FPT đạt doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm, các công ty chứng khoán "gọi tên"

CTCP FPT (HoSE: FPT) cho biết đã chính thức cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài.
Tăng trưởng gấp đôi trong vòng 3 năm, doanh thu 1 tỷ USD dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài của FPT đến chủ yếu từ 3 thị trường trọng điểm là Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương.
Tính đến thời điểm hiện tại, các thị trường này đều tăng trưởng trên 30%. Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng 54%, thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho CNTT lớn tại thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.
Đặc biệt, những năm gần đây, dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài của FPT đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ, với 50% tổng doanh thu từ nước ngoài đến từ dịch vụ chuyển đổi số và tăng gấp gần 6 lần trong vòng 5 năm qua. Trong đó, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số; các công nghệ khác như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA & Lowcode chiếm 10%...
Cũng theo FPT, trong 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài có 21% đến từ các khách hàng trong lĩnh vực công nghệ phần mềm ô tô và sản xuất, 11% đến từ lĩnh vực Tài chính ngân hàng, 11% đến từ năng lượng…. Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần mềm ô tô và sản xuất duy trì mức tăng trưởng trên 30%.
Trong năm 2023, FPT đã thực hiện các thương vụ M&A, hợp tác với các đối tác lớn trong nhiều lĩnh vực và nâng cao năng lực công nghệ trong các lĩnh vực chuyên ngành. Theo đó, FPT đã thực hiện 4 thương vụ M&A và đầu tư vào các công ty công nghệ có tên tuổi tại Mỹ, Pháp như Intertec International, Cardinal Peak, AOSIS, Landing AI. 
Ngoài ra, FPT cũng đã thành lập công ty FPT Automotive với mục tiêu 1 tỷ USD 2030, để chinh phục thị trường công nghiệp phần mềm ô tô có quy mô dự kiến 116,62 tỷ USD năm 2032.
Chi tiêu cho CNTT thế giới được dự báo sẽ đạt 5.100 tỷ USD vào năm 2024, tăng 8% so với năm 2023, trong đó, chi tiêu cho dịch vụ CNTT và phần mềm chiếm 51% và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tương đương 11,6% và 14,1%. Đặc biệt, các khoản đầu tư vào lĩnh vực AI được xem là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu cho CNTT tổng thể.
FPT dat doanh thu 1 ty USD xuat khau phan mem, cac cong ty chung khoan
  
Các công ty chứng khoán liên tục khuyến nghị Mua
Trong một báo cáo phân tích gần đây, Chứng khoán VNDirect dự báo doanh thu dịch vụ CNTT ở nước ngoài của FPT sẽ duy trì mức tăng trưởng CAGR 27% giai đoạn 2024-2025 nhờ thị trường Nhật Bản và APAC.
Trong 9 tháng 2023, doanh thu từ thị trường Nhật Bản tăng 44% so cùng kỳ do Nhật Bản tăng cường chi tiêu cho chuyển đổi kỹ thuật số trong những năm gần đây và các tập đoàn Nhật Bản đang giảm tiếp xúc với các công ty Trung Quốc. FPT được hưởng lợi nhờ lợi thế chi phí thấp cũng như khả năng cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng.
Ngoài ra, chiến lược M&A hỗ trợ tham vọng tăng trưởng dài hạn của FPT. Cụ thể, FPT tiếp tục tập trung vào M&A để mở rộng năng lực tư vấn trên toàn cầu với: 1) đầu tư cổ phần chiến lược tại Landing AI để phát triển ứng dụng thị giác máy tính, đặc biệt trong ngành ô tô 2) mua 100% cổ phần Cardinal Peak, một công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Mỹ với lượng khách hàng lên tới hơn 300 công ty, để tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ kỹ thuật công nghệ tại Bắc Mỹ; và 3) mua 80% cổ phần của AOSIS – công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Pháp có thế mạnh trong các mảng SAP, Dữ liệu, Điện toán đám mây và các giải pháp thông minh dành cho các ngành như hàng không vũ trụ, hàng không và vận tải.
Mảng giáo dục duy trì mức tăng trưởng doanh thu cao trong 9 tháng 2023 của FPT (+53,4% so cùng kỳ, khoảng 10% tổng doanh thu). Giai đoạn 2017-2022, số sinh viên toàn thời gian đã tăng khoảng 5 lần lên 100 nghìn sinh viên. VNDirect tin rằng phân khúc giáo dục sẽ thu hút nhiều sinh viên khi nhu cầu đào tạo về CNTT ngày càng tăng. Ngày 23/9, Đại học FPT ra mắt ngành Bán dẫn và Vi điện tử tuyển sinh đợt đầu tiên vào năm 2024. FPT cũng đề xuất Chính phủ khung đào tạo 30.000-50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030.
Tóm lại theo VNDirect, định giá của FPT hiện thấp hơn so với mức trung bình của các công ty cùng ngành. Mặc dù P/E của FPT đã tăng lên 19,8 lần từ mức 16,8 lần hồi đầu năm nhưng VNDirect cho rằng định giá FPT vẫn hấp dẫn vì công ty có mức tăng trưởng mạnh trong 9 tháng 203 và có thể duy trì mức tăng trưởng vững chắc trong những năm tới. Hơn nữa, mức P/E của FPT thấp hơn nhiều so với trung bình của các công ty cùng ngành trong khu vực là 31,6 lần.
Còn theo Chứng khoán Yuanta, FPT vẫn là cổ phiếu ưa thích hàng đầu của công ty này trong dài hạn. Do đó, Yuanta duy trì khuyến nghị Mua FPT với giá mục tiêu là 120.740 đồng/cổ phiếu. FPT tiếp tục là công ty công nghệ lớn nhất và sinh lời cao nhất tại Việt Nam với ROE duy trì ổn định trên 20% trong 3 năm qua.
Tương tự, Chứng khoán Vietcap cũng có khuyến nghị Mua cho FPT với giá mục tiêu là 125.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 32,5%, bao gồm lợi suất cổ tức là 2,1%, dựa theo giá đóng cửa phiên gần nhất.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN