Ngành may mặc vẫn còn lắm khó khăn trong nửa đầu năm 2023

Ngành may trong nửa đầu năm 2023 được nhận định vẫn khó khăn và suy yếu, chỉ có thể phục hồi từ giữa năm nhờ nhu cầu theo mùa và lễ hội.
Trong báo cáo chiến lược năm 2023, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng các bất lợi của ngành dệt may sẽ tiếp diễn trong năm nay bởi triển vọng đơn kém khả quan trong bối cảnh sức tiêu dùng suy yếu từ tác động của lạm phát tại thị trường xuất khẩu trong khi tồn kho của các nhãn hàng đang ở mức cao.
Mỹ (thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may Việt Nam) có mức nhập khẩu hàng may mặc tăng kỷ lục trong tháng 8/2022 do tình trạng tắc nghẽn trong vận chuyển đơn hàng hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến trong khi lượng đặt hàng mới chưa điều chỉnh giảm kịp, từ đó có thể khiến lượng đơn đặt hàng từ thị trường này thu hẹp lại trong nửa đầu 2023.
Nganh may mac van con lam kho khan trong nua dau nam 2023
 Ngành may mặc vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn trong 6 tháng tới.
Theo VDSC, mảng sợi có khả năng duy trì biên lợi nhuận ổn định hơn so với mảng may mặc, do chi phí phát sinh sẽ được chuyển cho khách hàng thông qua giá bán bình quân cao hơn trong khi áp lực cạnh tranh về giá bán đầu ra ít hơn.
"Chúng tôi kỳ vọng lạm phát ở thị trường xuất khẩu sẽ giảm bớt để giúp doanh số bán lẻ dần phục hồi. Các thương hiệu toàn cầu đang tích cực xử lý hàng tồn kho trong 6 tháng năm 2023, từ đó chúng tôi kỳ vọng đơn hàng sẽ tích cực trở lại từ nửa sau 2023", các chuyên gia của VDSC nhận định.
Trong quý 3/2023, đơn hàng sẽ sôi động hơn từ mùa tựu trường cho học sinh ở Mỹ. Tiếp theo là mùa lễ hội trong quý 4/2023 tại các thị trường xuất khẩu.
VDSC cho rằng các FTAs với mức giảm thuế cao hơn vào năm 2023 sẽ giúp xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng (giá trị xuất khẩu trong 10 tháng năm 2022 của Việt Nam tại các thị trường đã ký kết hiệp định EVFTA, UKVFTA, CPTPP, RCEP đều ghi nhận mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ).
Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào trong năm 2023 dự kiến sẽ giảm so với mức của năm 2022, hạ bớt áp lực chi phí nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp sản xuất dệt may.
Tuy nhiên, sức dùng suy yếu hàng dệt may suy yếu, đặc biệt là các thị trường chủ lực. Tiêu hóa hàng tồn kho của thương hiệu nhanh hơn hoặc chậm hơn so với dự kiến sẽ là những rủi ro ngành hàng có thể đối diện.
Hà Thảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN