Đây là nơi Apple sản xuất sản phẩm của mình và đòn thuế khủng của ông Trump tác động ra sao?

Dưới áp lực từ chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam đang đứng trước những biến động lớn. Với mức thuế cao lên đến 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, Apple có thể gặp khó khăn trong việc duy trì giá thành sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.

Apple bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của Mỹ

Ngày 2/4 theo giờ Mỹ, Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế mới áp dụng cho hơn 180 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Các mức thuế này được gọi là “thuế đối ứng” (reciprocal tariff), nhằm mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Cụ thể, Trung Quốc phải chịu thuế 34%, cộng với mức thuế sẵn có 20%, nâng tổng thuế lên 54%. Việt Nam chịu mức thuế 46%, trong khi Ấn Độ bị áp thuế 26%. Điều này khiến các sản phẩm do Apple sản xuất tại những quốc gia này trở nên đắt đỏ hơn khi nhập khẩu vào Mỹ.

Ngay sau thông báo thuế mới của ông Trump, cổ phiếu Apple giảm hơn 9% trong ngày 3/4 theo giờ Mỹ, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Con số này lớn hơn mức giảm 6% của Nasdaq, cho thấy Apple đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các công ty công nghệ khác.

Với mức giảm này, vốn hóa thị trường của Apple bốc hơi hơn 300 tỷ USD. Đây là cú sốc lớn đối với một trong những công ty công nghệ giá trị nhất thế giới.

Dù Apple chưa đưa ra bình luận chính thức, nhưng các chuyên gia nhận định thuế quan mới có thể làm gián đoạn chiến lược mở rộng sản xuất của hãng tại các nước ngoài Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất chính của Apple. Khoảng 90% iPhone và 80% iPad trên thế giới được lắp ráp tại Trung Quốc bởi đối tác Foxconn. Ngoài ra, 55% sản phẩm Mac cũng được sản xuất tại nước này.

Dù Apple từng cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc từ năm 2017 đến 2020, nhưng theo báo cáo của Bernstein, số lượng nhà máy của hãng tại đây lại tăng lên trong những năm gần đây. Hiện tại, khoảng 40% nhà cung cấp linh kiện của Apple vẫn nằm tại Trung Quốc.

iPhone 16 của Apple tại Apple Store trên phố Regent ở London vào ngày 20 tháng 9 năm 2024.

Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò gì trong chuỗi cung ứng của Apple?

Nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Apple đã đầu tư mạnh vào Ấn Độ và Việt Nam trong những năm gần đây.

Tại Ấn Độ, Apple đặt mục tiêu sản xuất 25% tổng lượng iPhone toàn cầu. Theo các nhà phân tích của Bernstein, đến cuối năm 2025, Ấn Độ có thể đạt mức 15-20% tổng sản lượng iPhone. Hiện tại, khoảng 10-15% iPhone được lắp ráp tại quốc gia này.

Trong khi đó, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất quan trọng cho các sản phẩm khác của Apple. Khoảng 20% iPad và 90% các thiết bị đeo như Apple Watch đang được lắp ráp tại Việt Nam. Sự phát triển này giúp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple.

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam, Apple cũng mở rộng sản xuất tại Malaysia và Thái Lan. Malaysia hiện là trung tâm sản xuất Mac đang phát triển, nhưng nước này cũng bị áp thuế 25%. Trong khi đó, Thái Lan chịu thuế 36% và đang là nơi sản xuất một phần dòng Mac.

Apple còn mua linh kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ, sau đó vận chuyển đến các nước lắp ráp như Trung Quốc hoặc Việt Nam. Đặc biệt, Apple vừa công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất máy chủ AI tại Texas (Mỹ). Tuy nhiên, hiện nay Apple chỉ có một dây chuyền sản xuất quy mô lớn tại Mỹ, đó là Mac Pro tại Texas.

Apple có thể chuyển sản xuất về Mỹ như ông Trump mong muốn không?

Ông Trump tuyên bố rằng thuế quan mới nhằm đưa sản xuất về Mỹ và đã nhắc đến Apple trong bài phát biểu của mình. Ông khẳng định: "Họ sẽ phải xây dựng nhà máy ở đây."

Tuy nhiên, Apple từ lâu đã phản đối việc sản xuất hàng loạt tại Mỹ do chi phí cao. Cố CEO Steve Jobs từng nói với cựu Tổng thống Barack Obama rằng "những công việc đó sẽ không quay trở lại Mỹ." Hiện tại, công ty có một số dây chuyền sản xuất nhỏ tại Texas, nhưng phần lớn sản phẩm vẫn được lắp ráp ở châu Á.

Theo ước tính của Wedbush Securities, nếu Apple muốn chuyển chỉ 10% chuỗi cung ứng về Mỹ, sẽ mất khoảng 3 năm và tốn ít nhất 30 tỷ USD, đồng thời gây gián đoạn lớn trong hoạt động sản xuất.

Triển vọng nào cho Apple trong thời gian tới?

Các nhà phân tích cho rằng thuế quan có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận và doanh thu của Apple. Công ty đang đứng trước lựa chọn khó khăn: tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận.

Một số chuyên gia trước đây từng dự báo Apple có thể giảm nhẹ tác động thuế quan bằng cách sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, khi các cơ sở tại Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác cũng bị đánh thuế, chiến lược này không còn hiệu quả.

Hiện Apple vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về cách đối phó với tình hình này, nhưng các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao để đánh giá tác động đến kết quả kinh doanh của công ty.

Ngọc Linh (Theo CNBC)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN