Ông Nguyễn Đức Tài có 'hoảng loạn' với cái bắt tay của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang?

Hai ông lớn nội địa VinCommerce (sở hữu Vinmart và Vinmart+) và Bách Hoá Xanh đang hăng hái trên đường đua thì Vinmart lại có thêm tiềm lực khi hợp tác cùng Masan - “ông vua” hàng tiêu dùng ở Việt Nam.
Trong khi nhiều chuỗi bán lẻ ngoại rút lui khỏi thị trường Việt Nam và một số chuỗi như Circle K, Family Mart,… tăng trưởng chững lại thì hai chuỗi chuỗi bán lẻ của Việt Nam là VinCommerce và Bách Hoá Xanh đua nhau mở rộng thị phần khẳng định vị thế của chủ nhà.
Liên tục mở rộng điểm bán
Ra thị trường từ cuối năm 2014, nhiều cửa hàng Vinmart và Vinmart+ liên tục được mở rộng. Hiện nay, VinCommerce đang quản lý 115 siêu thị Vinmart cùng gần 2.500 cửa hàng Vinmart+, trở thành chuỗi cửa hàng tiện lợi có độ phủ rộng nhất tại Việt Nam.
Những cửa hàng có diện tích 150-300 m2 được đặt tại vị trí mặt tiền hoặc tầng dưới các chung cư và cao ốc, thuận tiện cho nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Để đạt được số lượng cửa hàng lớn như vậy, đại gia này đã không ngừng mở rộng địa điểm kinh doanh thông qua xây mới hoặc thu mua. Số cửa hàng mở mới trong giai đoạn 2018-2019 hơn gấp 3 lần giai đoạn 2017-2018.
Ra đời sau một năm, tốc độ mở rộng điểm bán của Bách hóa Xanh - chuỗi siêu thị của Thế Giới Di Động do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch HĐQT cũng không thua kém.
Cuối tháng 2 năm 2017, Bách Hoá Xanh mới chỉ có 47 cửa hàng thì một năm sau, con số này đã tăng 6 lần, lên 283.
Mặc dù số cửa hàng mở mới trong giai đoạn 2018-2019 chỉ bằng một nửa giai đoạn 2017-2018, nhưng chuỗi Bách Hóa Xanh cũng đã sở hữu 547 cửa hàng tiện lợi.
Chỉ trong 3 tháng gần nhất, 142 cửa hàng đã được mở mới. Trong đó, riêng tháng 5, số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh tại các tỉnh ngoài TP.HCM đã tăng thêm gần 50%. Tính đến 30/11, Bách Hóa Xanh có tổng cộng 941 cửa hàng.
Độ phủ sóng chuỗi VinCommerce rộng khắp còn chuỗi Bách Hóa Xanh đang bị hạn chế
Nếu VinCommerce hướng tới giải pháp mua sắm tiện lợi cho người bận rộn với nhiều sản phẩm chế biến sẵn thì Bách Hóa Xanh lại mang tham vọng lấy khách hàng từ chợ truyền thống thông qua mô hình “thịt tươi, cá lội”.
Với khách hàng mục tiêu là các bà nội trợ, kế hoạch "đi tỉnh" của Bách Hóa Xanh vẫn là dấu hỏi khi mảng cốt lõi của bán lẻ thực phẩm của Bách Hóa Xanh là hàng "tươi", trong khi các tỉnh lẻ như miền Tây chẳng hạn, lại là "vựa hoa quả", việc đi tỉnh của Bách Hóa Xanh vướng lo ngại không khác gì "chở củi về rừng".
Khác với VinCommerce có độ phủ trong cả nước, hiện tại, Bách Hóa Xanh chỉ mới có mặt tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bến Tre.
Ong Nguyen Duc Tai co 'hoang loan' voi cai bat tay cua ty phu Pham Nhat Vuong va Nguyen Dang Quang?
 Bách Hoá Xanh đang trong quá trình hoà vốn.
Bài toán nguồn cung?
Ông Nguyễn Đức Tài thừa nhận chi phí/cửa hàng chưa thể tối ưu vì một vấn đề cực đau đầu của Bách Hóa Xanh là các nhà cung cấp. Quy mô các nhà cung cấp cho Bách Hóa Xanh rất nhỏ lẻ.
"Càng nhiều người sự phức tạp càng tăng lên. Hôm nay vườn đó bạn mua được cam của họ, hôm sau cam thu hoạch hết thì lấy đâu? Sang vườn khác, bạn có đảm bảo loại cam vườn này giống với loại cam mình vừa test? Cực phức tạp. Trong khi với điện thoại, những chiếc điện thoại của cùng một hãng khi ra khỏi nhà máy thì chất lượng như nhau", ông Tài bộc bạch.
Còn với chuỗi VinCommerce, hiện tại đang có phần nào lợi thế hơn so với Bách Hoá Xanh khi được hệ thống nông trại của VinEco bổ sung cho mảng phân bón, thức ăn chăn nuôi và sản xuất thịt mát.
VinEco có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng là công ty nông nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất với sở hữu 15 nông trường trên cả nước, hơn 800 hợp tác xã liên kết. Diện tích sản xuất là 3.000ha.
Sau thương vụ hợp tác, chuỗi VinCommerce lại có thêm Masan MeatLife (công ty con của Masan) phân phối các sản phẩm thịt mát.
Masan MeatLife bắt đầu tiến vào chuỗi giá trị thịt từ năm 2014 với việc nhận chuyển nhượng cổ phần 2 đơn vị thức ăn chăn nuôi là CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc Tế (Anco) và CTCP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc (Proconco).
Với những yếu tố thuận lợi này, chuỗi VinCommerce có thể tối đa hóa lợi nhuận khi tiết giảm loạt chi phí trung gian từ khâu sản xuất đến bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng.
Bách Hoá Xanh đang hoà vốn trong khi VinCommerce còn mập mờ
Kỳ vọng vào chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động chia sẻ tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2019 rằng, chuỗi Bách hóa Xanh sẽ có lãi từ năm 2020. Trước đó, chuỗi bán lẻ này đã đạt điểm hòa vốn tại cửa hàng vào tháng 12/2018 (chưa tính chi phí kho bãi và vận chuyển) và dự kiến đạt điểm hòa vốn (gồm cả cửa hàng và kho bãi) trong năm 2019.
Trong lễ ký hợp tác chiến lược của Bách Hóa Xanh với FrieslandCampina, đơn vị sở hữu thương hiệu Cô Gái Hà Lan, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh cho biết trong 8 tháng 2019, chuỗi Bách Hoá Xanh đạt doanh thu 6.120 tỷ đồng, tăng 158% cùng kỳ và chiếm gần 9% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động.
Ông Doanh cũng tiết lộ sẽ mở mới 1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh trong năm 2020, nâng tổng số lên 2.000 cửa hàng.
Nhiều thông tin cho biết tình hình tài chính của VinCommerce khá tốt với lãi trước thuế và sau thuế trong năm 2018 lần lượt là 8.200 tỷ đồng và 7.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, VinCommerce có lợi nhuận đột biến là do có khoản thu nhập tài chính ròng (đã trừ chi phí) lên đến 12.000 tỷ đồng.
Năm 2019, nhiều khả năng VinCommerce sẽ tiếp tục có thêm khoản thu nhập tài chính lớn đến từ việc chuyển nhượng 51,4 triệu cổ phiếu Vingroup cho SK Group.
Thế nhưng thông tin về mảng hoạt động sản xuất của Vincommerce chưa hề được tiết lộ. Tổng thể, mảng bán lẻ của Vingroup trong 9 tháng 2019 lỗ hơn 3.461 tỷ đồng. Ước tính trong 5 năm triển khai, mảng bán lẻ lỗ gần 17.500 tỷ đồng.
Ong Nguyen Duc Tai co 'hoang loan' voi cai bat tay cua ty phu Pham Nhat Vuong va Nguyen Dang Quang?-Hinh-2
Khi chuyển giao người điều hành, VinCommerce sẽ như thế nào? 
Chuyển giao người quản lý có phải là điểm khó với VinCommerce?
Theo nội dung thoả thuận được công bố trong ngày 3/12, Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động còn Vingroup là cổ đông. Điều này có thể hiểu là việc ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch của Masan sẽ nắm quyền quản lý thay thế ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch của Vingroup.
Liệu rằng ông Quang nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất có thể thích nghi với mảng bán lẻ được hay không, đây là điều thế khó khi quản lý VinCommerce?
Song song đó, để giành quyền chi phối trên thị trường bán lẻ, cuộc chơi cũng khốc liệt và tốn kém không thua gì những lĩnh vực "đốt tiền" như thương mại điện tử. Liệu rằng ông Quang có chịu chơi đầu tư hết mình?
Trong tương lai, không biết tình hình của chuỗi VinCommerce chuyển biến như thế nào nhưng chắc rằng cuộc đua của VinCommerce vẫn còn khá dài.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN