Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục biến động theo chiều hướng tiêu cực kể từ đầu tháng 4/2022 trước hàng loạt các thông tin bên ngoài tác động như xung đột Nga-Ukraine, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu tăng cao, các biện pháp cứng rắn nhằm tăng sự minh bạch trên thị trường...
Thị trường chứng khoán khép lại quý 2/2022 với không khí ảm đạm bao trùm gần như tất cả các mã cổ phiếu xuất hiện giao dịch.
Kết phiên giao dịch 30/6/2022, chỉ số VN-Index đứng mức 1.197,60 điểm, giảm đến 19,7% so với thời điểm cuối quý 1, trong khi đó HNX-Index chỉ giảm hơn 3% xuống 277,68 điểm.
Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng có sự đi xuống rõ rệt. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong nửa đầu năm 2022 đạt 25.673 tỷ đồng/phiên, giảm 14,8% so với nửa cuối năm ngoái; trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 15,2% xuống 23.677 tỷ đồng.
Nếu chỉ tính riêng quý 2, giá trị giao dịch bình quân giảm đến 34,2% xuống 20.525 tỷ đồng/phiên; trong đó giá trị khớp lệnh bình quân đạt chỉ 18.654 tỷ đồng/phiên, giảm 35,8%.
Phần lớn lợi nhuận của các công ty chứng khoán không đến từ mảng môi giới và kết quả tự doanh không nhất thiết phải neo theo các chỉ số. Tuy nhiên hầu hết các công ty chứng khoán báo lãi giảm mạnh trong quý vừa qua.
Với Chứng khoán Liên Việt, tự doanh là mảng hoạt động chính của công ty. Khác với nhiều công ty trong ngành, mảng môi giới chứng khoán và cho vay margin không đem lại doanh thu cho đơn vị này.
Thời điểm cuối quý 2, danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của Chứng khoán Liên Việt có giá thị trường là 26,2 tỷ đồng. Việc đánh giá lại danh mục FVTPL giảm hơn 26,2 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến Chứng khoán Liên Việt báo lỗ gần 21 tỷ đồng trong quý 2 trong khi cùng kỳ lãi hơn 2 tỷ đồng.
Giải trình kết quả kinh doanh, đại diện doanh nghiệp cho biết chi phí hoạt động tăng tới 426,2% do giá cổ phiếu trong danh mục giảm khi đánh giá lại cổ phiếu theo giá thị trường là nguyên nhân chính khiến chi phí hoạt động tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu giảm, chi phí lại tăng, điều này làm lợi nhuận Chứng khoán Liên Việt giảm từ mức 1,5 tỷ đồng xuống lỗ 20,8 tỷ đồng. Mức lỗ này nâng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 lên hơn 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 Chứng khoán Liên Việt vẫn lãi 39,5 tỷ đồng.
|
Kết quả kinh doanh CTCK 'buồn' theo thị trường. |
Một doanh nghiệp khác là Chứng khoán Bảo Minh (BMS) báo doanh thu hoạt động giảm 37% về mức hơn 132 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán sụt giảm liên tục và kéo dài trong quý 2 có lẽ đã tác động không nhỏ tới mảng tự doanh của Công ty, thể hiện ở việc lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) trong quý 2 giảm 39% xuống gần 122 tỷ đồng.
Đồng thời, lỗ tài sản tài chính FVTPL tăng gấp 8 lần lên 277 tỷ đồng. Trừ đi chi phí tự doanh, mảng này của Công ty ghi lỗ 160 tỷ đồng.
Cùng kỳ năm trước, hoạt động tự doanh mang lại kết quả tăng trưởng cho doanh thu và lợi nhuận của BMS khi thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực.
Các mảng hoạt động khác đóng góp rất ít vào kết quả của BMS, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt hơn 3 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ. Ngược lại, doanh thu hoạt động tư vấn tài chính đạt hơn 6 tỷ đồng, giảm 12%.
Kết quả quý 2, BMS lỗ sau thuế hơn 133 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng hơn 128 tỷ đồng.
Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng gây bất ngờ công bố kết quả kinh doanh thua lỗ đậm nhất lịch sử hoạt động. Trong quý 2, công ty báo lỗ trước thuế 161 tỷ đồng khi cắt lỗ loạt khoản đầu tư gồm cổ phiếu và trái phiếu.
Theo báo cáo tài chính công bố, tổng doanh thu hoạt động trong quý 2 của TPS là 661,7 tỷ đồng, tăng 131,6 % so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi tiết theo từng mảng hoạt động, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) trong quý 2 chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 279,5 tỷ đồng, tăng 265,1% so với cùng kỳ 2021. Với việc sụt giảm về thanh khoản trên thị trường cổ phiếu, doanh thu mảng môi giới chứng khoán giảm 26,8% xuống 18,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động của TPS tăng đột biến lên 698 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ. Nguyên nhân đến từ việc công ty cắt lỗ loạt danh mục gồm cổ phiếu và trái phiếu dẫn đến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL là 527,9 tỷ đồng trong quý 2.
Kết quả là, Chứng khoán TPS báo lỗ 128,9 tỷ đồng, đây là kết quả kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử của công ty chứng khoán này.
Với công ty chứng khoán quy mô lớn như Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ. Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động VDSC trong kỳ đạt 146 tỷ đồng, giảm 55% so với quý 2/2021. Trong khi chi phí hoạt động ghi nhận 383 tỷ đồng, tăng 239% dẫn đến Công ty lỗ trước thuế gần 268 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu hoạt động của Công ty đạt 439 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021. Chi phí hoạt động gia tăng mạnh, chủ yếu do chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính. Kết quả, Công ty lỗ trước thuế 136 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/6/2022, danh mục VDSC nắm giữ gồm các mã DBC của Dabaco (đang lỗ hơn 64 tỷ đồng), TCB của Techcombank (đang lỗ gần 35 tỷ đồng), CTG của ViettinBank (lỗ hơn 26,5 tỷ đồng)...
Còn Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), 6 tháng đầu năm ghi nhận 621,4 tỷ đồng doanh thu hoạt động và lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 32,2 tỷ đồng. Riêng mảng đầu tư của SHS ghi nhận lỗ 216 tỷ đồng, tương ứng với tỉ suất từ đầu năm là âm 6,8% trên tổng vốn đầu tư trung bình vào tài sản FVTPL là 3.176 tỷ đồng.
Riêng trong trong Q2/2022, SHS ghi nhận mức lỗ 432 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư chủ yếu do chênh lệch đánh giá lại các khoản đầu tư niêm yết hạch toán theo FVTPL.
Không chỉ kinh doanh đi lùi thì cổ phiếu của các công ty chứng khoán cũng giảm mạnh. Vốn hóa thị trường của ngành chứng khoán đã bị thổi bay gần 200.000 tỷ đồng ( khoảng 4,8 tỷ USD) từ đầu năm.
Thậm chí nhóm cổ phiếu chứng khoán có vốn hóa giảm trên 1.000 tỷ đồng là các gương mặt nổi bật như SSI, VND, VCI, SHS còn mất hàng chục nghìn tỷ đồng từ đầu năm.
Tính đến phiên giao dịch ngày 20/7 cổ phiếu VCI còn 39.600 đồng/cp; SSI còn 21.300 đồng/cp; VND còn 19.200 đồng/cp; SHS còn 15.500 đồng/cp…