Đang khỏe mạnh bỗng ngừng tim do rối loạn nhịp phức tạp

Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt khi có biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp, ngừng tuần hoàn nguy kịch.

Nhờ kích hoạt quy trình “báo động đỏ” liên viện và nội viện, với tinh thần khẩn trương, đồng bộ cùng sự kiên trì, nỗ lực cấp cứu không ngừng của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, một nam bệnh nhân 41 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim, ngừng tuần hoàn nhiều lần do block nhĩ thất hoàn toàn, có những cơn rung thất, được cứu sống kịp thời, vượt qua lằn ranh sinh – tử.

Đang khỏe mạnh bỗng đột ngột khó thở, ngất xỉu

Bệnh nhân là P.H.N (41 tuổi) thường trú tại phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả, khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý tim mạch. Trước đó, người bệnh đột ngột đau tức ngực trái dữ dội, khó thở, ngất xỉu, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng sốc tim và rối loạn nhịp chậm nguy hiểm (blốc nhĩ thất hoàn toàn).

Bệnh nhân nhanh chóng được xử trí cấp cứu ban đầu và hội chẩn cùng các bác sĩ chuyên khoa tim mạch can thiệp của bệnh viện tỉnh thông qua nền tảng Zalo. Tiên lượng diễn biến nặng, bệnh nhân lập tức được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nơi có chuyên khoa sâu về tim mạch để tiếp tục điều trị.

Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân đột ngột xuất hiện cơn rung thất dẫn đến ngừng tuần hoàn. Ngay lập tức, quy trình “báo động đỏ” nội viện được kích hoạt. Kíp cấp cứu nỗ lực ép tim, sốc điện kịp thời giúp tuần hoàn tái lập trở lại.

Hội chẩn liên khoa chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thành dưới cấp biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp phức tạp, ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân được duy trì thuốc trợ tim, vận mạch liều cao, sau khi ổn định chuyển phòng can thiệp.

chupmach1.jpg
Hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch vành phải trước và sau khi được lấy huyết khối, can thiệp đặt stent tái thông lòng mạch - Ảnh BVCC

Kíp can thiệp do BSCKII Trần Quang Định, Trưởng khoa Phẫu thuật và Can thiệp tim mạch cùng các cộng sự được huy động để thực hiện can thiệp cấp cứu cho người bệnh. Kết quả chụp mạch cho thấy huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch vành phải.

Quá trình can thiệp, bệnh diễn biến bất thường, loạn nhịp thất, rung thất liên tục, ngừng tuần hoàn nhiều lần. Các bác sĩ khẩn trương sốc điện cấp cứu ngoài lồng ngực 4 lần để xử trí các rối loạn nhịp, đưa tim đập trở lại kết hợp thuốc vận mạch, an thần.

Sau nỗ lực cấp cứu căng thẳng, tim hồi phục nhịp đập trở lại. Kíp can thiệp tiếp tục thực hiện đặt stent để tái thông lòng mạch bị hẹp tắc, khôi phục tưới máu cho cơ tim.

Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực để theo dõi. Nhờ những nỗ lực chăm sóc và điều trị, sau 3 ngày, sức khỏe bệnh nhân tiến triển rõ rệt, tỉnh táo, chức năng tim cải thiện đáng kể. Hiện tại, bệnh nhân T. đã ổn định, hết đau tức ngực, trở lại sinh hoạt bình thường và được xuất viện.

ngungtim3.jpg
Bệnh nhân nhồi máu cơ tim biến chứng ngừng tuần hoàn hồi phục tích cực, được bác sĩ thăm khám trước khi xuất viện - Ảnh BVCC

Rối loạn nhịp trái ngược có thể tử vong bất cứ lúc nào

BSCKII Trần Quang Định, Trưởng khoa Phẫu thuật và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt khi có biến chứng ngừng tuần hoàn.

Bệnh nhân N. trẻ tuổi, nhập viện trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp, ngừng tuần hoàn nguy kịch. Điều khiến ca bệnh này trở nên thách thức là bệnh nhân vừa loạn nhịp chậm do block nhĩ thất độ 3 gây ngừng tim tại khoa cấp cứu, sau đó lại có biểu hiện loạn nhịp nhanh trên nền Hội chứng QT dài – một rối loạn điện học của tim dẫn tới rung thất và ngừng tim.

Sự tồn tại đồng thời của hai loại rối loạn nhịp trái ngược khiến quá trình xử trí lâm sàng trở nên khó khăn, đòi hỏi bác sĩ phải nhanh nhạy, quyết đoán, bởi bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Với kinh nghiệm lâm sàng dày dặn cùng quy trình “báo động đỏ” được triển khai đồng bộ, kịp thời liên viện và nội viện, sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa đã giúp chúng tôi cấp cứu thành công trường hợp khó và hiếm gặp. Bệnh nhân đã vượt qua lằn ranh sinh tử, hồi phục tốt, mang lại niềm vui lớn cho tập thể y bác sĩ và hạnh phúc cho gia đình”.

Để tránh nhồi máu cơ tim khi còn quá trẻ, bác sĩ khuyến cáo: Tất cả mọi người cần có chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh, từ bỏ việc hút thuốc lá để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Cùng với đó nên đi khám, tầm soát sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bất thường và xử trí kịp thời.

Đang khỏe mạnh, thanh niên 35 tuổi bỗng nhiên nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim cấp từng được coi là bệnh lý chủ yếu xuất hiện ở người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh nguy hiểm này đang dần có xu hướng trẻ hóa, người trẻ cũng không thể xem nhẹ.

Khỏe mạnh, không có tiền sử tim mạch vẫn bị bệnh

Một trường hợp điển hình vừa được ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là người bệnh L.T.T, 35 tuổi, trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ.

Từ cõi chết trở về, cụ bà nhồi máu cơ tim được cứu sống ngoạn mục

Người bệnh từ tuyến trung ương trở về trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, phải thở máy, huyết áp tụt nghiêm trọng... Nhờ sự quyết đoán và tận tâm của đội ngũ y bác sĩ tuyến tỉnh, bệnh nhân đã được cứu sống một cách ngoạn mục.

Tiên lượng rất nặng xin về từ tuyến trung ương

Theo đó, ngày 13/3/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận cấp cứu cụ bà Nguyễn Thị T. (73 tuổi, trú tại Thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, phải thở máy, huyết áp tụt nghiêm trọng.