

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là văn kiện có ý nghĩa chiến lược và lâu dài, thể hiện tầm nhìn xuyên suốt của Đảng trong bối cảnh Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức mới của kỷ nguyên số. Nghị quyết khẳng định rõ, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những đột phá quan trọng hàng đầu, giữ vai trò then chốt, mang tính nền tảng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, chủ động tham gia sâu rộng vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.
Trong toàn bộ nội dung của Nghị quyết, doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm của tiến trình này. Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ: “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực và động lực chính của quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ số – bao gồm những doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, phần mềm, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, nền tảng số, hạ tầng số – chính là lực lượng tiên phong, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết.

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn mở rộng ra khu vực và thế giới. Tập đoàn Viettel hiện có mặt ở hơn 10 quốc gia, cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin với chất lượng cao. FPT, VNPT, CMC, VNG, MISA, Giao Hàng Nhanh hay các nền tảng khởi nghiệp như Base.vn, TopCV, OpenCommerce – đều là những minh chứng rõ nét cho sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp số Việt Nam. Họ không chỉ cung cấp các công cụ công nghệ cho nền kinh tế số mà còn trực tiếp dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực: dịch vụ công, y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thông minh, thương mại điện tử...
Một ví dụ nổi bật là hệ sinh thái số của Viettel, bao gồm các nền tảng như VNEID, VSSID, hệ thống quản lý hồ sơ bệnh án, quản trị doanh nghiệp, an ninh mạng, nền tảng học trực tuyến... đã được triển khai rộng rãi ở các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng phục vụ người dân. FPT, với thế mạnh về chuyển đổi số cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương, đã tư vấn và triển khai nhiều dự án giúp các tỉnh như Quảng Ninh, Bình Định, TP.HCM... từng bước xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. Các doanh nghiệp startup, dù quy mô nhỏ hơn, nhưng lại cực kỳ năng động và sáng tạo, thường xuyên đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ AI, blockchain, dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT) vào thực tiễn.

Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ, thực hiện các nội dung trong Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ như VNPT khẳng định vị thế, thực sự trở thành những trụ cột chính trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam tiến lên tầm cao mới trên bản đồ công nghệ thế giới.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW đã đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện và có những chính sách đột phá để tháo gỡ những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thời gian vừa qua. Tư lệnh Tập đoàn Viettel lấy ví dụ điển hình về cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược…

Liên hệ với Nghị quyết 57-NQ/TW, có thể thấy rõ rằng sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ số chính là điều kiện cần và đủ để thực hiện thành công các mục tiêu lớn. Theo Nghị quyết, đến năm 2030, kinh tế số Việt Nam phải đạt tối thiểu 30% GDP, và đến năm 2045 là 50%. Điều này đòi hỏi sự gia tăng nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng của doanh nghiệp số. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ số. Để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết, con số này cần tăng lên ít nhất 100.000 – 150.000 trong giai đoạn 2030 – 2045, trong đó phải hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp có quy mô toàn cầu, đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp công nghệ số thực sự trở thành “động lực then chốt”, cần có những chính sách nhất quán, mạnh mẽ và kịp thời từ phía Nhà nước.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, để thúc đẩy công nghiệp công nghệ số theo định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW, cần có những chính sách phù hợp. Đặc biệt, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình làm chủ sản xuất và công nghệ là yếu tố then chốt để phát triển ngành công nghiệp hiện đại.
Bà Phan Thị Thanh Ngọc - Giám đốc Tư vấn chuyển đổi số, Công ty Công nghệ thông tin VNPT (Tập đoàn VNPT) - đề xuất 5 nhóm chính sách để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, bao gồm: chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ số "Make in Việt Nam"; chính sách kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ số; xúc tiến, thúc đẩy nhu cầu; thu hút vốn đầu tư FDI; và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.
Có thể nói, Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ định hình một lộ trình chiến lược cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên số mà còn mở ra không gian chính sách rộng lớn và thuận lợi cho sự bứt phá của các doanh nghiệp công nghệ. Để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam nhất thiết phải xây dựng được một đội ngũ doanh nghiệp công nghệ số hùng mạnh, có năng lực đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ lõi và có tầm vóc khu vực, quốc tế. Doanh nghiệp công nghệ không chỉ là động lực, mà còn là biểu tượng của một Việt Nam tự tin bước vào tương lai, làm chủ cuộc cách mạng số, kiến tạo mô hình tăng trưởng mới, bền vững và bao trùm.
