Người đàn ông ngày nào cũng uống trà để qua đêm, đi khám khiến bác sĩ sốc

Người đàn ông gây sốc với bí quyết uống trà qua đêm, nhưng sự thật đằng sau lại khiến ai nấy bàng hoàng.

Theo thông tin từ trang Sohu, một người đàn ông trung niên đã thu hút sự chú ý của người dân trên đường phố Quảng Châu, Trung Quốc. Ông cầm theo một chiếc bình giữ nhiệt lớn, trên đó ghi dòng chữ "trà để qua đêm". Khi phóng viên tìm hiểu, người đàn ông này tự giới thiệu mình là "Ông Trà", tên thật là Lâm Đại Phúc, chủ một cửa hàng trà nổi tiếng tại địa phương. Với niềm tự hào, ông chia sẻ bí quyết dưỡng sinh của mình: "Uống trà để qua đêm mỗi ngày, đảm bảo cơ thể khỏe mạnh!".

Trước thông tin gây chú ý, xung quanh có nhiều phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn đều bối rối trước câu hỏi: Liệu trà qua đêm có thực sự mang lại tác dụng kỳ diệu như lời Lâm Đại Phúc khẳng định? Cơ thể của ông có thật sự khỏe mạnh như những gì ông đã tuyên bố?

Người đàn ông thích uống trà để qua đêm

Được biết, Lâm Đại Phúc lớn lên trong một gia đình kinh doanh trà, ông sớm có niềm đam mê lớn với văn hoá trà. Tuy nhiên, với tư cách là thế hệ kế thừa, ông không hoàn toàn hài lòng với những phương thức kinh doanh truyền thống. Luôn tìm kiếm những ý tưởng mới để thu hút khách hàng, cách đây nửa năm, ông tình cờ nghe nói về lợi ích sức khỏe của trà qua đêm và đã rất phấn khích với thông tin này.

Ông Lâm có thói quen uống trà để qua đêm.

Ngay lập tức, ông đã khởi động "kế hoạch dưỡng sinh bằng trà để qua đêm". Mỗi ngày, ông pha một ấm trà lớn, và phần trà không uống hết sẽ được để dành cho ngày hôm sau. Ban đầu, ông cảm thấy vị của trà qua đêm hơi lạ, nhưng với suy nghĩ về những lợi ích sức khỏe tiềm năng, ông quyết định kiên trì. Sau một thời gian, ông nhận thấy cơ thể mình có sự thay đổi tích cực. Ông cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn và ăn ngon miệng hơn. Những trải nghiệm này càng củng cố niềm tin của ông vào tác dụng kỳ diệu của trà qua đêm.

Lâm Đại Phúc đã bắt đầu quảng bá mạnh mẽ "phương pháp dưỡng sinh bằng trà qua đêm" tại cửa hàng trà của mình. Đặc biệt, ông đã cho ra mắt "bộ sản phẩm trà qua đêm", nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người. Khái niệm "trà qua đêm" của ông đã lan rộng trong cộng đồng, khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ, trong khi một số khác bắt đầu áp dụng phương pháp này.

Đáng chú ý, một chương trình sức khỏe địa phương đã mời ông tham gia để chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ đó, danh tiếng của Lâm Đại Phúc ngày càng được nâng cao, kéo theo lượng khách đến cửa hàng trà của ông cũng tăng lên đáng kể.

Sự thật về sức khoẻ được tiết lộ

Trong khi Lâm Đại Phúc đang hân hoan với phát hiện của mình, một cuộc khám sức khỏe định kỳ đã làm tan vỡ giấc mơ của ông. Kết quả khám cho thấy nhiều chỉ số sức khỏe của ông không bình thường. 

Bác sĩ Trương (người khám sức khỏe cho Lâm Đại Phúc) hỏi kỹ về thói quen sinh hoạt hằng ngày của ông. Khi nghe nói ông uống trà qua đêm với số lượng lớn mỗi ngày, bác sĩ giật mình suýt làm rơi bệnh án. Bác sĩ Trương nói rằng, thói quen uống trà như vậy rất không tốt cho sức khỏe, thậm chí có thể gây hại nghiêm trọng.

Lâm Đại Phúc tỏ ra bàng hoàng, không hiểu tại sao "bí quyết dưỡng sinh" mà mình tự hào lại bị bác sĩ phủ nhận như vậy. Bác sĩ Trương kiên nhẫn giải thích rằng, lá trà khi pha sẽ trải qua một loạt các phản ứng hóa học. Trà mới pha chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe như polyphenol, amino acid, vitamin. Tuy nhiên, những chất này không ổn định trong nước trà và sẽ dần bị phân hủy hoặc oxy hóa theo thời gian.

Bác sĩ Trương đưa cho Lâm Đại Phúc một nghiên cứu trên tạp chí "Trung Hoa Y học Phòng ngừa" để chứng minh sự thay đổi của các chất có hại trong trà qua đêm.

Nghiên cứu mới đây cho thấy, sau 12 giờ để ở nhiệt độ phòng, hàm lượng nitrit trong nước trà tăng đáng kể. Nitrit có thể chuyển hóa thành nitrosamine, một chất gây ung thư trong cơ thể. Bên cạnh đó, lượng vi khuẩn trong trà cũng gia tăng nhanh chóng sau một đêm.

Một nghiên cứu trên tạp chí "Thực phẩm và Vệ sinh An toàn Thực phẩm Trung Quốc" cho thấy, sau 24 giờ ở nhiệt độ phòng, số lượng vi khuẩn trong nước trà có thể tăng gấp hàng trăm hoặc hàng nghìn lần so với lúc mới pha. Những vi khuẩn này không chỉ ảnh hưởng đến vị của trà mà còn có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa.

Nghe xong lời giải thích của bác sĩ, Lâm Đại Phúc từ bối rối chuyển sang sốc.

Trong nửa năm qua, ông đã trải qua nhiều hiện tượng bất thường mà giờ đây mới bắt đầu nhận ra. Mặc dù cảm thấy tràn đầy năng lượng, ông lại thường xuyên bị tim đập nhanh và mất ngủ. Dù ăn ngon miệng hơn, ông cũng không ít lần gặp phải cơn đau bụng không rõ nguyên nhân. Sau khi xem xét lại, ông nhận ra rằng những triệu chứng này có thể liên quan đến việc uống quá nhiều trà vào ban đêm.

Bác sĩ Trương nhận thấy sự lo lắng của Lâm Đại Phúc và đã an ủi rằng, việc phát hiện ra vấn đề sức khỏe hiện tại vẫn chưa muộn. Bác sĩ khuyến nghị ông nên điều chỉnh thói quen uống trà để cải thiện sức khỏe. Cụ thể, bác sĩ khuyên mỗi lần pha trà, ông chỉ nên pha một lượng vừa đủ để sử dụng, nếu không uống hết thì nên đổ bỏ, không để qua ngày hôm sau.

Thay đổi thói quen uống trà

Quay lại cửa hàng trà, Lâm Đại Phúc ngừng bán "bộ sản phẩm trà qua đêm" và dán thông báo trong cửa hàng để giải thích tác hại của trà qua đêm cho khách hàng. Sự trung thực và trách nhiệm của ông đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của khách hàng.

Để tìm hiểu cách uống trà đúng cách, Lâm Đại Phúc đã nghiên cứu nhiều bài báo khoa học và các nghiên cứu liên quan. Ông nhận thấy rằng, trà tươi mới pha mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một bài tổng quan trên tạp chí "Trà Trung Quốc" cho biết, việc uống trà tươi với mức độ vừa phải có thể giúp phòng ngừa bệnh tim mạch, cải thiện chức năng nhận thức và tăng cường hệ miễn dịch.

Lâm Đại Phúc còn học cách pha các loại trà khác nhau với nhiệt độ và thời gian phù hợp. Ông phát hiện ra rằng trà xanh nên pha ở nhiệt độ 70-80 độ C để giữ nguyên các chất dinh dưỡng, còn trà Phổ Nhĩ có thể pha bằng nước sôi để phát huy hết hương vị đặc trưng.

6 tháng sau, Lâm Đại Phúc đi khám sức khỏe lần nữa. Kết quả cho thấy các chỉ số của ông đã trở lại bình thường. Bác sĩ Trương nhìn kết quả và hài lòng nói: "Có vẻ như anh đã biết cách uống trà đúng cách rồi".

Cuối cùng, bác sĩ Trương khuyến cáo rằng trà ngon nhất là trà tươi mới pha. Việc thưởng thức trà tươi một cách vừa phải không chỉ mang lại hương vị thơm ngon mà còn có lợi cho sức khỏe. Ngược lại, trà để qua đêm rất có hại cho sức khoẻ.

Phương Hằng (Theo Sohu)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN