
Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Ảnh: AFP.
Ả Rập Saudi nâng cao vị thế
Hôm 17/2, một quan chức Ả Rập Saudi tiết lộ với CNN rằng Riyadh không chỉ đóng vai trò chủ nhà mà còn mong muốn tham gia tích cực vào quá trình hòa giải. Dẫn đầu phái đoàn Ả Rập Saudi là Cố vấn An ninh Quốc gia của nước này. Nhưng không rõ phái đoàn có trực tiếp tham gia cuộc họp Nga – Mỹ hay không.
Đây được xem là một chiến thắng ngoại giao mới của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Người lãnh đạo không chính thức của vương quốc đang theo đuổi sứ mệnh thay đổi quốc gia giàu dầu mỏ thành một cường quốc quyền lực mềm với tầm ảnh hưởng toàn cầu.
“Không có nơi nào khác mà lãnh đạo lại có mối quan hệ cá nhân tốt như vậy với cả ông Trump và ông Putin”, nhà bình luận chính trị Ả Rập Saudi Ali Shihabi nhận xét. “Đây là một sự kiện danh giá, giúp nâng cao vị thế của Saudi trong khu vực và trên thế giới”.
Động thái này phản ánh sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Riyadh. Trong những năm gần đây, Ả Rập Saudi đã dần điều chỉnh lập trường theo hướng trung lập trong các cuộc xung đột toàn cầu để thu hút đầu tư phục vụ “Tầm nhìn 2030” – kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Thái tử Salman đã chủ động rút Ả Rập Saudi khỏi cuộc chiến ở Yemen, hàn gắn quan hệ với Iran, duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga, đồng thời vẫn giữ vững quan hệ với phương Tây.
Mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Mỹ
Không chỉ tổ chức các sự kiện thể thao và văn hóa tầm cỡ như quyền anh quốc tế hay lễ hội âm nhạc điện tử, Ả Rập Saudi còn tích cực thể hiện vai trò là một bên hòa giải toàn cầu thông qua các hội nghị viện trợ và hòa bình.
Vào tháng 8/2023, Riyadh tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Ukraine với sự tham gia của hơn 40 quốc gia (dù Nga không có mặt). Trước đó, vào tháng 2 cùng năm, nước này cam kết viện trợ 400 triệu USD cho Ukraine.
Thái tử Salman có mối quan hệ thân thiết với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – người từng bày tỏ ủng hộ trong thời gian Thái tử vấp phải sự cô lập quốc tế sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị các đặc vụ Saudi sát hại.
Năm 2017, ông Trump đã phá vỡ tiền lệ khi chọn Ả Rập Saudi làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Ngay cả sau khi rời Nhà Trắng, Riyadh vẫn duy trì quan hệ thương mại với ông Trump, đầu tư 2 tỷ USD vào công ty của Jared Kushner – con rể Trump, và công bố kế hoạch xây dựng tòa tháp Trump tại vương quốc này.
Mặt khác, Thái tử Salman cũng có quan hệ nồng ấm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau vụ Khashoggi, ông Putin không hề cô lập Thái tử Saudi. Còn Riyadh còn phớt lờ áp lực từ phương Tây nhằm cô lập Moscow sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Thái tử Salman chủ trương hợp tác chặt chẽ với Điện Kremlin trong vấn đề kiểm soát nguồn cung dầu mỏ toàn cầu.

Đích thân quốc vương Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud đón tiếp ông Trump ở Riyadh vào năm 2017. Ảnh: Reuters.
Năm 2023, ông Putin thăm Ả Rập Saudi và đã mời nước này gia nhập BRICS – khối các quốc gia muốn giảm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ. Nhờ chính sách cân bằng giữa hai cường quốc đối đầu, Thái tử Salman đã đạt được những kết quả ngoại giao quan trọng, theo CNN.
Mới đây, Thái tử được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giáo viên người Mỹ Mark Fogel được Nga phóng thích, theo nhận xét của Steve Witkoff – đặc phái viên Trung Đông của Trump. Ả Rập Saudi cùng với UAE cũng đã thành công trong việc đóng vai trò trung gian cho một số cuộc trao đổi tù binh giữa Ukraine và Nga.
Hôm 17/2, ông Witkoff cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz và Ngoại trưởng Marco Rubio đã có cuộc họp với Thái tử Salman tại Riyadh. Một ngày sau đó, phái đoàn Mỹ sẽ gặp phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Nga Sergey Lavro dẫn đầu cùng trợ lý của Tổng thống Nga Putin, Yury Ushakov và Giám đốc Quỹ đầu tư Nga Kirill Dmitriev.
Điểm đáng chú ý là cuộc đàm phán Nga – Mỹ ngày 18/2 không có sự tham dự của Ukraine. Nhưng ông Zelensky cũng sẽ tới Ả Rập Saudi vào ngày 19/2 để ký kết thỏa thuận kinh tế song phương.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã họp tại Paris để tìm kiếm giải pháp khi Nga – Mỹ thúc đẩy đàm phán. Việc bị loại khỏi các cuộc thảo luận trực tiếp có thể là một tín hiệu cho thấy vai trò an ninh của châu Âu không còn được Mỹ ưu tiên như trước.
Tầm nhìn ở Dải Gaza
Về lâu dài, Riyadh có thể tận dụng vị thế đang lên để tác động đến một vấn đề khu vực cấp bách. Đó là tương lai của Dải Gaza, theo CNN.

Thái tử Salman trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz trước thềm cuộc gặp Nga – Mỹ hôm 18/2. Ảnh: Reuters.
Đầu tháng này, ông Trump đã đưa ra đề xuất gây tranh cãi về việc Mỹ tiếp quản Dải Gaza và di dời hơn 2 triệu cư dân Gaza sang các nước láng giềng. Kế hoạch bao gồm việc tái phát triển Gaza thành một khu nghỉ dưỡng cao cấp theo phong cách “Riviera”.
Các quốc gia Ả Rập đã nhanh chóng bác bỏ ý tưởng này. Cuối tuần này, Ả Rập Saudi sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về một đề xuất thay thế trước khi trình lên ông Trump.
“Bằng cách giúp thúc đẩy mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine của ông Trump, Ả Rập Saudi có vị thế thuận lợi để gây dựng thiện chí với Washington. Vương quốc này có thể tận dụng ảnh hưởng đang gia tăng với chính quyền Trump để thu hẹp khoảng cách giữa Mỹ và thế giới Ả Rập về vấn đề Gaza”, Hasan Alhasan, chuyên gia cấp cao về chính sách Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Bahrain, nhận định.
Bốn năm tới có thể chứng kiến Thái tử Salman đặt cược vào mối quan hệ thân thiết với ông Trump. Tuy nhiên, Thái tử cũng sẽ đối mặt với những thách thức lớn khi cố gắng cân bằng lợi ích khu vực với các đề nghị khó đoán của ông Trump.
Ông Trump cũng mong muốn Ả Rập Saudi bình thường hóa quan hệ với Israel. Nhưng với sự phẫn nộ ngày càng tăng ở Trung Đông về chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza, Thái tử Salman không thể đi ngược lại lập trường chính trị cốt lõi của vương quốc. Đó là ủng hộ quyền lợi của người Palestine.
“Đạt được hòa bình lâu dài và công bằng là điều không thể nếu người Palestine không giành được các quyền lợi chính đáng của họ”, chính phủ Ả Rập Saudi đưa ra tuyên bố gần đây, nhấn mạnh lập trường phản đối kế hoạch của ông Trump, theo CNN.