Đàn bà tuổi Ngựa

Ngày xưa cưới nhau mẹ anh nói hổng sai: không khéo cầm cương đóng móng, coi chừng hở chút là phóng ra đường rong ruổi ngược xuôi…

Thế là anh còn lại một mình trong căn phòng trống. Bước ra hành lang chung cư, nhìn những cánh cửa khác cũng lủng lẳng ổ khóa ngậm chặt, anh tự nhủ chẳng phải một mình nhà mình về quê. Mà nhà mình cũng chỉ có hai má con nó về quê, vẫn còn lại chủ nhà, là mình đó chớ ai. Chủ nhà nhìn ngược nhìn xuôi, nhìn mớ chén đĩa chất cao lù lù trong bếp, mở tủ lạnh ngán ngẩm nhìn mấy thứ còn lại, đi vô đi ra một lúc rồi quyết định cầm ổ khóa lên bấm cửa nhà đánh cạch một tiếng, xuống lấy xe ra đường.
Dư âm của trận nhậu tân niên chiều mùng Hai Tết vẫn còn âm u trong tâm trí. Anh đi chúc Tết bạn bè từ sáng, cái đuôi kéo từ nhà này sang nhà khác, nhà nào cũng vài ly vài lon, đến lúc về tới nhà anh - điểm dừng cuối cùng, thì cái đuôi đã đông tới gần mười mạng. Cả đám ồn ã đổ bộ vào. Anh ra oai với vợ: “Em sắm Tết có gì mang hết ra đây coi!”. Vợ ban đầu vui vẻ chạy xuống chạy lên, cả cô con gái lớp 7 cũng lon ton phụ má. “Em ơi cho thêm đá”, “Con lấy cho ba thêm bia” hay “Bà chủ ơi cho thêm mồi”… 
Ảnh minh họa: NOP
Ảnh minh họa: NOP
Đến 7 giờ tối thì thêm một đội nữa tấp vào, bàn tiệc đã chuyển một nửa trên bàn, một nửa dưới sàn. Chị bắt đầu thấy oải. Cả tuần trước Tết dọn dẹp bã người, nay mới mùng Hai mà cái tủ lạnh đã gần như sạch bách. Anh không cần biết, cứ hết “em ơi” lại “bé Xíu ơi”! Giọt nước tràn ly là một ông bạn nhậu quắc cần câu được anh mời vô phòng nằm nghỉ. Đó là căn phòng của vợ chồng. Nghe con nói, chị lật đật chạy vô, chưa kịp nói gì đã thấy con ma men kia ói ồng ộc ra giường - tấm drap chị mới thay, sáng nay còn thơm mùi nắng…
Cuộc cãi nhau nổ ra lúc hơn một giờ sáng, khi ông khách cuối cùng ra khỏi cửa, chị gom được hết chén bát vô bồn, riêng tấm nệm thì vô phương, chắc phải chờ nắng lên phơi mấy ngày mới hết mùi. Anh lơ mơ nhớ lại hình như mình có quát vợ, hình như vợ mình có khóc, hình như vợ nói làm thân tôi mọi vậy đủ rồi và vợ tuyên bố về quê. Ừ, xin mời! Vậy mà sáng hôm sau hai mẹ con dắt nhau về ngoại thiệt. Khi vợ dắt con ra mở cửa, anh vẫn làm nư nằm yên giả bộ ngủ. Tiếng cửa sắt rít lên giận dữ. Lúc sau anh ra mới thấy vợ không thèm bấm khóa. Cha chả, đàn bà tuổi Ngựa, ngày xưa cưới nhau mẹ anh nói hổng sai: không khéo cầm cương đóng móng, coi chừng hở chút là phóng ra đường rong ruổi ngược xuôi…
Lúc ấy, anh đã cười nói: vợ chồng cùng tuổi Ngựa, chồng hơn vợ một giáp, đảm bảo ngựa già kềm được ngựa non mà má! Giờ nghĩ lại, thấy cũng hơi ngượng ngùng. Quê chị ở tận miền Trung, vừa xa vừa lạnh, vậy mà nói một tiếng đi là đi. Giờ này…
Được hai ngày, bà ngoại gọi điện hỏi thăm. Bà nói, thấy má con nó dắt nhau về là biết có chuyện rồi, sao khi không… Anh làm bộ nói cứng, ờ thì vợ con cứ ở tới khi nào thích vô thì vô, mùng Bảy con đã phải đi làm, bé Xíu phải đi học. Bà nói, tao thấy như vầy không ổn...
Dân thành phố ăn Tết quê bắt đầu đổ về, thành phố đông lên từng giờ, nhà anh vẫn vắng ngắt. Vợ không một cuộc điện thoại. Tính tới tính lui, anh quyết định thôi thì mình về quê coi sao, là mình về đón con gái vô đi học, đâu phải vì má nó. Cứ im lặng mà về, để coi cái mặt giận chồng chù ụ cỡ nào cho biết, ở ngoài đó chắc rầu thúi ruột.
Vậy mà cái buổi chiều anh về tới, chị đang tung tăng cà phê cà pháo đâu đó với bạn bè, chứ không ở nhà gặm nhấm nỗi giận hờn như anh nghĩ. Anh còn lạ gì cái thị xã nhỏ bé này, còn lạ gì việc vợ từng có người theo đuổi, nay chắc cũng còn chút tiếc nuối chi đây. Chào hỏi ba má xong, anh phóng thẳng tới quán cà phê nọ, kiếm lối đi vào khuất khuất, để coi nàng ta ngồi với ai.
Đảo mắt một vòng, anh hơi sững lại. Bừng lên trước mắt anh là nhan sắc tươi tắn, ửng hồng vì lạnh và vì phấn khích của một cô gái đang cười rất vô tư. Bàn của cô toàn nữ, có điều gì khiến cô vui đến vậy? Đã bao lâu rồi anh không thấy vợ mình tự do như thế, hạnh phúc như thế. Rồi anh chợt lo, lát nữa đây khi mình bước tới, một bước thôi, nét tươi tắn rạng rỡ kia sẽ biến mất, thay vào đó là gương mặt bình thản quen thuộc có phần chịu đựng, nét mệt mỏi âm thầm thường xuyên…
Chọn một chỗ ngồi xa, anh ngắm vợ đang cười đùa giữa bạn bè. Vợ anh, người đàn bà của anh, hình như đang sống một đời sống khác. Người đàn bà tỉ mẩn dọn dẹp từng góc căn phòng chung cư mà hai vợ chồng dành dụm mãi mới mua được. Người đàn bà bịt mặt trùm đầu, áo khoác nhàu nhĩ sáng chiều chạy xe máy tới công ty rồi chạy về, những túi thực phẩm treo móc tứ tung trên xe. Người đàn bà chở con gái sau lưng, chống chân lầm lũi bươn xe qua những đoạn đường đông nghẹt người... Người đàn bà ấy đã gửi lại thành phố. Anh đã lầm khi hình dung vợ mình mặt mày nặng nề, buồn bã. Thực ra, hình như con ngựa hoang đang được trở về đồng cỏ, sải vó trên những thảo nguyên xanh…
Anh ngồi trong cái quán cà phê tỉnh lẻ ấy suốt buổi chiều, cả khi vợ và đám bạn đã rời khỏi quán. Không chỉ nghĩ về vợ, anh nghĩ về mình. Đã bao lâu rồi anh không có được một buổi chiều với mình nhiều như thế. Một năm mới bắt đầu rồi, năm tuổi của cả vợ chồng anh - năm Ngựa. Con ngựa bao đời vẫn gắn với đường thiên lý, trận mạc. Có lẽ vì thế mà người ta ít gắn hình tượng ngựa với đàn bà. Người đàn bà nào chẳng may bị ví với ngựa cũng mang ít nhiều ác cảm, ít nhiều bất kham, ít nhiều hoang dã. Nhưng, cũng không hẳn vậy. Xa cách khỏi những chặng đường trường, có một con ngựa âm thầm đứng trong ngõ vắng, rõ ràng cam phận đàn bà:
Em có chồng rồi như ngựa có cương
Ngõ em em đứng, đường trường anh đi…
Con ngựa ấy đã yên bề đứng lại, từ bỏ những giấc mơ đường dài, nhưng chắc vẫn khắc khoải trong lòng những chặng đường bạn bè đang rong ruổi. Anh và ngôi nhà của anh có là đất trời thênh thang cho ngựa chạy, hay chỉ là cái ngõ ấy thôi?

Đàn bà nhẹ dạ chút cũng chẳng sao...

Ta lại bắt đầu tìm lý do để biện minh cho sự nhẹ dạ của mình, có lẽ, vì ta là đàn bà mà…nhẹ dạ mới là đàn bà.

Đã bao lần ta tự nhủ, sẽ cho lão chồng lười biết tay. Vậy mà, lần nào ta cũng thất bại thảm hại, sau đó lại tự dày vì sao mình lại nhẹ dạ thế. Ừ, cũng phải thôi, vì ta là đàn bà mà. Nhẹ dạ một chút mà gia đình ấm êm kể cũng hay.

Chồng ta là chúa lười. Ngày xưa, chỉ vì nhẹ dạ mà ta yêu gã tha thiết. Bao nhiêu lần, lão cho ta leo cây chỉ vì tính lười biếng. Vậy mà, hôm sau, chỉ cần lão xuất hiện với vẻ mặt ủ rũ cùng một bó hoa to đùng là ta đã quên mọi ấm ức hôm trước. Đến khi lấy nhau, lão nhiều lần làm ta lao đao vì lười.

Còn nhớ, trước ngày lão bảo vệ đề cương cao học, ta đã dặn đi dặn lại phải chuẩn bị mọi thứ chu đáo. Nhưng lão đâu có nghe lời, đi nhậu đến tận khuya mới về, ta tức mình đi ngủ không thèm ủi áo quần sẵn cho lão. Sáng ra, nhìn dáng vẻ thất thểu lẫn hốt hoảng khi lão chạy loạn xạ khắp nhà kêu ca: "Áo sơ mi trắng của anh đâu, em có thấy cà vạt ở chỗ nào không, chết rồi, xi đánh giày hết mất tiêu". Trong bụng ta vẫn tức tối lắm nhưng không cầm lòng được, bèn rũ chăn vùng dậy giúp lão, không thì muộn giờ, lại mất toi mấy năm học hành chứ chẳng chơi. May mà, lần ấy, lão vượt ải an toàn, không ta lại ân hận. Thôi thì, nhẹ dạ chút cũng chẳng sao…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Nhiều lần, lão rủ bạn bè về nhà nhậu tận khuya, ta không chờ được đành đi ngủ trước. Sáng ra, ta vật vã dọn dẹp bãi chiến trường đêm qua, suýt nữa muộn giờ làm. Từ hôm ấy, ta đã thề với lòng mình, sẽ chẳng bao giờ sờ tay để giải quyết "hậu quả" của lão chồng nữa. Cách đây hai tuần, mọi thứ lại lặp lại nhưng ta cứ ung dung đi làm, để lão chồng say chổng vó ở nhà cùng một mớ hỗn độn. Suốt buổi sáng hôm ấy, ta mở cờ trong bụng, chồng tỉnh dậy, không thấy ta ở nhà chắc chắn sẽ phải dọn dẹp vì trưa nay, ba mẹ ta sẽ ghé nhà chơi.

Nào ngờ, đến gần trưa, điện thoại đổ chuông dồn dập, vừa bắt máy, mẹ đã mắng ta té tát: "Con về mà xem này, sao để nhà cửa lộn xộn, chồng đau ốm mà đi làm". Ta giật mình hoảng sợ, chạy vội về nhà. Mọi thứ vẫn còn nguyên ở đó, chồng ta đang nằm trên giường, mặt mũi xanh lét vì trúng gió, may mà ba mẹ đến kịp còn không biết sẽ thế nào. Lúc đó, ta vừa xót xa vừa ân hận, lỡ may lão có chuyện gì thì ta phải làm sao, thà để ta cứ mãi nhẹ dạ.

Nghĩ đi nghĩ lại, ta cứ nhẹ dạ vì ta thương chồng nhiều. Nhìn chồng mệt mỏi, gặp khó khăn là ta không cầm lòng được, cũng chẳng muốn cự nự điều gì dù trước đó bụng cứ tức anh ách. Dù sao, chồng ta vẫn yêu vợ thương con, nộp lương đầy đủ, chung thủy một lối, gia đình ấm êm…

Ta lại bắt đầu tìm lý do để biện minh cho sự nhẹ dạ của mình, có lẽ, vì ta là đàn bà mà…nhẹ dạ mới là đàn bà.

Sốc khi phát hiện mình là đời chồng thứ 3

Tôi đã tin giữa tôi và vợ không còn một bí mật nào nữa, cả hai sẽ tin tưởng và cùng nhau yêu thương để xây dựng hạnh phúc. 

Khi viết lên tâm sự này tâm trạng tôi rối bời như trăm mối tơ vò, tôi thấy mình là kẻ đáng thương nhưng cũng là kẻ đáng trách, phải chăng tôi chưa đủ tin tưởng để vợ mình có thể chia sẻ hết mọi chuyện với mình.

Cảm ơn tình yêu

Sắp tới là kỷ niệm 12 năm ngày cưới, khoảng thời gian không dài so với đời người, nhưng là cột mốc đủ để em mỉm cười khi nhìn lại.

Cảm ơn anh đã làm em thay đổi, từ một cô gái lóng ngóng, vụng về nay đã biết vén khéo, lo toan và không còn ham chơi như thời con gái.