Bê bối lộ dữ liệu người dùng, ông chủ Facebook bị kiện 8 tỷ USD

Một phiên tòa lịch sử trị giá 8 tỷ USD đã chính thức bắt đầu nhằm vào Mark Zuckerberg và loạt lãnh đạo cấp cao, cũ và hiện tại của Meta (công ty mẹ Facebook). Các cổ đông cáo buộc họ đã vi phạm thỏa thuận với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), khiến dữ liệu người dùng bị khai thác trái phép trong vụ bê bối Cambridge Analytica năm 2018.

Phiên tòa không có bồi thẩm đoàn tại Tòa án Chancery Delaware, bắt đầu từ ngày thứ Tư, tập trung vào cáo buộc các lãnh đạo Meta, đứng đầu là Mark Zuckerberg, đã vi phạm thỏa thuận bảo vệ dữ liệu cá nhân được ký với FTC từ năm 2012.

Các cổ đông cho rằng Meta, dưới sự lãnh đạo của Zuckerberg và một loạt nhân vật cao cấp như Sheryl Sandberg (cựu COO), Marc Andreessen, Peter Thiel, và Reed Hastings đã không giám sát hiệu quả việc tuân thủ thỏa thuận này.

Kết quả là hàng triệu dữ liệu người dùng Facebook đã bị khai thác trái phép bởi công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica, đơn vị từng làm việc cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Donald Trump.

Sau vụ việc, FTC đã phạt Facebook 5 tỷ USD – khoản phạt lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực bảo vệ quyền riêng tư cá nhân. Các cổ đông hiện muốn các cá nhân liên quan bồi hoàn số tiền này cùng các chi phí pháp lý, tổng cộng hơn 8 tỷ USD.

Một loạt gương mặt nổi bật sẽ xuất hiện tại tòa với tư cách nhân chứng. Đáng chú ý nhất là ông Jeffrey Zients – Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Joe Biden, từng giữ ghế hội đồng quản trị Meta trong hai năm từ 2018.

Mark Zuckerberg – CEO Meta, cũng sẽ trực tiếp ra điều trần, cùng với các “tỷ phú quyền lực” khác như Sheryl Sandberg, nhà đầu tư Marc Andreessen, đồng sáng lập Palantir Peter Thiel và nhà sáng lập Netflix Reed Hastings.

Tất cả các bị đơn đều bác bỏ cáo buộc. Luật sư đại diện của họ cho rằng Facebook đã thuê bên tư vấn độc lập để giám sát việc tuân thủ quy định của FTC, và chính Facebook cũng là nạn nhân bị Cambridge Analytica lừa dối.

Ngoài cáo buộc vi phạm thỏa thuận bảo vệ quyền riêng tư, Zuckerberg còn bị tố đã tranh thủ bán cổ phiếu Facebook trước khi thông tin bê bối Cambridge Analytica bị công bố, thu về ít nhất 1 tỷ USD.

Mark Zuckerberg

Các nguyên đơn cho rằng ông đã biết trước giá cổ phiếu sẽ lao dốc khi bê bối nổ ra, nên cố tình "thoát hàng".

Phía Zuckerberg phản bác, nói rằng ông đã sử dụng một kế hoạch giao dịch cổ phiếu tự động (pre-scheduled trading plan), không cho phép ông kiểm soát thời điểm bán ra – cơ chế được thiết kế để tránh giao dịch nội gián.

Đây là một trong những điểm khó chứng minh nhất trong luật doanh nghiệp của bang Delaware: liệu thành viên hội đồng quản trị có thật sự “phớt lờ trách nhiệm giám sát” hay không.

Mặc dù là trung tâm của bê bối, Meta – công ty mẹ của Facebook – không bị đưa ra tòa với tư cách bị đơn.

Công ty từ chối bình luận, nhưng trên trang web chính thức, Meta khẳng định đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc nâng cao quyền riêng tư người dùng kể từ năm 2019.

Tuy nhiên, nếu tòa án phán quyết rằng các lãnh đạo cấp cao đã vi phạm nghĩa vụ giám sát, dư chấn có thể ảnh hưởng mạnh đến hình ảnh và chiến lược vận hành của Meta, đặc biệt trong bối cảnh công ty này đang hướng tới phát triển Metaverse và AI.