Con dâu đã trưởng thành

Ba má tôi thở phào vì cuối cùng chị cũng nhận ra điều quan trọng và cần thiết cho tương lai. Xem ra, con dâu đã trưởng thành hơn rồi.

Chị dâu tôi làm việc ở một công ty mà sếp rất thích văn nghệ. Cuối quý, công ty chị tổ chức văn nghệ; sơ kết sáu tháng cũng văn nghệ. Tổng kết cuối năm càng tưng bừng, có hẳn một cuộc thi mà những người không biết múa hát thì ít nhất cũng “biết nói”, nghĩa là đóng kịch, và nếu ngay cả nói cũng không ổn thì trở thành khán giả nồng nhiệt với những màn vỗ tay rất ư là "hoành tráng". Đích thân các sếp ngồi ghế giám khảo.
Ngày mới cưới, mỗi lần anh đưa chị về nhà chơi, chị luôn tíu tít kể mình đơn ca được giải nhất hoặc đóng vai chính trong vở kịch này kia. Anh tôi tự hào lắm, sợ ba má cổ hủ, anh tận tình giải thích thêm là vì sếp thích văn nghệ văn gừng cho nên nhân viên nào tham gia tích cực thường được ưu ái tiền lương tiền thưởng. Nói đâu xa, chị dâu mới làm việc được hai năm mà đã được thưởng chuyến du lịch xuyên Việt. Sếp rất tâm lý, cho cả chồng đi cùng mà chỉ phải đóng thêm một khoản tiền tượng trưng.
Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Có thai, chị tíu tít khoe có cái bụng bốn tháng mà vẫn gọn gàng lên sân khấu, chẳng ai biết là bà bầu. Má tôi nhăn mặt, người ta theo nghề diễn thì lên sân khấu là chuyện thường, còn mình sao không trau giồi nghề nghiệp mà lại thích lên sân khấu? Hơn nữa, thai con so thì phải giữ gìn. Anh chị cười, nói má lạc hậu quá.
Em bé được sáu tháng, đi làm vài ngày, chị khoe “đang cho con bú, chưa lấy lại vóc dáng mà mọi người đã mời đóng kịch, vai chính”. Má tôi bực lắm, má nói má giữ cháu cho con dâu đi làm chứ không phải cho ba cái chuyện tào lao. Chị cười, nói má đúng là người của thời xưa cũ, bây giờ người ta có nhiều cách để tiến thân mà văn nghệ là cách dễ nổi nhất.
Má tôi tuyên bố không giữ cháu giùm nữa, để xem con dâu có xong nổi việc chính hay không, nói gì tới văn nghệ văn gừng. Anh tôi vốn cưng vợ nên đứng về phe chị. Được vài tuần, vợ chồng anh chị vừa đi làm vừa chăm sóc đứa con mấy tháng tuổi nên mọi việc rối mù, anh chị cãi nhau liên miên; đến nỗi việc tập văn nghệ vốn được anh ủng hộ, mà giờ chính anh phải quát lên: “Làm mẹ kiểu gì mà chỉ đàn đúm là giỏi”. Chị khóc lóc, trách móc…
Cãi cọ là bệnh mãn tính, đã xuất hiện rồi thì sẽ thành thói quen và người ta luôn cố tìm lý do cho thói quen đó. Những lý do càng lúc càng làm tổn thương nhau đến tận cùng. Anh chua chát hỏi, có phải với em, con nhỏ là một sự vướng bận? Chị đáp trả, ngay cả chồng cũng là nỗi vướng bận. Anh tôi giáng cho chị một cái tát, rồi đùng đùng bế con đi thuê phòng khách sạn (vì mấy lần theo phe vợ, chê trách ba má tôi lạc hậu, nên bây giờ mà bế con về nhà thì quê). Còn chị, vừa khóc vừa tìm ba má tôi để trút uất ức.
Ba tôi ra khách sạn mắng anh một trận về tội đánh vợ, rồi đón cháu nội về nhà. Má tôi thì tỉ tê khuyên con dâu, đàn bà đã có con thì hoàn thành công việc chuyên môn đã là giỏi, những hoạt động khác phải biết dừng lại đúng lúc. Chị tuyên bố, nếu chồng đủ sức nuôi thì chị nghỉ hẳn ở nhà chăm con. Tuyên bố thách thức đó khiến anh tôi nổi xung… Thế là lại cãi nhau.
Mệt quá, ba má tôi không nói nữa, chỉ lặng lẽ chăm sóc cháu nội mỗi khi anh lỉnh kỉnh túi xách đem con về gửi. Rồi công ty của chị có sếp mới, sếp này không thích văn nghệ, nên việc hát hò cũng thôi dần. Khả năng văn nghệ của chị không còn là lợi thế, công việc chính thì chị chỉ có bằng trung cấp, mà công ty lại đang thông báo tuyển nhân viên mới có trình độ đại học. Đến lúc này, chị bắt đầu biết sợ.
Bao lần chê ba má tôi lạc hậu nên giờ chị xấu hổ, không dám nói thẳng. Bóng gió gần xa, chị than thở không đủ thời gian ôn thi, hết công việc nhà rồi thì con nhỏ nay ho, mai sổ mũi, bữa kia sốt, rồi thì vì nhà ngoại ở xa quá cho nên không nhờ giữ cháu giùm được… Rồi chị nói, mai này may mắn mà thi đậu đại học thì không biết làm sao để vừa đi làm, vừa chăm sóc chồng con, vừa đi học…
Ba má tôi thở phào vì cuối cùng chị cũng nhận ra điều gì là quan trọng và cần thiết hơn cho tương lai. Xem ra, con dâu đã trưởng thành hơn rồi.

Quả bóng lỗi lầm

Năm tôi 12 tuổi, vì cuộc sống khó khăn nên gia đình tôi phải dọn đến sống ở căn hộ chật hẹp trong một khu chung cư cũ và nghèo nàn...

Tại đó, tôi làm quen với Don - thằng bé sống cạnh nhà tôi. Chúng tôi thân nhau vì cả hai cùng tuổi, cùng nghèo như nhau và cùng say mê bóng đá.
Bọn trẻ cùng xóm thường không cho chúng tôi chơi đá bóng vì hai đứa không có được một quả bóng tử tế. Chúng tôi chỉ biết đứng đằng xa nhìn bọn trẻ chơi đùa và chỉ được chơi khi bọn trẻ thiếu người, những lúc đó là khoảnh khắc vô cùng sung sướng của tôi và Don. Thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp vài quả bóng nằm lăn lóc bên lề đường, nhưng chúng đều đã rất cũ nát. Có lẽ ước mơ lớn nhất của tuổi thơ tôi là có được một quả bóng như ở cửa hiệu bán đồ thể thao.
"Quả bóng lỗi lầm".
"Quả bóng lỗi lầm".
Chúng tôi thường cuốc bộ đến khu trung tâm sang trọng để ngắm nhìn những quả bóng bày trong các tủ kính và tưởng tượng cảnh đến một lúc nào đó lũ bạn sẽ phải trầm trồ thán phục khi nhìn quả bóng hàng hiệu của chúng tôi. Với quả bóng đó, chắc chắn tôi sẽ ghi bàn nhanh như chớp.
 ***
Một lần, Don bàn với tôi ý định lấy cắp quả bóng. Tôi thật sự sợ hãi vì biết rằng điều này là hoàn toàn sai. Nhưng Don đã thuyết phục tôi rằng chính nó sẽ làm việc đó, còn tôi chỉ cần tìm cách đánh lạc hướng người bán hàng. Cuối cùng, tôi đành đồng ý.
Tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khi giả vờ quan tâm đến một chiếc áo thể thao treo ở cuối gian hàng. Khi ấy, Don mặc một chiếc áo khoác rộng, nhẹ nhàng giấu quả bóng vào dưới áo, kẹp bóng vào nách rồi bước ra khỏi cửa hiệu. Vài phút sau, tôi cũng bước ra theo. Vừa bước ra khỏi cửa, tôi nghe một giọng nói quen thuộc gọi tên mình. Tôi quay lại và thấy cô Norma, người thường cùng đến nhà thờ với gia đình tôi mỗi sáng Chủ nhật. Cô hỏi tôi đang làm gì ở cửa hiệu. Tôi vô cùng bối rối nên ấp úng không biết trả lời như thế nào. Cô nói cô đã thấy Don lấy cắp quả bóng và cô biết tôi là người tiếp tay cho Don.
Ban đầu, tôi cố biện minh cho sự vô can của mình nhưng sau đó tôi lo sợ gia đình và bạn bè biết được chuyện này. Cô Norma yêu cầu tôi gọi Don quay lại để trả quả bóng. Don đang đứng đợi tôi bên ngoài và khi nghe tôi kể lại mọi việc, Don kiên quyết không quay lại cùng tôi mà đưa tôi quả bóng. Trước khi chạy đi, Don nói, nếu muốn, tôi hãy tự mình quay lại cửa hàng đó.
Tôi bối rối cầm quả bóng quay lại chỗ cô Norma. Tôi không biết phải làm như thế nào. Tự thú một mình ư? Tôi không đủ cam đảm. Cô Norma bỗng nhiên im lặng không nói gì, chỉ nhìn thẳng vào mắt tôi, như muốn tìm kiếm biểu hiện của sự ăn năn, hối lỗi. Tôi quay đi để lảng tránh ánh mắt ấy. Cuối cùng, cô bước đến, nắm chặt tay tôi và kéo tôi vào cửa hàng. Cô trả quả bóng và xin lỗi ông chủ vì sự khờ dại của tôi. Tôi đứng bên cạnh cô mà không biết nói gì. Sau đó, cô rút ví ra và trả tiền quả bóng đó. Tôi sững người vì ngạc nhiên.
Cô trao quả bóng cho tôi rồi nghiêm khắc nói:
- Johnny, con hãy về nhà! Quả bóng này cô tặng con. Hy vọng đây lần cuối con phạm lỗi. Chuyện này chỉ
có cô và con biết thôi!
Quả thật như vậy, trong những lần đi lễ tiếp theo, tôi không thấy cô Norma nói gì với bố mẹ tôi. Cô vẫn hỏi thăm gia đình tôi và quan tâm đến việc học hành của tôi như bình thường. Tôi thầm cảm ơn cách cư xử tế nhị của cô.
Nhiều năm sau, công việc của bố mẹ tôi ngày càng ổn định, chúng tôi chuyển đến nơi ở mới. Đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ quả bóng ngày xưa. Nó luôn nhắc nhở tôi về sự bồng bột của tuổi trẻ. Nếu không có cô Norma, chắc hẳn cảm giác hối hận trong lương tâm luôn ám ảnh và dằn vặt tôi mãi.

Con... Tầm Gửi

" Nhớ ngày xưa ông bà cố gắng cho con đi học, mong con có cuộc sống ổn định, an nhàn, ai ngờ giờ nó lại đổ đốn ra, chả muốn đi làm...".

Cuối tuần vừa rồi, cả lớp đại học cũ của Thanh Tâm kỷ niệm 40 năm ngày ra trường. Giữa những hồi ức thời sinh viên trong sáng, hồn nhiên là câu chuyện của những ông bà nội, ngoại với bao trăn trở về một lớp trẻ sung sướng, hưởng thụ và ít nghĩ đến người khác. Đúng lúc chuyện đến cao trào thì Thanh Tâm có điện thoại. Và thật lạ lùng, 2 cuộc liền trong buổi sáng đó cũng là 2 câu chuyện của những bà nội, ngoại đang loay hoay vì không biết làm sao giúp được các con.