ý "giải quyết các yêu cầu trục xuất hoặc dẫn độ đang chờ xử lý của Thổ Nhĩ Kỳ". Thổ Nhĩ Kỳ sau đó gửi yêu cầu về việc dẫn độ 21 nghi can khủng bố nhưng Thụy Điển đến nay vẫn chưa có động thái thực hiện.

Nhật Minh - RT

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN