Tại báo cáo soát xét, đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ khá nhiều vấn đề. Thứ nhất, tại ngày 30/6, VEA chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị gần 46 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đẩy đủ bằng chứng thích hợp liên quan đến khoản này.
Thứ hai, VEA cũng chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển là gần 72 tỷ đồng.
Thứ ba, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý với giá trị 466 tỷ đồng (bao gồm chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của nhà máy xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và chi nhánh Bắc Kạn của CTCP Vật tư Thiết Bị Toàn bộ (Matexim) đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung đang tồn đọng, giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang có thể phụ thuộc vào phán quyết của cơ quan có thẩm quyền trong tương lai.
Thêm vào đó, dự án di chuỷen và xây mới nhà máy sản xuất máy kéo nhỏ được HĐQT VEAM phê duyệt ngày 31/7/2024. Thời gian thực hiện từ quý 4/2026 đến quý 1/2023. Tuy nhiên, VEAM chưa hoàn tất các thủ tục gia hạn dự án.
Đơn vị kiểm toán cũng lưu ý đến ngày lập báo cáo tài chính này, các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chính thức quyết toán cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Cơ khí Trần HưnG Đạo chưa ghi nhận giá trị, khoản đầu tư vào Công ty TNHH Liên doanh Đầu tư tài chính Thái Bình Dương với giá trị 40 tỷ đồng do không có đủ cơ sở hồ sơ tài liệu từ các đối tác liên quan.
Cuối cùng, vấn đề tiền thuê đất tại Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM) hiện đang tạm ghi nhận tiền thuê đất của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đồng Nai mà chưa phản ánh các thông báo nộp tiền thuê đất của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai. SVEAM đã gửi các công văn đến cơ quan có thẩm quyền để kiến nghị được tiếp tục áp dụng đơn giá thuê đất ngày 30/12/1995 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên kết quả kiến nghị vẫn chưa được phản hồi.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của VEAM tăng thêm 2.900 tỷ lên 30.040 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền mặt chỉ gần 370 tỷ nhưng tiền gửi ngân hàng tăng 27% lên tới 16.447 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng mạnh lên 6.150 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện VEAM đã giảm 39% khoản mục đầu tư vào liên doanh liên kết, về còn 3.439 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, VEAM ghi nhận doanh thu thuần 1.923 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ. Nhờ hoạt động khác giảm lỗ từ 5,7 tỷ xuống còn 1,5 tỷ nên lãi ròng sau cùng đạt 3.218 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so cùng kỳ.
Phần lớn lợi nhuận của công ty đến từ lãi tiền gửi tiết kiệm và lợi nhuận từ các công ty liên doanh như Honda VN, Toyota VN và Ford VN.
Chứng khoán SSI cho rằng doanh thu quý 3/2024 của VEAM dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi người tiêu dùng tạm hoãn mua xe để chờ chính sách ưu đãi cũng như tâm lý hạn chế mua sản phẩm có giá trị trong tháng 7 Âm lịch.
Tuy nhiên, nhu cầu dồn nén sẽ là động lực thúc đẩy doanh thu trong quý 4/2024. Sau thời gian chờ đợi thông tin về việc giảm lệ phí trước bạ, người tiêu dùng có khả năng sẽ thực hiện mua xe ngay sau tháng 7 Âm lịch. Một số đại lý ô tô cũng đang ưu đãi 100% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất trong nước, giúp người mua không phải chờ đến khi chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực.
Do đó, SSI duy trì dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024 của VEAM lần lượt là 3,8 nghìn tỷ đồng (+0,5% so cùng kỳ) và 6,54 nghìn tỷ đồng (+4,4% so cùng kỳ).
SSI cũng duy trì ước tính năm 2025 về doanh thu thuần và lãi sau thuế hợp nhất của VEAM lần lượt là 3,8 nghìn tỷ đồng (+1% so cùng kỳ) và 6,7 nghìn tỷ đồng (+2% so cùng kỳ), với giả định lãi suất tiền gửi tăng cao hơn và doanh số bán ô tô tiếp tục phục hồi.