Ông Putin trong cuộc họp báo hôm 19/12 (ảnh: TASS)
Tình hình Syria
Hôm 19/12, ông Putin lần đầu đề cập đến tình hình Syria sau khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị phe đối lập lật đổ (ngày 8/12).
Ông Putin nhấn mạnh, sự kiện này không phải là một “thất bại” của Nga. Năm 2015, quân đội Nga được triển khai tới Syria nhằm ngăn chặn các nhóm khủng bố bành trướng ở quốc gia này.
“Ai đó muốn mô tả những gì đang diễn ra ở Syria là một thất bại của Nga. Tôi đảm bảo với các bạn, điều đó không đúng. Cách đây 10 năm trước, quân đội Nga được triển khai tới Syria nhằm ngăn quốc gia này trở thành một vùng đất của những kẻ khủng bố”, ông Putin nói.
“Nhìn chung, chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh. Ngay cả phe đối lập ở Syria cũng có sự thay đổi. Không phải vô cớ mà hiện tại, Mỹ và nhiều nước châu Âu muốn thiết lập quan hệ với họ (phe đối lập ở Syria). Nếu họ là các tổ chức khủng bố, tại sao phương Tây lại làm điều đó?”, ông Putin nói.
Trong cuộc họp báo, ông Putin đánh giá tình hình Syria hiện tại “rất phức tạp” và Nga vẫn duy trì một căn cứ không quân và một căn cứ hải quân ở quốc gia Trung Đông. Các căn cứ này được sử dụng để chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Syria.
Ông Putin cho biết, Nga vẫn duy trì liên lạc với tất cả phe phái ở Syria và tương lai các căn cứ quân sự của Nga tại Syria phụ thuộc vào mối quan hệ với ban lãnh đạo mới tại Damascus.
Về Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ông Putin cho biết, ông al-Assad được cấp quyền tị nạn tại Nga.
“Tôi muốn nói thẳng rằng tôi chưa gặp Tổng thống al-Assad kể từ khi ông ấy đến Moscow, nhưng tôi dự định sẽ gặp. Tôi chắc chắn sẽ nói chuyện với ông ấy”, ông Putin nói.
Ông Putin thách phương Tây “đấu” tên lửa (ảnh: RT)
“Đấu tay đôi” tên lửa
Trong cuộc họp báo hôm 19/12, Tổng thống Nga Putin thách thức phương Tây thử sức mạnh của tên lửa siêu thanh Oreshnik (Nga) bằng một “cuộc đấu tay đôi”.
Theo ông Putin, Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ không thể đánh chặn tên lửa Oreshnik mà Nga phát triển. Ông Putin đánh giá, THAAD có thể so sánh với hệ thống phòng không S-400 của Nga, nhưng kém hơn về một số khía cạnh.
“Nếu họ cho rằng Oreshnik có thể bị bắn hạ, tôi đề xuất một thử nghiệm. Hãy chọn một mục tiêu ở Kiev, tập trung toàn bộ hệ thống phòng không (phương Tây) ở đó. Và chúng tôi sẽ bắn một quả Oreshnik. Hãy chờ xem kết quả. Chúng tôi sẵn sàng cho một thử nghiệm như vậy, nhưng họ có dám không?”, ông Putin nói.
Theo ông Putin, kết quả của một “cuộc đấu tay đôi” như vậy rất đáng chú ý trong bối cảnh phương Tây, dẫn đầu mởi Mỹ đã viện trợ nhiều hệ thống phòng không khác nhau cho Ukraine.
Khi được hỏi về lý do tên lửa mới được đặt tên là Oreshnik, Putin nói rằng ông cũng không rõ nguyên nhân.