Đằng sau câu chuyện VNE bị SJE yêu cầu mở thủ tục phá sản

Ngày 5/8, Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (Vneco, HoSE: VNE) công bố thông tin liên quan đến việc bị CTCP Sông Đà 11 (HNX: SJE) có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Cụ thể, VNE và SJE đã ký hợp đồng xây lắp về việc thực hiện gói thầu số 6 Xây lắp đường dây 500kV đấu nối vào Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện quốc gia với giá trị quyết toán hơn 37 tỷ đồng.
VNE đã thanh toán và bù trừ công nợ cho SJE là hơn 30 tỷ đồng, giá trị còn lại chưa thanh toán gần 7 tỷ đồng. Trong đó phần nợ đến hạn là hơn 4,3 tỷ đồng và tiền giữ lại 8% chờ thanh toán là 2,69 tỷ đồng.
Tiền giữ lại chờ quyết toán công trình thì chủ đầu tư sẽ thanh toán sau khi phê duyệt quyết toán. Do VNE chưa thanh toán kịp thời số tiền còn lại, nên SJE đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với VNE.
Vào ngày 3/8, VNE đã nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Về phía VNE, khi công Trần Quang Cần có quyết định của HĐQT về việc thôi làm Tổng giám đốc cho đến nay chưa thực hiện bàn giao hồ sơ và các thủ tục liên quan đến công tác thanh toán, công nợ các nhà thầu và các vấn đề liên quan trong thời gian ông Cần là Tổng Giám đốc điều hành.
Do vậy, HĐQT đã đề nghị Ban kiểm soát và yêu cầu phòng, ban nghiệp vụ phải rà soát từng công trình, dự án đã và đang triển khai, hồ sơ thủ tục có liên quan... nhằm đảo bảo tính minh bạch, khách quan trong điều hành hoạt động kinh doanh, dẫn đến có sự chậm trễ trong việc thanh toán cho các đơn vị.
VNE cho biết, hiện công ty vẫn đang thực hiện thanh toán công nợ cho SJE và sẽ thanh toán dứt điểm trong thời gian tới khi có kết luận rà soát số liệu và công nợ. 
Dang sau cau chuyen VNE bi SJE yeu cau mo thu tuc pha san
 
Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm của VNE, doanh thu thuần suy giảm mạnh 45% so cùng kỳ, về còn 261 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, trong đó nặng nhất là chi phí lãi vay ngồn gần 87 tỷ đồng, VNE tiếp tục lỗ ròng 65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 3,2 tỷ đồng.
Theo giải trình của VNE, một số công trình còn tiếp tục vướng các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc chậm giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị... Vì vậy đã không đẩy nhanh được tiến độ thi công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư, nên tổng doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ năm 2024.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của VNE giảm 9% so đầu năm, về còn 3.415 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt và gửi ngân hàng chỉ còn 42,5 tỷ đồng; Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm nhẹ về 988 tỷ đồng; Hàng tồn kho xấp xỉ đầu kỳ với 582 tỷ đồng...  
Trong cơ cấu nợ phải trả 2.485 tỷ đồng, VNE đang vay nợ tài chính chiếm hơn 1.700 tỷ đồng, xấp xỉ đầu kỳ.  

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN