“Dở khóc dở cười” khách cởi đồ chụp ảnh, tắm ở nhà ga Metro
Hàng loạt hành vi thiếu ý thức giữ gìn văn hoá trong lúc sử dụng Metro; thậm chí có người còn cởi đồ chụp ảnh, tắm ở nhà ga…
Ngày 6/1, Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC) cho biết, sau 2 tuần đầu hoạt động thương mại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) số lượng hành khách di chuyển bằng phương tiện này tăng 300% so với kế hoạch đề ra.
Sau 14 ngày vận hành thương mại tuyến Metro số 1, số lượng hành khách di chuyển bằng phương tiện này tăng 300% so với kế hoạch đề ra.
“Hàng trăm ngàn lượt khách đã sử dụng metro hàng ngày, chứng tỏ hệ thống giao thông công cộng mới này đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của cộng đồng”, đại diện HURC cho biết.
Tuy nhiên, theo thông tin từ HURC, bên cạnh những tín hiệu tích cực, đội ngũ vận hành cũng phát hiện nhiều trường hợp còn vi phạm văn hoá metro, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của tất cả hành khách.
Dấu hiệu tích cực hệ thống giao thông công cộng mới này đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của cộng đồng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hành vi thiếu ý thức giữ gìn văn hoá Metro.
Theo đó, có nhiều hành khách vi phạm quy định về cảnh báo an toàn như: đứng chặn cửa chắn ke ga và cửa tàu để chờ người thân lên xuống; thời gian mở và đóng cửa tàu chỉ trong 30 giây, nhưng có hành khách vẫn cố lao ra hoặc lên tàu khi cửa đang đóng; nhiều khách bước qua vạch cảnh báo an toàn khiến nhân viên nhà ga phải can thiệp liên tục…
Ngoài ra còn có nhiều hành khách không thực hiện việc xếp hàng, có trường hợp chen lấn, xô đẩy để nhanh chóng lên, xuống tàu gây nguy cơ mất an toàn; nhiều trường hợp khách mang theo đồ ăn, thức uống vào khu vực nhà ga; có hành khách cố tình mang theo thú cưng trong balo, nhưng lại thả ra khi lên ke ga gây ảnh hưởng đến không gian chung.
“Thậm chí có trường hợp cởi bỏ trang phục, thiếu thuần phong mỹ tục khi chụp ảnh; có khách còn sử dụng nhà vệ sinh như phòng tắm cá nhân, gây ảnh hưởng đến không gian chung”, đại diện lãnh đạo HURC thông tin.
Metro là phương tiện vận chuyển công cộng hiện đại, được người dân hào hứng đón nhận, vì vậy, hành khách cần tuân thủ các quy định, xây dựng và giữ gìn văn hoá metro vì một môi trường giao thông văn minh và an toàn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tuyến đường gần trạm Metro Suối Tiên ngập nặng:
Các lỗi vi phạm bị tước GPLX tới 2 năm theo quy định mới
Các hành vi vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất, lạng lách đánh võng sẽ bị tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Ngoài tăng mức tiền phạt, Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 còn quy định thời gian bị tước giấy phép lái xe (GPLX) lâu nhất do vi phạm luật giao thông là 22-24 tháng.
Trong đó, các hành vi vi phạm luật giao thông giờ đây ngoài việc tăng mức phạt tiền, người vi phạm còn bị trừ điểm và tước GPLX (bằng lái) tùy mức độ vi phạm.
Theo Nghị định 168 quy định thời gian bị tước GPLX lâu nhất do vi phạm luật giao thông là 22-24 tháng đều thuộc những lỗi nghiêm trọng nhất trong hệ thống vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông như nồng độ cồn, ma túy, đua xe, lạng lách đánh võng.
Như điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ...
Ảnh minh hoạ/ VOV
Bên cạnh tước bằng, người lái xe còn bị phạt tiền hoặc tịch thu xe với một số trường hợp. Đối với người lái ôtô vi phạm 4 lỗi trên sẽ bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng. Người lái xe máy vi phạm 4 lỗi trên cũng bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.
Khi bị tước bằng lái, tài xế sẽ không được phép tham gia giao thông trong thời gian này, nếu cố tình vi phạm sẽ bị phạt 2-4 triệu đồng đối với xe máy dưới 125 phân khối, 6-8 triệu đồng đối với xe máy trên 125 phân khối, và 18-20 triệu đồng đối với ôtô.
Cụ thể dưới đây là những lỗi bị tước bằng lái 22-24 tháng:
Đối với ô tô
Lỗi vi phạm
Mức phạt (triệu đồng)
Nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở
30 - 40
Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn
30 - 40
Lái xe mà trong cơ thể có chất ma tuý hoặc chất cấm
30 - 40
Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma tuý hoặc chất cấm
30 - 40
Gây tai nạn giao thông khi lái xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau hoặc dùng chân điều khiển vô-lăng
50 - 70
Tái phạm hành vi lái xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau, dùng chân điều khiển vô-lăng
Tịch thu xe
Đua ô tô trái phép trên đường giao thông
40 - 50
Đối với môtô, xe gắn máy
Hành vi vi phạm
Mức phạt (triệu đồng)
Nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở
8 - 10
Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn
8 - 10
Lái xe mà trong cơ thể có chất ma tuý hoặc chất cấm
8 - 10
Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma tuý hoặc chất cấm
8 - 10
Buông hai tay, dùng chân, ngồi một bên, nằm trên yên, quay người về phía sau, bịt mắt lái xe, chạy bằng 1 bánh (xe 2 bánh) hoặc 2 bánh (xe 3 bánh)
Tịch thu xe
Tái phạm hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng
Tịch thu xe
Đua môtô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp trái phép trên đường giao thông
Bên trong 'trái tim' tuyến metro số 1 trước giờ vận hành thương mại
Những ngày này, các công nhân ở depot Long Bình tất bật làm việc để phục vụ cho việc vận hành thương mại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Depot Long Bình của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiênđược đặt tại phường Long Bình, TP Thủ Đức là trung tâm điều khiển, bảo dưỡng và sửa chữa tàu lớn nhất TPHCM.
Hiện đã có 17 đoàn tàu tập kết về depot Long Bình để kết nối các thiết bị điện. Mỗi đoàn tàu có thể chở 930 khách bao gồm 147 khách ngồi và 783 khách đứng.
Depot Long Bình bao gồm các tòa nhà vận hành, bảo dưỡng, xưởng chính và bãi đỗ tàu có 30 đường (tương đương 30 đoàn tàu loại 6 toa).
Mỗi đường tàu đều có rãnh thoát nước chạy song song.
Anh Mai Văn Chánh (quản lý lái tàu metro số 1) thực hiện công tác kiểm tra khu vực buồng lái. Trước khi điều khiển tàu, người lái phải thực hiện quy trình kiểm tra an toàn. Quy trình này phải mất từ 30 - 40 phút mỗi ngày.
Khi đưa vào vận hành, mỗi ngày con tàu đầu tiên sẽ xuất phát từ depot Long Bình, đến các ga đón khách rồi tiến đến ga Bến Thành. Do đó, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu là hết sức quan trọng.
Cuối ngày, sau thời gian hoạt động, các đoàn tàu metro sẽ về lại depot Long Bình để các nhân viên kỹ thuật kiểm tra, bảo dưỡng.
Phía chủ đầu tư metro số 1 cho biết, khu vực này luôn có hàng trăm công nhân làm việc và có hai tầng bảo vệ chặt chẽ, cùng nhiều camera an ninh để đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu.
Bên trong nhà xưởng với hệ thống khung, cầu trục để lắp đặt các máy móc cần thiết cho việc sửa tàu. Dưới nền nhà xưởng chia thành nhiều đường ray khổ 1,43m cho tàu chạy vào.
Một số đường ray có rãnh sâu khoảng 1,5m để thợ dễ dàng chui xuống sửa chữa. Trên đường ray lắp hệ thống đèn tín hiệu để đảm bảo quy trình an toàn khi sửa chữa, bảo dưỡng tàu.
Gần nhà xưởng là khu rửa tàu hiện đã hoàn thiện đường ray, bộ khung, đường dẫn nước, hệ thống vệ sinh, đèn tín hiệu.
Ở phòng điều độ, 6 nhân viên của kíp trực thứ nhất (tổng 24 nhân sự) bước vào phòng, ngồi trước máy tính để chuẩn bị cho chuyến tàu đầu tiên trong ngày. Đây là điểm kết nối giữa các điểm, tuyến và bộ phận khác trong chuỗi vận hành chung của tuyến metro số 1.
Trong phòng có 5 dãy máy tính cùng các màn hình lớn để cập nhật và theo dõi thông tin điều hành. Mỗi dãy máy có từ 1 đến 2 nhân sự phụ trách các bộ phận như: điều độ thương mại – hành khách, giao thông (chịu trách nhiệm toàn tuyến), điều độ depot (chịu trách nhiệm đưa tàu bảo dưỡng, vệ sinh, hỗ trợ giao thông khi xảy ra sự cố), thiết bị (giám sát tất cả thiết bị trên hệ thống).
Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22/12, tuyến tàu điện này chính thức vận hành thương mại.
Lộ trình Metro số 1 qua 14 ga, đầu tiên là ga Bến Thành và cuối cùng là bến xe Miền Đông mới.
Khẩn trương thực hiện cho vay nhà ở theo Nghị quyết 33
Theo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không phải tính dư nợ cho vay các nhóm thuộc chương trình cho vay nhà ở xã hội vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có công văn số 55/NHNN-TD gửi 9 Ngân hàng thương mại (NHTM) khẩn trương thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP. NHNN sẽ không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng của ngân hàng đó.
9 NHTM gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; NHTMCP Ngoại thương Việt Nam; NHTMCP Công thương Việt Nam; NHTMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam; NHTMCP Tiên phong; NHTMCP Kỹ thương; NHTMCP Việt Nam Thịnh vượng; NHTMCP Quân đội; NHTMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Trụ sở NHNN (Ảnh ĐCSVN)
Theo đó, các Ngân hàng thương mại không phải tính dư nợ cho vay các đối tượng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội mà các NHTM đã đăng ký tham gia với NHNN (hiện nay là 145.000 tỷ của 9 NHTM) để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm của các NHTM đã được NHNN thông báo.
Thời gian thực hiện chính sách này tối đa đến năm 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà NHTM đã đăng ký tham gia Chương trình. Trường hợp NHTM nào không có nhu cầu thực hiện chính sách này thì có văn bản gửi NHNN (qua Vụ Tín dụng CNKT) trước ngày 15/01/2025 để theo dõi, tổng hợp.
Định kỳ hằng tháng, các NHTM tiếp tục báo cáo tình hình cho vay đối với khách hàng thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Công văn số 2308/NHNN-TD ngày 01/04/2023. NHNN yêu cầu các NHTM thực hiện nghiêm túc các cam kết tham gia Chương trình về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với đối tượng và mục đích vay vốn; quan tâm, phối hợp với các Dự án xây dựng đủ điều kiện cho vay để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội. nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05/04/2024, Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 05/06/2024, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/06/2024, công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
NHNN triển khai chương trình dựa trênCông văn 5412/VPCP-KTTH ngày 31/12/2024, Công văn số 84/VPCP-KTTH ngày 03/01/2025 của Văn phòng Chính phủ; trên cơ sở ý kiến của Bộ Xây dựng tại Báo cáo số 322/BC-BXD và đề xuất của một số ngân hàng thương mại (NHTM) về việc bổ sung hạn mức tín dụng cho các NHTM tham gia Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (nhà ở xã hội) hoặc loại trừ dư nợ cho vay nhà ở xã hội khi tính hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị các ngân hàng thương mại khẩn trương triển khai thực hiện.