
Thuế đối ứng mà chính quyền ông Trump công bố thực chất nhắm vào thặng dư thương mại của các quốc gia.
Theo CNN, hôm 2/4, ông Trump đã công bố áp thuế đối ứng gần như “cả thế giới”, khẳng định đây là biện pháp biện pháp “có đi có lại” – nghĩa là Mỹ áp mức thuế tương đương với những gì các nước đang đánh thuế đối với hàng hóa Mỹ, bao gồm cả các rào cản phi thuế như thuế giá trị gia tăng và các quy định khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy cách tính của chính quyền ông Trump không “có đi có lại” như tuyên bố, CNN đưa tin.
Một công thức đơn giản đến bất ngờ
Việc áp thuế tương xứng với từng quốc gia đòi hỏi phải phân tích kỹ biểu thuế của mỗi nước, đối chiếu với hàng loạt mặt hàng khác nhau – mỗi loại đều có mức thuế và quy định riêng biệt. Đây là một quá trình cực kỳ phức tạp.
Chính quyền ông Trump công bố công thức thoạt nhìn tưởng chừng như phức tạp nhưng thức tế phương pháp tính lại đơn giản đến bất ngờ. Đơn giản chỉ là lấy thâm hụt thương mại của Mỹ với một quốc gia, chia cho kim ngạch xuất khẩu của nước đó sang Mỹ, rồi nhân với 1/2. Và đó chính là mức thuế được áp dụng.
Cách tính này lần đầu tiên được nhà báo James Surowiecki đăng tải trên mạng xã hội X và sau đó được một số chuyên gia Phố Wall xác nhận. Chính quyền ông Trump cũng đã lên tiếng thừa nhận đây là công thức thực tế được sử dụng.

Công thức tưởng chừng phức tạp nhưng do ε = 4 và φ = 0.25 nên cuối cùng vẫn chỉ là lấy giá thâm hụt thương mại của Mỹ với một quốc gia, chia cho kim ngạch xuất khẩu của nước đó sang Mỹ, rồi nhân với 1/2.
Chẳng hạn, trong năm 2024, Mỹ bị thâm hụt thương mại 295,4 tỷ USD với Trung Quốc, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 439,9 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ tương đương 67% tổng giá trị hàng hóa nước này xuất khẩu sang Mỹ – và con số này đã được chính quyền ông Trump coi như là “thuế mà Trung Quốc đang đánh vào Mỹ”. Kết quả là Trung Quốc bị áp thêm mức thuế 34%.
Thực tế thì hoàn toàn không phải vậy, theo CNN.
Đây không phải thuế đối ứng, mà là nhắm vào thặng dư
“Dù các biện pháp thuế mới được mô tả là thuế đối ứng nhưng thực chất, chính sách này chỉ đơn thuần nhắm vào các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ”, ông Mike O’Rourke, chiến lược gia trưởng tại công ty Jones Trading ở Mỹ, nhận định trong một thông báo gửi nhà đầu tư hôm 2/4.
“Không có yếu tố thuế quan nào được sử dụng trong cách tính này. Chính quyền ông Trump rõ ràng đang tập trung vào những quốc gia có thặng dư thương mại lớn so với lượng hàng hóa họ nhập từ Mỹ”, ông nói thêm.
Hệ lụy lớn với các chuỗi cung ứng toàn cầu
Cách tính đơn giản này có thể gây tác động sâu rộng đến các quốc gia mà Mỹ đang phụ thuộc nhiều về nguồn hàng – và cả những tập đoàn toàn cầu cung cấp các sản phẩm đó.
“Việc hiểu rõ cách tính này cho thấy rằng mức thuế sẽ đặc biệt khắc nghiệt đối với các quốc gia đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ,” ông O’Rourke cảnh báo. “Những mức thuế này có thể tác động lớn tới lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia”.