Báo cáo cập nhật ngành Dầu khí của SSI Research vừa được công bố ngày 27/1 với nhận định giá dầu có thể giảm từ mức đỉnh năm 2022, nhưng nhiều khả năng vẫn ở mức cao.
Kỳ vọng gì cho năm 2023?
Theo SSI Research, giá dầu có thể giảm từ mức đỉnh năm 2022, tuy nhiên sẽ vẫn duy trì ở mức cao.
SSI Research dự báo giá dầu trung bình sẽ dao động trong khoảng 80~90 USD/thùng trong năm 2023. Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng 1,7% trong năm 2023 lên 101,3 triệu thùng /ngày. Theo OPEC, nguồn cung dầu toàn cầu dư thừa 0,2 triệu thùng/ngày trong quý 2 năm 2022 và 1,1 triệu thùng/ngày trong quý 3 năm 2022, thay đổi so với mức thâm hụt 0,3 triệu thùng/ngày trong quý 1 năm 2022.
Yếu tố hỗ trợ giá dầu có thể đến từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc (nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới) cùng với việc nới lỏng tiến độ tăng lãi suất của Fed trong nửa cuối năm tới.
Ngành khoan dầu có thể được hưởng lợi từ nhu cầu khoan tăng lên ở khu vực APAC và Trung Đông, giúp triển vọng tốt hơn cho giá thuê ngày. Nhu cầu chính đến từ các thị trường quốc tế như Indonesia, Malaysia và Trung Đông.
Tại Đông Nam Á, tổng tỷ lệ sử dụng giàn khoan JU trên thị trường đạt 90% vào tháng 8 năm 2022, trong khi giá thuê theo ngày ổn định ở mức khoảng 90 nghìn USD/ngày trong ba tháng qua, với một số hợp đồng ghi nhận mức giá thuê 100 nghìn USD/ngày, theo IHS Markit. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2015 giá thuê ngày ghi nhận mức cao như vậy.
Theo quan điểm của SSI Research, một trong những lý do chính cho diễn biến tích cực như vậy trong ngành khoan xuất phát từ sự thay đổi gần đây trong triển vọng năng lượng toàn cầu.
Trong những năm trước, giá dầu thấp và xu hướng trung hòa carban dẫn đến việc nhiều jhu vực hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydro,...). Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây ở châu Âu do xung đột Nga-Ukraine gây ra đã mang lại triển vọng tích cực hơn cho nhiên liệu hóa thạch.
Trong báo cáo triển vọng dầu của OPEC gần đây nhất, OPEC dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 10 triệu thùng/ngày lên 107 triệu thùng/ngày vào năm 2027, với phần lớn tăng trưởng đến từ các khu vực ngoài OECD.
Do vậy, SSI Research nhận thấy nhu cầu dồi dào đối với giàn khoan tự nâng ở Trung Đông, khi các công ty lớn như Saudi Aramco và ADNOC có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất. Ví dụ, Saudi Aramco dự kiến sẽ tăng gấp đôi đội tàu JU của họ vào năm 2024. Mặt khác, nguồn cung khá eo hẹp với lượng giàn khoan đóng mới chỉ tương đương 5% đội giàn khoan JU hiện tại.
Ngoài ra, hoạt động E&P Việt Nam trong những năm tới có thể được hỗ trợ bởi Luật Dầu khí sửa đổi.
Trong tháng 11/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Dầu khí sửa đổi (có hiệu lực từ tháng 7 năm 2023), bộ luật này được kỳ vọng sẽ tạo khung pháp lý rõ ràng hơn cho các hoạt động dầu khí, bao gồm cả việc đầu tư mới vào các dự án E&P.
Những thay đổi chính bao gồm:
- Chính sách thuế thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư trong các dự án thăm dò.
- Cho phép khai thác các mỏ dầu gần hết tuổi thọ và không còn hiệu quả kinh tế. Điều này cho thấy PVN có thể tiếp tục phát triển và khai thác các mỏ hiện có để khai thác hết lượng dầu còn lại (mà trước đây đã bị bỏ hoang vì lý do kinh tế), dẫn đến nhu cầu lớn hơn cho các hoạt động xây dựng và phát triển.
- Kéo dài thời gian thực hiện dự án và quá trình thăm dò thêm 5 năm.
- Tách biệt vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành nhà quản lý dự án và nhà đầu tư, qua đó rút ngắn quy trình phê duyệt dự án.
Điều này sẽ thu hút thêm đầu tư (đặc biệt là đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực dầu khí Việt Nam, giúp tạo thêm cơ hội cho các công ty thượng nguồn trong dài hạn.
Triển vọng lợi nhuận: Tích cực trên hầu hết các mặt
Năm 2023, tác động tích cực của việc giá dầu tăng cao lên các doanh nghiệp thượng nguồn thường có độ trễ so với các cổ phiếu khác. Ví dụ, PVD có khả năng sẽ bắt đầu có lãi sau khi chịu lỗ vào năm 2022 do giá thuê ngày của giàn khoan tự nâng và hiệu suất sử dụng cao hơn.
Những tên tuổi xây dựng như PVS có thể phải chờ thêm một thời gian nữa để các dự án dầu khí lớn trong nước khởi động. Trong khi đó, SSI Research nhận thấy tín hiệu tích cực từ việc PVS hiện đang tham gia vào thị trường điện gió ngoài khơi đầy tiềm năng, được dự báo sẽ phát triển nhanh chóng trong những năm tới.
Nhìn chung, triển vọng tốt hơn so với cuối năm 2021 khi có các tín hiệu cho thấy thị trường E&P khu vực bận rộn hơn.
Những cổ phiếu tập trung vào trung nguồn như PVT có thể ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ trong năm 2023, nhưng vẫn duy trì triển vọng lợi nhuận ổn định do nhu cầu mạnh mẽ từ các thị trường liên quan.
Mặt khác, GAS và BSR sẽ chứng kiến lợi nhuận giảm do giá dầu bình quân giảm mặc dù sản lượng khí bán cho các nhà máy điện có thể vẫn tăng trưởng trong năm 2023. BSR có thể cũng sẽ có sản lượng tiêu thụ thấp hơn trong năm 2023 do phải đóng cửa nhà máy 50 ngày để bảo dưỡng định kỳ, và nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định hơn.
Những doanh nghiệp hạ nguồn như PLX cũng có thể có một năm bứt phá mạnh mẽ từ mức thấp vào năm 2022 nhờ chuỗi cung ứng và giá dầu ổn định hơn, nhờ đó sẽ tránh được tình trạng trích lập hàng tồn kho như tại một số thời điểm trong năm 2022.
Nhìn chung, đối với các mã cổ phiếu SSI Research đang phân tích, lợi nhuận sau thuế ước tăng 11,2% so với cùng kỳ vào năm 2023, dẫn đầu là PLX, PVD và PVS.
Định giá ngành dầu khí đang ở vùng thấp nhất lịch sử?
Xét về P/E, có sự khác biệt trong định giá các cổ phiếu dầu khí trong năm 2022. Các cổ phiếu đạt lợi nhuận cao nhất vào năm 2022 với dự báo lợi nhuận điều chỉnh mạnh trong năm 2023 như BSR đang giao dịch ở mức thấp hơn mức trung bình lịch sử.
Mặt khác, các cổ phiếu chạm đáy lợi nhuận trong năm 2022 (chẳng hạn như PLX, PVD và PVS) đang giao dịch ở mức cao hơn 20~40% so với giá trị lịch sử. Định giá hiện tại vẫn cao hơn nhiều so với mức thấp lịch sử vào tháng 3 năm 2020 hoặc thậm chí là năm 2012.
Trên cơ sở P/B, SSI Research thấy PVD và PLX đang được định giá ở vùng thấp nhất lịch sử, trong khi PVS ở vùng cao lịch sử.
Năm 2023, PLX và PVD là những lựa chọn hàng đầu của SSI Research khi xét đến khả năng phục hồi lợi nhuận mạnh mẽ vào năm 2023 từ mức đáy vào năm 2022 và triển vọng dài hạn được cải thiện.
Các rủi ro chính cho năm 2023 bao gồm: (1) giá dầu thấp hơn dự báo trong trường hợp suy thoái toàn cầu trầm trọng hơn hoặc kéo dài hơn dự kiến; và (2) sự chậm trễ hơn trong các dự án E&P quan trọng, chẳng hạn như Lô B.