Trước khi rời Nhà Trắng, ông Biden vẫn có làm nhiều điều để giúp Ukraine (ảnh: Kyiv Independent)
Theo Kyiv Independent, giai đoạn chuyển giao quyền lực vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với ông Biden. Một Tổng thống sắp mãn nhiệm không phải chịu nhiều trách nhiệm và giải trình về các quyết định của mình.
Jessica Berlin, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), cho rằng, trước khi rời Nhà Trắng, ông Biden có thể làm nhiều điều để hỗ trợ Ukraine – ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông.
“Bất cứ thứ gì có thể chuyến đến Ukraine cần được chuyển đi ngay bây giờ”, bà Jessica nói.
Tịch thu tài sản của Nga
“Hãy lấy tiền của Nga và hành động ngay bây giờ”, Aaron Gasch Burnett – chuyên gia tại Sáng kiến Chiến lược Dân chủ Berlin – nói với Kyiv Independent.
Số tiền mà ông Burnett nhắc đến là khoảng 300 tỷ USD tài sản ở nước ngoài của Nga, chủ yếu bị phong tỏa trong các ngân hàng châu Âu.
Tháng 10 năm nay, các nước thuộc nhóm G7 đã nhất trí cho Ukraine vay khoảng 50 tỷ USD. Khoản nợ này được thanh toán bằng tiền lãi thu được từ khoảng 300 tỷ USD bị phong tỏa của Nga.
Theo ông Burentt, những gì ông Biden có thể làm là tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga ở Mỹ và trực tiếp gửi cho Ukraine. Ước tính có khoảng 5 tỷ USD tài sản của Nga bị “đóng băng” ở Mỹ.
“Biden có thể làm điều đó ngay ngày mai nếu ông ấy muốn”, ông Burentt nói.
Một số đồng minh của Mỹ ở châu Âu, như Pháp và Đức, đã phản đối chuyển trực tiếp tài sản của Nga cho Ukraine – điều mà ông Burentt cho là do lo sợ “đòn trả đũa và trừng phạt” từ Moscow.
Lô hàng viện trợ quân sự của Mỹ gửi Ukraine (ảnh: CNN)
Đẩy nhanh viện trợ quân sự
Hôm 7/11, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ cam kết gửi thêm cho Ukraine 6 tỷ USD viện trợ quân sự trước khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ông Biden có thể thúc đẩy điều này, theo Kyiv Independent.
Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc – bà Sabrina Singh – cho biết, Ukraine sẽ nhận được 4 tỷ USD theo Quyền rút vốn của tổng thống (PDA) và 2 tỷ USD từ Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI).
Theo dữ liệu của Ngoại giao Mỹ công bố hôm 21/10, từ cuối tháng 2/2022, Mỹ đã gửi cho Ukraine hơn 64,1 tỷ USD viện trợ quân sự.
“Mở khóa” vũ khí tầm xa
Từ đầu tháng 8, chính quyền của Tổng thống Ukraine đã nhiều lần đề nghị Mỹ cho phép gửi dụng các loại vũ khí tầm xa viện trợ, như tên lửa ATACMS, để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Ông Biden chưa bao giờ đồng ý đề nghị này.
Hôm 8/11, ông Zelensky nhấn mạnh rằng Ukraine có thể nhắm mục tiêu vào “mọi căn cứ” trong lãnh thổ Nga, nếu phương Tây “mở khóa” vũ khí tầm xa.
“Tôi nghĩ chính quyền của ông Biden nên dỡ bỏ những phản đối của họ”, Kurt Volker, người từng là đặc phái viên của Mỹ trong các cuộc đàm phán với Ukraine giai đoạn 2017 – 2019, nói.
“Hãy để Ukraine tự do sử dụng vũ khí được cung cấp. Điều này có thể được thực hiện trong thầm lặng, không cần đưa ra một thông báo lớn”, ông Volker nói.
Theo ông Volker, nếu ông Biden “bật đèn xanh”, gần như chắc chắn các nước châu Âu như Anh, Pháp sẽ làm theo.
Ông Trump từng cam kết chấm dứt xung đột Nga – Ukraine “trong vòng 24 giờ” (ảnh: CNN)
Tư cách thành viên NATO
Mặc dù tư cách thành viên ngay lập tức cho Ukraine gần như là không thể, nhưng ông Biden có thể thúc đẩy để biến nó thành sự thực, theo Kyiv Independent.
Kiev đã nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 9/2022. Đến tháng 7/2024, NATO tuyên bố con đường gia nhập khối của Ukraine là “không thể đảo ngược”.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa nhận được lời mời gia nhập từ NATO và chưa có lộ trình để nước này gia nhập khối.
Theo Kyiv Independent, ông Biden có thể đưa ra những tuyên bố để thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO, trước khi ông rời Nhà Trắng.
Tuy nhiên, điều này phải rất thận trọng, ông Volker nhận xét.
“Về tư cách thành viên NATO (cho Ukraine), chúng ta phải rất, rất cẩn trọng. Bạn có thể không nhận được sự ủng hộ của các đồng minh nếu đưa vấn đề đó ra quá sớm”, ông Volker nói.