Chỉ số VN-Index hôm qua đóng cửa phiên tại 1188,07 điểm tương ứng giảm 3.92%, chỉ số HNX-Index giảm 3.82%, chỉ số Upcom-Index mất 3.18%. Giá trị giao dịch trên cả 3 sàn tăng mạnh lên 26,474 tỷ đồng
Tâm lý bi quan khiến sắc đỏ lan rộng toàn thị trường. Chỉ số VN30-Index đóng cửa giảm 3.82% với 30 mã giảm cho thấy độ rộng chỉ số khá hẹp. GVR giảm sàn trong phiên hôm nay trong khi ACB, BID, BVH, CTG, FPT, GAS, HDB, HPB, MBB, PLX, SSI…giảm từ 3% trở lên.
Số cổ phiếu giảm hết biên độ xuất hiện nhiều hơn như DXG, HHV, HVN, NKG, HBC VOS, PC1, PVD, VSC, VND….Ngược lại, EIB ngược dòng tăng giá sau thông tin được NHNN cho phép GEX mua vào cổ phiếu. Ngoài ra, FTS, CTS là số ít mã đi ngược thị trường.
![]() |
Chứng khoán có thể có nhịp hồi trong hôm nay. |
Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sớm xuất hiện nhịp hồi trong phiên tới. Đồng thời, với đà giảm quán tính, chỉ số VN-Index cũng có thể thử thách lại vùng đáy tháng 4 với mức đóng cửa thấp nhất là 1,175 điểm. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu và chỉ số giảm về vùng quá bán, đặc biệt mức P/E dự phóng của chỉ số VN-Index giảm dưới mức 11 lần cho nên chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ sớm xuất hiện nhịp hồi phục trong vài phiên tới.
"Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp và không nên bán ra trong giai đoạn này nếu không có áp lực margin. Đồng thời, các nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao vẫn có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp khi mức định giá nhiều cổ phiếu đã giảm về mức hấp dẫn hơn", Yuanta Việt Nam nhận định.
Tại cuối quý II/2024, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) ở mức 212.000 tỷ đồng, tăng 5,3% so với đầu năm. Trong đó, tổng cho vay khách hàng ở mức trên 151.300 tỷ đồng, tăng 7,7%. Trong đó, chiếm 71% là nợ ngắn hạn, khoảng 26% là nợ dài hạn và số còn lại là nợ trung hạn.
Số dư nợ xấu (nợ nhóm 3, 4 và 5) tiến thêm 7,4% so với đầu năm, ở mức 4.002 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên tới 2.632 tỷ đồng.
Ngày 30/7/2024, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) đã công bố danh sách các cổ đông cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo Điều 49, Luật các Tổ chức tín dụng.
![]() |
Cơ cấu cổ đông của BVB tính đến ngày 30/07/2024. |
Theo thông tin từ BVBank, ngân hàng không có cổ đông tổ chức nào sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Thay vào đó, chỉ có 9 cổ đông cá nhân nắm giữ tổng cộng gần 17,8% vốn điều lệ, tất cả đều là các lãnh đạo của BVBank. Nếu tính cả những người có liên quan, tỷ lệ sở hữu của các lãnh đạo BVBank lên đến gần 20%.
Với tỷ lệ sở hữu vốn gần 4.56% (gần 23 triệu cp), Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng là người nắm giữ lượng cổ phần nhiều nhất trong số 9 cổ đông cá nhân công bố sở hữu từ 1% vốn Ngân hàng.Được biết, bà Nguyễn Thanh Phượng là người có bề dày kinh nghiệm trong ngành tài chính và ngân hàng. Trước khi gia nhập BVBank, bà từng giữ vị trí Phó Giám đốc tài chính của Công ty Liên doanh Holcim Việt Nam, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam lúc bấy giờ. Bà cũng từng là Giám đốc đầu tư của Quỹ Vietnam Holding.
![]() |
Bà Nguyễn Thanh Phượng. |
Trên báo Thị trường tài chính chia sẻ, bà Phượng tốt nghiệp Cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng từ Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) và hoàn tất chương trình Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị tài chính tại Đại học Quốc tế Geneva (Thụy Sĩ). Sự nghiệp của bà tại BVBank bắt đầu từ năm 2011 với vai trò Thành viên HĐQT. Từ đầu năm 2012 đến tháng 04/2013, bà giữ chức Chủ tịch HĐQT trước khi chuyển giao vị trí này cho ông Lê Anh Tài.
Ngoài vai trò tại BVBank, bà Phượng còn là thành viên sáng lập và Chủ tịch của Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Asset Management) và Công ty Chứng khoán Bản Việt (Vietcap).
Bà cũng là Thành viên HĐQT của CTCP Bất động sản Bản Việt, CTCP Good Day Hospitality và Công ty TNHH Phoenix Holdings. Phoenix Holdings là một doanh nghiệp đầu tư đa ngành vào các lĩnh vực tài chính, công nghệ, bán lẻ, tiêu dùng, hiện có vốn điều lệ 600 tỷ đồng.