6 tháng đầu năm, nguồn thu chính của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB) sụt giảm 12% so cùng kỳ, về còn 409 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi cũng đa phần đi xuống như lãi thuần từ hoạt động dịch vụ sụt 12% về vỏn vẹn 17 tỷ đòng; Lãi thuần kinh doanh ngoại hối lao dốc 63% về còn 8,5 tỷ đồng.
Chỉ riêng lãi thuần từ hoạt động khác tăng vọt 129% lên 51 tỷ đồng chủ yếu do ngân hàng tăng cường xử lý nợ xấu, thu các khoản từ nợ đã sử dụng dự phòng.
Trong khi đó chi phí hoạt động lại tăng 10% khi chiếm 291 tỷ đồng. Mặc dù Saigonbank đã cắt giảm tới 66% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 10% so cùng kỳ, về còn gần 133 tỷ đồng.
Tính riêng trong quý 2/2024, thu nhập lãi thuần của Saigonbank vẫn giảm 6% về mức 225 tỷ đồng do lãi suất cho vay giảm. Nhưng nhờ giảm tới 59% dự phòng rủi ro tín dụng còn gần 22 tỷ đồng do giảm dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC, nên lợi nhuận sau thuế vẫn tăng khá 45% lên gần 70 tỷ đồng.
Kỳ này, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Saigonbank tiếp tục âm 1.187 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 25 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền thuần trong kỳ âm 1.212 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Saigonbank tăng nhẹ 3% so với đầu năm, lên mức 32.412 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng nhẹ 2% khi chếm 20.319 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi khách hàng của Saigonbank gần xấp xỉ đầu năm với 23.513 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của Saigonbank tăng 28% so đầu năm, lên mức 518 tỷ đồng. Trong đó nợ có khả năng mất vốn chỉ nhích nhẹ 2% khi chiếm 236 tỷ đồng; Nợ có khả năng mất vốn lại vọt 351% lên tới 162 tỷ đồng; Riêng nợ dưới tiêu chuẩn giảm 12% về còn 119 tỷ đồng.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Saigonbank tăng từ mức 2,03% của đầu năm lên 2,55%.
|
Chất lượng nợ cho vay của Saigonbank |