Đàm phán Thái Lan - Campuchia: Mỹ và Trung Quốc có mặt với vai trò gì?

Mỹ và Trung Quốc đều đang tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giữa Thái Lan và Campuchia.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/7 đã trực tiếp điện đàm với lãnh đạo Thái Lan và Campuchia, cảnh báo rằng Washington sẽ không xúc tiến bất kỳ thỏa thuận thương mại nào nếu các bên không chấm dứt giao tranh. 

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng xác nhận rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã có mặt tại Malaysia – nơi hai nước dự kiến thực hiện đối thoại vào chiều 28/7 – nhằm hỗ trợ tiến trình đàm phán.

“Chúng tôi mong cuộc giao tranh này sớm kết thúc", ông Rubio nhấn mạnh, đồng thời cho biết chính quyền Mỹ đang theo dõi sát tình hình và duy trì trao đổi trực tiếp với cả hai phía.

Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, phía Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tiếp tục giữ lập trường công bằng, khách quan, đồng thời tăng cường liên lạc ngoại giao với Thái Lan và Campuchia. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định sẽ đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy đối thoại, khuyến khích kiềm chế và hướng tới giải pháp hòa bình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc trước những mất mát mà cả hai bên phải gánh chịu, đồng thời kêu gọi Thái Lan và Campuchia “trân trọng hòa bình, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu” và sớm chấm dứt giao tranh.

Trong khi cả Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng tận dụng sức ảnh hưởng của mình để đưa hai quốc gia láng giềng trở lại bàn đàm phán, ASEAN cũng được Bắc Kinh nhắc đến như một yếu tố then chốt trong các nỗ lực hòa giải. Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đánh giá cao các nỗ lực của ASEAN trong nhiều ngày qua nhằm làm dịu căng thẳng và thúc đẩy ngừng bắn.

Theo Reuters, Malaysia – quốc gia hiện giữ vai trò Chủ tịch ASEAN – đã đề xuất một kế hoạch ngừng bắn được Campuchia ủng hộ và Thái Lan tỏ ý chấp nhận về nguyên tắc.

Cuộc đàm phán tại Malaysia ngày 28/7 được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa đối thoại cho hai quốc gia từng nhiều lần rơi vào vòng xoáy giao tranh biên giới, và cũng là phép thử cho hiệu quả ngoại giao của cả Mỹ và Trung Quốc tại một khu vực ngày càng nhiều biến động.