Cựu Tổng tư lệnh Ukraine lên tiếng bất ngờ chuyện Mỹ viện trợ vũ khí

Đại sứ Ukraine tại Anh, cựu Tổng tư lệnh các lực lượng Ukraine – ông Valery Zaluzhny – cho rằng, Ukraine không nên chỉ tập trung vào các loại khí tài hiện đại, mà nên đề nghị Mỹ cung cấp các loại vũ khí cũ, lỗi thời để sử dụng trong cuộc xung đột với Nga.

Cựu Tổng tư lệnh các lực lượng Ukraine – ông Valery Zaluzhny (ảnh: Reuters)

Trong bài xã luận đăng trên Ukrainskaya Pravda (báo Ukraine) mới đây, ông Zaluzhny – người hiếm khi lên tiếng về tình hình chiến sự sau khi bị cách chức Tổng tư lệnh Ukraine (8/2/2024) – cho rằng, Mỹ dư thừa lượng lớn tên lửa cũ và có thể chuyển chúng cho Ukraine.

“Mỹ hiện có một lượng lớn tên lửa lỗi thời hoặc sắp bị loại bỏ. Chuyển giao chúng cho Ukraine có thể là giải pháp hiệu quả”, ông Zaluzhny nêu trong bài xã luận.

Theo ông Zaluzhny, Mỹ “không cần chi thêm ngân sách để tiêu hủy” các loại vũ khí lỗi thời, trong khi đó, Ukraine lại đang rất cần thêm vũ khí.

Đưa ra ví dụ về tên lửa Hellfire, ông Zaluzhny cho rằng, đến cuối năm 2023, Mỹ còn tồn kho hơn 170.000 tên lửa loại này (với các phiên bản khác nhau). Cựu Tổng tư lệnh Ukraine cho rằng, phần lớn tên lửa Hellfire của Mỹ sắp đến hạn sử dụng trung bình 20 – 25 năm. Sau đó, các tên lửa này sẽ bị tháo dỡ hoặc tiêu hủy.

Theo RT, tên lửa không đối đất Hellfire thường được quân đội Mỹ trang bị trên trực thăng và máy bay không người lái (UAV). Đây là loại tên lửa dẫn đường với độ chính xác cao, tầm bắn từ 8 đến 11km.

Khi Lầu Năm Góc chuyển sang sử dụng loại tên lửa JAGM mới, ông Zaluzhny cho rằng Ukraine có thể đề nghị Mỹ chuyển giao kho tên lửa Hellfire.

“Ukraine có thể tận dụng cơ hội này bằng cách gửi yêu cầu một cách có hệ thống”, ông Zaluzhny nhận định, lưu ý rằng việc chuyển giao các loại vũ khí lỗi thời vừa giúp Mỹ “quản lý tốt kho vũ khí”, vừa tăng cường năng lực phòng thủ của Ukraine.

Theo RT, từ tháng 2/2022, Mỹ đã gửi cho Ukraine hơn 66 tỷ USD viện trợ quân sự, nhưng hầu hết vũ khí Mỹ viện trợ không phải là phiên bản tiên tiến nhất. Ví dụ, một số báo cáo cho rằng 31 xe tăng M1 Abrams Mỹ gửi cho Ukraine vào năm 2023 là phiên bản cũ và thiếu lớp giáp uranium nghèo.

Quân đội Nga được cho là đã phá hủy ít nhất 20 xe tăng M1 Abrams Mỹ gửi cho Ukraine.

Đầu tháng 7, Lầu Năm Góc đột ngột dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, với lý do cần kiểm tra các kho dự trữ vũ khí.

Hôm 11/7, Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo, viện trợ vũ khí từ Mỹ đã được nối lại.

“Chúng tôi nhận được những tín hiệu chính trị ở cấp cao nhất, những tín hiệu tốt, từ Mỹ và các đối tác châu Âu. Theo đó, viện trợ vũ khí đã được nối lại”, ông Zelensky nói.

Theo Reuters và Politico, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc phê duyệt gói viện trợ quân sự mới, trị giá khoảng 300 triệu USD cho Ukraine. Gói viện trợ này có thể bao gồm đạn phòng không Patriot.