Chứng khoán Vietcap (VCSC) vừa có chia sẻ thông tin liên quan đến cuộc gặp gỡ nhà đầu tư ngày 28/10 của CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC, HoSE: SCS).
Theo đó, nội dung trao đổi liên quan đến tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt năm 2024 dự kiến ít nhất 70% và đấu thầu Nhà ga hàng hóa số 1 của Sân bay Quốc tế Long Thành (LTA) trong tháng 11/2024.
Triển vọng quý 4/2024 và năm 2025
SCS cho rằng sản lượng hàng hóa quý 4/2024 sẽ mạnh hơn so với quý 3, được thúc đẩy bởi (1) nhu cầu cao theo mùa và (2) giá cước vận tải đường biển tăng và thời gian vận chuyển dài hơn do căng thẳng Biển Đỏ, dẫn đến vận tải hàng không trở nên hấp dẫn hơn so với vận tải đường biển.
Sản lượng hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng khoảng 10-15% so với giai đoạn bình thường do căng thẳng Biển Đỏ.
Sản lượng năm 2025 dự kiến sẽ tăng khoảng 6-8%, với khả năng khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài đến hết năm 2025, theo SCS.
Với lợi nhuận mạnh trong năm 2024, SCS dự định chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ thấp nhất là 70% (khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu), tương đương lợi suất cổ tức tối thiểu là 9,4% theo giá thị trường hiện tại.
Kỳ vọng Nhà ga hàng hóa số 1 của LTA (LTA-C1) ghi nhận lợi nhuận trong quý 1-2/2017
SCS dự kiến mở thầu dự án Nhà ga hàng hoá số 1 của LTA vào tháng 11/2024. Xây dựng sẽ bắt đầu từ quý 1/2025 và kéo dài 12-18 tháng, sau đó cần thêm 3-6 tháng để nhận giấy phép hoạt động, và thêm 2 tháng để các hãng hàng không thực hiện quy trình kiểm tra.
Do đó, SCS kỳ vọng nhà ga mới sẽ đi vào hoạt động và ghi nhận lợi nhuận trong quý 1-2/2027.
ACV sẽ đầu tư 100% vào nhà ga mới, tương ứng SCS sẽ không nắm cổ phần nào trong dự án này.
Về phương án vận hành, có 3 kịch bản khả thi: ACV vận hành độc lập. ACV thành lập liên doanh với các công ty có kinh nghiệm như ACSV hoặc SCS, hoặc một số công ty khác. Và cuối cùng là ACV cấp nhượng quyền cho SCS để vận hành nhà ga.
Với kịch bản 1, SCS kỳ vọng sẽ đóng vai trò là nhà tư vấn cho ACV trong 1-2 năm đầu sau khi nhà ga LTA đi vào hoạt động, cung cấp đào tạo tất cả các nhân viên vận hành nhà ga, mặc dù gần đây ACV đã kí hợp đồng đào tạo với sân bay Incheon của Hàn Quốc, vì hợp đồng này chỉ đươc giới hạn cho một số nhân viên nhất định (không phải toàn bộ).
Tại kịch bản 2, SCS đánh giá khả năng ACV hợp tác với ACSV là ở mức thấp. Trong 3 tháng qua, SCS, không phải ACSV - đã làm việc chặt chẽ với ACV để tư vấn cho nhà ga mới và nhận được phản hồi tích cực từ ACV.
Còn kịch bản 3, SCS sẽ phải trả phí nhượng quyền cho ACV (theo quy định) và phí sử dụng cơ sở hạ tầng từ lợi nhuận hoạt động để đảm bảo ACV thu hồi vốn và có lãi.
Kịch bản kém khả quan nhất, nếu ACV hoàn toàn kiểm soát vận hành mà không có sự tham gia của SCS, SCS sẽ: (1) Ưu tiên dịch vụ trên các tuyến trong nước. (2) Tiếp tục phục vụ mảng quốc tế trong năm 2027/28, vì SCS kỳ vọng việc chuyển dần từ sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) sang LTA sẽ giúp giảm thiểu tác động về sản lượng trong 1-2 năm đầu. (3) Tái cơ cấu mảng hàng hóa hàng không thành 1 trung tâm phân phối/logistics tại TP.HCM từ năm 2029 trở đi (không có thêm chi tiết nào được chia sẻ).
SCS kỳ vọng LTA-C1 sẽ đạt công suất tối đa vào năm 2031/2032.
Được biết, thị phần hiện tại tại sân bay Tân Sơn Nhất của SCS là 48-49%.