Ông Nguyễn Đức Tài: Người Việt để dành nhiều tiền mặt nên tương lai doanh nghiệp khó khăn hơn nhiều

Khó khăn còn trước mắt, MWG có thể M&A các đơn vị phụ trợ
Trong talkshow “Giữa dòng sóng dữ” tối ngày 18/5, ông Nguyễn Đức Tài – chủ tịch HĐQT Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) cho biết dịch Covid-19 có tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, lúc cao điểm phải đóng đến 600 cửa hàng.
Trong bối cảnh đó, MWG đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó với từng cấp độ tác động. Công ty không chủ trương kích cầu mà chỉ tập trung vào kiểm soát chi phí (nhân công, mặt bằng, marketing…), đồng thời cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online với các chính sách tốt hơn.
Công ty cũng tìm hướng đi mới như ra mắt dịch vụ đi chợ thay khách hàng khi nhận thấy nhu cầu lớn xuất hiện. Ông Tài cho biết có đội ngũ IT lành nghề nên chỉ mất 10 ngày để hoàn thiện hệ thống, trong khi nhiều đối thủ phải mất đến 1 năm.
Về thị trường, người đứng đầu MWG nhận thấy tổng cầu sẽ sụt giảm thời gian tới và hiệu ứng domino sẽ xảy ra. Với văn hóa “để dành nhiều tiền mặt”, kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động sau cùng, do đó hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa thực sự ngấm đòn Covid-19. Ông lấy ví dụ nếu không xuất khẩu được đến cuối năm thì nhiều người lao động sẽ mất việc, từ đó không có tiền mua điện thoại, quá trình này sẽ diễn ra rất chậm.
“Ngồi đây nhìn thấy kết quả tháng 5 ngon lành sẽ đạt 9.000-10.000 tỷ đồng mà nghĩ tương lai vẫn như vậy là sai lầm. Phải chuẩn bị cho tương lai khó khăn hơn rất nhiều, trong đó phải cắt giảm mạnh các chi phí kinh doanh thay vì mở rộng. Nếu giai đoạn này mà đi giành giật thì trường thì các đơn vị nhỏ chết trước, Thế Giới Di Động sẽ chết sau”, ông Tài nói về viễn cảnh trước mắt.
Trước những khó khăn đó, Chủ tịch MWG cho rằng đây là thời điểm M&A (mua bán sáp nhập) tốt nhất. Tuy nhiên sau bàn bạc nội bộ, công ty nhận định không có ý định M&A đối thủ cạnh tranh mà chỉ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các ngành nghề phụ trợ.
Ong Nguyen Duc Tai: Nguoi Viet de danh nhieu tien mat nen tuong lai doanh nghiep kho khan hon nhieu
Chủ tịch MWG đề cập khả năng M&A các công ty kho vận và vận tải. 
“Nếu bây giờ tìm được một công ty kho vận hoặc vận tải ngon lành thì MWG có thể đầu tư thêm vào đó. Đồng tiền đầu tư bây giờ sẽ là nguồn lực quan trọng đối với nhiều đơn vị để họ có thể sống sót và MWG có thêm lựa chọn vận tải hàng hóa đi hàng ngàn shop trong tương lai”, ông Tài chia sẻ cách M&A.
Ông nói thêm việc đầu tư vào các doanh nghiệp vận tải giống như “hà hơi tiếp sức” để giúp họ có thể tồn tại và có thêm khách hàng lớn với hơn 3.000 cửa hàng. Ngược lại việc đầu tư vào các mảng phụ trợ cũng là “xương sống” giúp tập đoàn phát triển.
Chiến lược phát triển bền vững
Nói về kịch bản phục hồi sau đại dịch, Chủ tịch MWG cho rằng doanh nghiệp nên tìm kiếm mọi cơ hội để phát triển, không nên có chỗ cho sự lãng phí và kém hiệu quả thì mới có thể vượt qua những bất lợi hiện nay. Trong giai đoạn khó khăn mới bộc lộ những cách thức kinh doanh mà bình thường không thể làm.
Người đứng đầu MWG cho rằng doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì cái cốt lõi là chữ “đức” trong kinh doanh, giúp doanh nghiệp xây dựng những thứ “thật” thì sẽ tồn tại và phát triển. Cái gì “ảo” thì có thể phất lên nhanh nhưng cũng ra đi nhanh.
Nói về sản phẩm cốt lõi, ông Tài cho rằng nên tập trung vào một số ngành kinh doanh chủ lực với tiêu chí "nhất nghệ tinh nhất thân vinh". Thế Giới Di Động chỉ muốn làm “học sinh giỏi toán chứ không phải học sinh giỏi toàn diện”.
Trong vấn đề nhân sự, lãnh đạo MWG khẳng không sa thải nhân viên và giữ lại toàn bộ lực lượng vì biết rằng dịch bệnh sẽ có thời điểm kết thúc, không kéo dài. “Công ty cần nguồn lực đó và đã bảo toàn 100% lực lượng, điều này giúp cho các hoạt động tháng 5 trở lại bình thường với doanh thu dự kiến 9.000-10.000 tỷ đồng”, ông nói.
Trong chính sách lương thưởng, đợt dịch Covid-19 vừa qua là lần thứ 2 doanh nghiệp bán lẻ này quyết định giảm lương tập thể. Tuy nhiên, ông Tài cho biết việc giảm lương chủ yếu ở bộ phần lãnh đạo cấp cao, trong khi nhân viên dưới 3 triệu đồng/tháng còn được tăng lương. Khi thuận lợi, MWG đã có những chính sách tốt và khi khó khăn đã được người lao động đồng cam cộng khổ.
“Ngay khi nhận thấy tình hình kinh doanh không quá tệ như dự báo, ngay đầu tháng 5 công ty đã quyết định dừng lại mọi chính sách giảm lương trước đó”, ông nói thêm.
Theo Huy Lê/NĐH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN