Báo cáo chiến lược thị trường tuần của Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố với chủ đề hồi phục trong nghi ngờ, dòng tiền bắt đáy?
Chứng khoán toàn cầu chao đảo bởi làn sóng bán tháo cổ phiếu đang cuốn qua thị trường, để lại sau lưng một bầu không khí ảm đạm và đầy lo ngại. Tâm điểm của cơn bão này là những dấu hiệu báo động về sức khỏe nền kinh tế Mỹ và tình hình không mấy sáng sủa của các gã khổng lồ công nghệ. Nhật Bản gánh chịu cú sốc lớn nhất kể từ năm 1987 khi đồng Yên mạnh lên, gần chạm mức cao nhất kể từ tháng 3, tạo ra áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp xuất khẩu - xương sống của nền kinh tế Nhật Bản. Các chỉ số chứng khoán lớn đã bước vào khu vực điều chỉnh như: Nikkei 225 giảm -15% và Nasdaq sụt -10% kể từ đỉnh.
Trước những dấu hiệu suy yếu của nền kinh tế, thị trường việc làm tháng 7 giảm tốc mạnh hơn kỳ vọng và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, thị trường tài chính đang đặt cược vào khả năng Fed sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay hơn. Theo công cụ theo dõi Fed của CME, các trader đang chắc chắn 100% Fed giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9, với 80% khả năng cắt giảm 25 điểm cơ bản và 20% khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản.
Thị trường trong nước mặc dù vá lại đáy tháng 7 bằng phiên ngược dòng chứng khoán thế giới cuối tuần vừa qua nhưng vẫn giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp, chốt tuần, chỉ số này giảm5,51 điểm (-0,44%) còn 1.236,6 điểm. Nhóm VN30 cũng chỉ giảm nhẹ 0,06% nhờ sự hỗ trợ từ nhóm ngân hàng, trong khi Midcap và Smallcap tiếp tục giảm trên 2,5% sang tuần thứ 3 liên tiếp.
Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần vừa qua đạt 18.359 tỷ đồng, tăng 0.7% so với tuần trước đó. Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 7 còn 19.368 tỷ đồng, giảm 26,5% so với tháng 6. Khối ngoại là điểm sáng khi mua ròng 2 phiên liên tiếp cuối tuần vừa qua và thu hẹp áp lực bán ròng còn -449 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm -60.012 tỷ đồng.
Theo MBS, trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh trong vòng 1 tháng trở lại đây, thị trường trong nước cũng xuất hiện một phiên giảm với biên độ lớn và một nhịp thủng đáy quanh 1.220 điểm trước khi ngược dòng thành công ở phiên cuối tuần, được đánh là tín hiệu tích cực ngược dòng chứng khoán thế giới. Nhiều cổ phiếu đã có biên độ hồi phục mạnh, không thể phá vỡ nền tích lũy đang có, bên cạnh đó là thanh khoản rất nhỏ trong nhịp VN-Index thủng đáy là tín hiệu kỹ thuật mạnh cần quan sát.
Nhiều cổ phiếu đã có biên độ hồi phục mạnh, không thể phá vỡ nền tích lũy đang có
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá trong 7 tháng đầu năm 2024: Chỉ số Quản trị Mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đạt 54.7 điểm trong tháng 7, số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7, kéo dài chuỗi tăng trưởng lên tháng thứ tư liên tiếp. Xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại khi nhiều thị trường xuất khẩu lớn dần phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái, nhu cầu hàng hóa tăng khiến cho các đơn hàng quay trở lại với doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023 và IIP tháng 7 tăng 11,2% so với cùng kỳ, cho thấy sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Điểm trừ trong tuần vừa qua là Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh trong vòng 1 tháng trở lại đây, thị trường trong nước cũng xuất hiện một phiên giảm với biên độ lớn và một nhịp thủng đáy quanh 1.220 điểm trước khi ngược dòng thành công ở phiên cuối tuần, được đánh là tín hiệu tích cực ngược dòng chứng khoán thế giới. Nhiều cổ phiếu đã có biên độ hồi phục mạnh, không thể phá vỡ nền tích lũy đang có, bên cạnh đó là thanh khoản rất nhỏ trong nhịp VN-Index thủng đáy là tín hiệu kỹ thuật mạnh cần quan sát.
Về kỹ thuật, hỗ trợ EMA200 một lần nữa lại phát huy tác dụng ở khu vực 1.220 điểm, đây cũng là lần thứ 3 kể từ đáy tháng 4 thị trường có phản ứng tích cực với ngưỡng hỗ trợ này. Chỉ số VN-Index cũng đã lấy lại kênh tăng kể từ đầu năm, do vậy vùng hỗ trợ 1.220 điểm hoặc vùng tâm lý 1.200 điểm của MA200 ngày sẽ đóng vai trò là chốt chặn cho thị trường trong tuần này và sẽ là vùng có lực cầu bắt đáy tham gia mạnh.
MBS khuyến nghị cơ hội đầu tư ở một số nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ như: Bất động sản với Luật đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu đang có sức bật tốt như: Dầu khí, Ngân hàng, Bán lẻ, Hóa chất, thực phẩm, Sản xuất điện, Bất động sản khu công nghiệp, ...
|
VN-Index Retes thành công hỗ trợ EMA200 ở khu vực 1.220 điểm trên nền thanh khoản thấp, mở ra cơ hội tạo đáy |
Triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024
MBS dự đoán chỉ số VN-Index sẽ đạt 1.350 – 1.380 vào cuối năm. Đợt tăng mạnh gần đây đã khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu thị trường đã đạt đỉnh hay chưa. Tuy nhiên, MBS tin rằng nó chưa đạt đến giới hạn. Tính đến ngày 21 tháng 6, VN-Index giao dịch ở mức 14,6 lần P/E 12 tháng, cao hơn 6% so với mức trung bình 3 năm (13,8 lần) và thấp hơn 14% so với mức đỉnh 3 năm (16,7 lần vào quý 4 năm 2021).
Tuy nhiên, sự tăng giá gần đây của các cổ phiếu vốn hóa trung bình (mid-cap) đã đưa định giá VNMID lên 17,1 lần P/E, cao hơn khoảng 17% so với VN-Index. Thậm chí, các cổ phiếu mid-cap hiện đang được giao dịch ở mức P/B tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn (large-cap). Trong khi đó, định giá của các cổ phiếu large-cap (được đại diện bởi VN30 và VNX50) thấp hơn khoảng 11% so với trung bình thị trường. MBS tin rằng định giá của các cổ phiếu large-cap có vẻ hấp dẫn về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm tài chính 2024-2025 so với các nhóm khác.
Nhìn chung, MBS dự đoán VN-Index sẽ đạt 1.350 – 1.380 điểm vào cuối năm, sau khi tăng trưởng lợi nhuận 20% trong năm tài chính 2024 và mục tiêu P/E từ 12 đến 12,5 lần.
MBS tin rằng tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2024 sẽ là tín hiệu tốt cho sự mở rộng hơn nữa của thị trường.
Sau mức tăng trưởng khiêm tốn chỉ 5,3% trong quý 1 năm 2024, MBS dự đoán tổng lợi nhuận thị trường sẽ tăng 9,5% so cùng kỳ trong quý 2 năm 2024, và lần lượt tăng 33,1% và 21,9% trong quý 3 và quý 4 năm 2024. Đối với năm 2024, lợi nhuận thị trường dự kiến sẽ tăng 20% svck từ mức nền thấp của năm 2023. Các động lực chính cho sự cải thiện lợi nhuận của thị trường sẽ đến từ hoạt động kinh doanh vững chắc của các ngân hàng (+20% svck), bán lẻ (+204% svck), vật liệu xây dựng (+56%) và điện (+25% svck).
Đối với năm tài chính 2025, tăng trưởng lợi nhuận thị trường có thể giảm tốc xuống 15%, được hỗ trợ bởi ngân hàng (+23% svck), vật liệu xây dựng (+33% svck), khu công nghiệp (+26% svck) và điện (+28% svck).