Người bệnh không giấy tờ tùy thân, ví rỗng... nguy cơ tử vong trong tích tắc
Bệnh nhân được người qua đường đưa vào Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) hồi cuối tháng 4, trong tình trạng hôn mê sâu, nồng nặc mùi rượu, không giấy tờ tùy thân, ví rỗng, điện thoại đã vỡ.
PGS.TS Đỗ Đức Thuần, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, yêu cầu kíp kiểm tra chỉ số sinh tồn, đặt đường truyền, làm xét nghiệm cần thiết. Người bệnh bị ngã do tai nạn giao thông sau khi uống rượu, kết quả kiểm tra phát hiện chấn thương sọ não, kèm đột quỵ. Nạn nhân cần cấp cứu ngay, "nếu không sẽ tử vong trong tích tắc".
Tuy nhiên, chàng trai không rõ danh tính, hồ sơ nhập viện ghi "vô danh", và không có người đại diện ký cam kết phẫu thuật. Lúc này, bác sĩ có thể từ chối can thiệp chuyên sâu vì rủi ro pháp lý rất lớn. Xung quanh, ê kíp chần chừ, thảo luận "không có người nhà, không ký cam kết, có chuyện gì ai chịu trách nhiệm".
Song, "một giây lúc này còn quý hơn vàng", PGS.TS Đỗ Đức Thuần nói, quyết định đẩy người bệnh vào phòng mổ, đồng thời báo cáo với lãnh đạo bệnh viện và Ban Công tác xã hội để tìm thân nhân cho bệnh nhân.
"Nếu không can thiệp, người bệnh sẽ mất trong cô độc, vô cùng bất hạnh và ám ảnh", PGS.TS Đỗ Đức Thuần chia sẻ. Với mỗi bác sĩ, quyết định này không chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp, mà còn là lời nhắc nhở về vai trò "gác cổng" sinh tử cho một con người.
Hiện, người bệnh qua cơn nguy kịch, điều trị hồi phục, tên cũng được điều chỉnh từ "vô danh" thành đầy đủ tên họ sau khi người bệnh đã tỉnh táo và người nhà có mặt tại bệnh viện.

"Y đức không chỉ nằm ở kỹ thuật hay chuyên môn cao, mà ở quyết định không bỏ rơi một con người"
Những nạn nhân vô danh không có người thân để được giải thích, không có người ký cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có biến chứng. Lúc này, bác sĩ trở thành người thân bất đắc dĩ, vừa là người chịu trách nhiệm cho người bệnh.
"Chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định sáng suốt, kịp thời. Ở nơi tưởng như vô cảm nhất lại là nơi khơi dậy tình người rõ ràng nhất", bác sĩ cho hay.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, cấm từ chối hoặc chậm trễ trong cấp cứu người bệnh. Việc cấp cứu phải được thực hiện kịp thời, phù hợp với tình trạng bệnh, kể cả khi chưa có ý kiến người đại diện. Cơ sở y tế phải ưu tiên nhân lực, thiết bị, thuốc men cho cấp cứu và sẵn sàng chuyển viện nếu cần.
Chỉ sau khi người bệnh đã ổn định, bệnh viện mới được thu tạm ứng viện phí, không được từ chối người dân dù chưa rõ danh tính hay không có bảo hiểm. Cơ sở y tế có trách nhiệm chăm sóc, điều trị cho người bệnh từ lúc tiếp nhận đến khi chuyển giao cho cơ sở trợ giúp xã hội hoặc khi người bệnh tử vong.
Hơn 20 năm trong nghề, PGS.TS Đỗ Đức Thuần nói, y đức không chỉ nằm ở kỹ thuật hay chuyên môn cao, mà ở quyết định không bỏ rơi một con người. Tuy nhiên, cấp cứu người bệnh vô danh vẫn là bài kiểm tra khắc nghiệt đối với lương tri của một bác sĩ.
Do đó, các y bác sĩ cần rèn luyện, nâng cao trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu người. Là người "đứng mũi chịu sào", anh tự trau dồi kiến thức pháp lý để bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và cả người bệnh.
Khi có người bệnh vô danh nhập viện, bác sĩ vẫn tuân thủ quy trình tiếp nhận, đánh giá và điều trị, song cần thông báo với lãnh đạo để có phương án phù hợp. Trường hợp chỉ liên lạc với gia đình qua điện thoại, bác sĩ cần chủ động lưu ghi âm để có cơ sở pháp lý sau này.
"Có thể với mọi người, đây chỉ là ca cấp cứu không thông tin nhưng với tôi là một sinh mệnh. Tôi tin không bác sĩ nào bỏ rơi người bệnh chỉ vì họ vô danh", PGS.TS Đỗ Đức Thuần tâm sự.