Doanh nhân Việt lên tiếng vụ giàn khoan trái phép Trung Quốc

(Kiến Thức) - Trước việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khai thác trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam, giới doanh nhân Việt Nam đã bức xúc lên tiếng.

TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hiện là Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Á nhận định: Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 khai thác trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, cả thế giới đang lên án việc này. Trước những hành động hung hăng ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc, nhân dân Việt Nam phải cùng chung sức, chung lòng phản đối Trung Quốc đến cùng.
Về phía doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, trong trường hợp này cần phải thật thận trọng và tin tưởng vào những chính sách của Nhà nước. Ngân hàng Đông Á sẵn sàng góp một phần vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ Quốc bằng những hành động như: quyên góp ủng hộ các chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc hoặc động viên tinh thần các chiến sĩ bằng những chương trình thiết thực.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
 Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Trao đổi với Kiến Thức, ông Nguyễn Tuấn Linh - Phó giám đốc chi nhánh Ba Đình của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng cho biết: Hành động ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào khai thác trái phép trên vùng biển chủ quyền của nước ta thật đáng lên án. Là người dân Việt Nam, chúng ta cần lên án mạnh mẽ hành vi này. Doanh nhân Việt Nam cũng cần chung tay, góp sức để bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trong buổi làm việc ngày 12/5 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM và các ngân hàng thương mại trên địa bàn, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội cảnh báo, tình hình biển Đông hiện nay chắc chắn sẽ tác động tiêu cực và đặc biệt vấn đề này rất quan trọng với hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, ảnh hưởng thế nào thì theo ông Ngân còn tùy thuộc vào chính sách kinh tế của Nhà nước, tùy thuộc vào việc giải quyết sự cố này. Còn hiện tại, các ngân hàng tạm thời chưa bị tác động. Mặc dù vậy, ông Ngân cho rằng các ngân hàng cần lường trước các rủi ro, đừng để rủi ro xảy ra mới đề phòng.
Được biết, ngày 12/5, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ủng hộ 1 tỷ đồng cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đây là số tiền do cán bộ công nhân viên của Vinamilk tình nguyện đóng góp 1 ngày lương.
Theo Chủ tịch công đoàn của Vinamilk thì đây là những tình cảm thiết thực và kịp thời của cán bộ công nhân viên công ty gửi tới các chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng ngày, Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng) cũng có thông báo kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tẩy chay hàng hóa Trung Quốc để phản đối việc hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển Việt Nam.
Trong thông báo này, ông Lê Anh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu kêu gọi các doanh nghiệp chấm dứt các hợp đồng, giao dịch đã, đang hoặc sắp quan hệ mua bán hợp tác với Trung Quốc. Theo ông Lê Anh, trong một vài ngày tới, Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu sẽ đến thăm, tặng quà động viên, hỗ trợ Chi đội Kiểm ngư 3 thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng II (đóng tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) những ngày qua đã ngoan cường ngăn chặn các hành vi trái phép của Trung Quốc trên vùng biển Hoàng Sa.
Trước đó, ngày 10/5, tại đại hội thành lập Hội doanh nghiệp quận Hải Châu, Ban chấp hành Hội đưa ra lời kêu gọi nhấn mạnh việc lên án hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam và các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Những hành vi ngang ngược đó đi ngược lại xu thế hòa bình của thời đại, vi phạm nghiêm trọng công ước quốc tế về luật biển.
Trong khi đó, theo nhiều công ty du lịch có khai thác tour du lịch Trung Quốc tại TP HCM, số lượng khách bỏ tour đến nước này ngày càng tăng. Một trong những lý do nhiều du khách đưa ra đó là họ không muốn du lịch sang Trung Quốc vào thời điểm này.
Trong ngày 11/5, theo đại diện một số hãng hàng không có đường bay từ TP HCM sang các thành phố của Trung Quốc, mấy ngày qua liên tục liên tục có hiện tượng chuyến bay sang Trung Quốc nào cũng có một số khách bỏ chỗ, không ra sân bay làm thủ tục.

“Soi” ông chủ giàn khoan TQ trái phép

(Kiến Thức) - Tổng công ty dầu khí Hải Dương (CNOOC) đang sở hữu giàn khoan trái phép 981 là một trong những công ty dầu khí hàng đầu Trung Quốc.

Được thành lập năm 1982, CNOOC là một trong 116 doanh nghiệp nhà nước (SOEs) thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc (SASAC).
 Được thành lập năm 1982, CNOOC là một trong 116 doanh nghiệp nhà nước (SOEs) thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc (SASAC).

Du khách Việt đua nhau hủy tour du lịch Trung Quốc

Có rất nhiều khách du lịch đã hủy tour đến Trung Quốc để thể hiện sự phản đối hành vi gây hấn này của Trung Quốc.

Một số công ty du lịch cho biết, sau những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông, số du khách Việt đặt tour đi Trung Quốc giảm đi đáng kể, nhiều người hủy tour, chấp nhận mất tiền đặt cọc.

Ngay sau sự kiện Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có rất nhiều khách du lịch đã hủy tour đến Trung Quốc để thể hiện sự phản đối hành vi gây hấn này của Trung Quốc.

Theo một số công ty du lịch có tổ chức tour đi Trung Quốc cho khách thì số lượng khách du lịch Việt Nam gọi điện đến để đặt tour đi Trung Quốc bị giảm đi đáng kể, thậm chí có công ty còn không có khách hàng nào đặt tour du lịch đến Trung Quốc. Bên cạnh đó, có một số khách hàng đã đặt trước cũng gọi điện đến để hủy tour, lý do họ đưa ra là không muốn đến Trung Quốc vào thời điểm hiện nay.

Lượng khách Việt Nam đặt tour đi du lịch Trung Quốc đang giảm đi đáng kể.
Lượng khách Việt Nam đặt tour đi du lịch Trung Quốc đang giảm đi đáng kể.
Theo Giám đốc của một công ty du lịch lớn có trụ sở tại phố Quang Trung – Hà Nội, ngay sau khi Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam gây phẫn nộ trong dư luận, lượng khách du lịch gọi điện đến công ty anh để đặt tour sang Trung Quốc bị giảm đi đáng kể.

Vị doanh nhân này cho biết, thông thường trong một tháng, công ty có tổ chức cho khoảng 6-7 đoàn khách đi du lịch Trung Quốc, nhưng nay lượng khách đã bị giảm đi quá nửa. Không những vậy, trong vài ngày qua, số khách đã đặt tour cũng gọi điện đến công ty xin hủy tour khá nhiều. "Điều này cũng gây ra không ít ảnh hưởng cho công ty. Bởi mỗi khi tổ chức một tour du lịch cho khách hàng, công ty đều phải đặt cọc trước tiền vé, tiền du lịch, nếu khách hủy tour thì công ty sẽ mất đi toàn bộ khoản tiền đặt cọc đó, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế", vị doanh nhân cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hương – Phụ trách tour Du lịch quốc tế của Công ty Cổ phần Đầu tư mở Du lịch Việt Nam (trụ sở tại Lê Đức Thọ - Hà Nội) cũng cho biết: “Ngay sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, số lượng khách gọi đến công ty đặt tour đi Trung Quốc là hầu như không có. Thậm chí, có những khách đặt trước tour đi Hồng Kông – Quảng Châu – Thâm Quyến thì họ chỉ đi Hồng Kông rồi quay trở về Việt Nam luôn chứ không qua Trung Quốc nữa”.

“Bên cạnh đó, trước hành vi của Trung Quốc, công ty chúng tôi cũng hạn chế tất cả những quảng cáo về các tour du lịch đến Trung Quốc nên số khách đặt tour tới đây bị giảm đi đáng kể, thậm chí lâu nay, không có bất cứ khách nào gọi đến đặt tour” – chị Hương cho biết thêm.

Được biết, các đối tác bên phía Trung Quốc cũng có chủ động hạ giá cung cấp dịch vụ cho các đoàn khách Việt Nam, hỗ trợ công ty du lịch Việt Nam quảng bá để thu hút du khách Việt nhưng với tình hình hiện tại, số lượng khách Việt Nam đăng ký tour vẫn giảm đi đáng kể.

Anh Lương Quốc Thiện (Dịch Vọng, Cầu Giấy – Hà Nội) là người vừa hủy tour du lịch đến Trung Quốc cho biết: “Tháng trước tôi có đặt tour đi Trung Quốc cho 2 vợ chồng bởi vợ tôi vẫn ao ước được đến thăm Vạn lý trường thành, thế nhưng sau khi theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi đều cảm thấy vô cùng phẫn nộ trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc, vì thế mà cũng không còn muốn đặt chân đến đây du lịch nữa nên tôi quyết định hủy tour. Dù có bị mất tiền đặt cọc nhưng tôi cũng không muốn đến đây du lịch trong thời điểm như thế này”.